Ô nhiễm không khí làm gia tăng nguy cơ sảy thai
- Minh Nguyệt
- •
Những năm gần đây, không khí ở Trung Quốc bị ô nhiễm đã đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân. Theo một điều tra gần đây, ô nhiễm không khí không chỉ dẫn tới các bệnh về hô hấp và chết sớm, còn có thể làm tăng nguy cơ sảy thai cho phụ nữ mang thai.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy, ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Bắc Kinh không chỉ gây ra các bệnh về đường hô hấp và mất sớm, nó còn có thể khiến phụ nữ bị sảy thai. (Ảnh: Getty Images)
Đài phát thanh Deutsche Welle (Đức) đưa tin, theo điều tra của Breathe Life, mức độ không khí ô nhiễm ở Bắc Kinh đã vượt quá tiêu chuẩn quy định của tổ chức y tế WHO 7,2 lần. Điều này làm tăng nguy cơ sảy thai đối với phụ nữ mang thai. Đây cũng là kết quả của một báo cáo mới nhất trên tạp chí khoa học uy tín Nature Sustainability.
6,8% phụ nữ có thai bị sảy thai sớm
Mười sáu nhà nghiên cứu từ nhiều trường đại học ở Trung Quốc đã khảo sát 250.000 phụ nữ mang thai ở Bắc Kinh trong gần 9 năm. Kết hợp với phân tích dữ liệu chất lượng không khí, họ phát hiện rằng, phụ nữ mang thai trong thời kỳ đầu nếu thường xuyên tiếp xúc với không khí ô nhiễm thì có nguy cơ bị sảy thai. Trong số đó, hồ sơ lâm sàng của 17.497 phụ nữ (6,8%) cho thấy có tình trạng sẩy thai.
Đồng thời, các nhà nghiên cứu còn căn cứ vào các số liệu đo lường của trạm quan trắc không khí gần nơi cư trú và địa điểm làm việc của những phụ nữ mang thai để tính toán mức độ phơi nhiễm của các chất ô nhiễm không khí, bao gồm cả thời gian phơi nhiễm cũng như nồng độ ô nhiễm đối với mỗi phụ nữ mang thai.
Sau khi loại trừ một số yếu tố gây nhiễu tiềm ẩn như tuổi tác, nghề nghiệp và nhiệt độ môi trường của phụ nữ mang thai, kết quả phân tích cho thấy bốn chất gây ô nhiễm không khí PM2.5, sulfur dioxide, ozone và carbon monoxide là những yếu tố nguy cơ gây sảy thai sớm.
Ngoài ra, các chuyên gia nghiên cứu còn phát hiện, nồng độ chất ô nhiễm cao thì nguy cơ sảy thai đối với phụ nữ mang thai càng nghiêm trọng. Lấy ví dụ với PM2.5, nồng độ trung bình hàng năm trong khoảng 34-200 μg / m3, nồng độ càng cao, nguy cơ sảy thai càng lớn.
Giáo sư Trương Lập Cường tại Đại học sư phạm Bắc Kinh, một trong những tác giả của báo cáo nghiên cứu cho biết, vấn đề sảy thai có ảnh hưởng rất lớn đối với các gia đình Trung Quốc, “liệu ô nhiễm không khí có vai trò gì không, nó có ảnh hưởng như thế nào, nghiên cứu của chúng tôi đã cho thấy có khả năng đó.”
Ô nhiễm các hạt bụi càng nhỏ, mức độc hại càng lớn
Nhiều trường hợp, bụi ô nhiễm không khí có đường kính như tóc người, mà vi hạt càng nhỏ hơn thì càng có thể xâm nhập vào máu trực tiếp từ phổi và di chuyển đến não thông qua tuần hoàn máu.
Nghiên cứu này cho thấy tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm không khí ở phụ nữ mang thai có thể có tỷ lệ sảy thai cao, thai chết lưu và dị tật bẩm sinh cao hơn. Ví dụ, nếu người mẹ tiếp xúc với môi trường PM2.5 trong một thời gian dài, các chất ô nhiễm sẽ vượt qua màng ngăn huyết dịch của mẹ và thai nhi, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi, thậm chí gây ra tổn thương không thể phục hồi cho các tế bào phân chia phôi thai, đồng thời trong quá trình phát triển quan trọng của thai nhi gây ra tổn thương do thiếu oxy, hoặc tổn thương miễn dịch.
Báo cáo y học này không phải lần đầu tiết lộ mối quan hệ giữa ô nhiễm không khí và sảy thai. Tháng 2 năm nay, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Fertility and Infertility in Salt Lake City của Mỹ đã phát hiện ra rằng thêm 20 microgam nitơ dioxide trên mỗi mét khối sẽ khiến nguy cơ sảy thai tăng lên 16%.
Ngoài ra, một nghiên cứu gần đây của Đại học Hasselt ở Bỉ đã công bố một nghiên cứu mới trên tạp chí Nature Communications. Các nhà nghiên cứu đã thu thập nhau thai của phụ nữ không hút thuốc ngay sau khi thai nhi ra đời. Họ đã tìm thấy các hạt nano carbon ở nơi nhau thai tiếp xúc với em bé và số lượng hạt có liên quan đến mức độ ô nhiễm không khí trong môi trường sống của người mẹ.
Ô nhiễm không khí từ lâu đã được coi là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe của người dân. Ngày 10/1 năm nay, một nghiên cứu được do Viện nghiên cứu chính sách năng lượng của Đại học Chicago công bố, cho thấy nếu chất lượng không khí của Trung Quốc đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tuổi thọ trung bình của người dân Trung Quốc có thể tăng thêm 2,9 năm.
Không chỉ tại Trung Quốc, những năm gần đây, ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn ở Việt Nam như Hà Nội hay TP. HCM cũng ngày càng nghiêm trọng hơn. Vào khoảng trung tuần tháng 9, các ứng dụng đo thời tiết như Air Visual hay Pam Air đều cho thấy nhiều điểm quan trắc taị Hà Nội có chất lượng không khí AQI ở mức nguy hiểm và rất nguy hiểm.
Ngày 1/10 vừa qua, trước diễn biến ô nhiễm không khí ở nhiều thành phố kéo dài liên tục, thậm chí nhiều ngày chất lượng không khí đã suy giảm xuống ngưỡng xấu, ảnh hưởng tới sức khoẻ con người, Tổng cục Môi trường đã ra khuyến cáo người dân, đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh hô hấp nên hạn chế ra bên ngoài, tham gia giao thông và các hoạt động ngoài trời.
Minh Nguyệt
Xem thêm:
Từ khóa ô nhiễm không khí ô nhiễm bụi mịn PM2.5 Sẩy thai