Sau khi được quầy thuốc chẩn đoán bị viêm đường tiết niệu, chị T. (ở Quảng Ninh) được kê 3 loại thuốc gồm giảm đau và kháng viêm. Sau khi uống khoảng 10 phút, chị T. bị nổi mẩn ngứa toàn thân và khó thở.

shutterstock 1725872488
Cô gái sốc phản vệ độ 2 do tự ý sử dụng thuốc chữa đau bụng. (Nguồn: Maxim Studio/ Shutterstock)

Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh), Khoa cấp cứu của Bệnh viện cho biết vừa xử trí cấp cứu cho bệnh nhân V.T.T.T. (SN 2000, trú tại Phương Nam, TP. Uông Bí) nhập viện trong tình trạng sốc phản vệ độ 2 do uống thuốc mua ở quầy thuốc tây gần nhà.

Nữ bệnh nhân cho biết chị bị đau bụng nên ra quầy thuốc tây gần nhà và được người bán thuốc chẩn đoán bị viêm đường tiết niệu. Người bán kê đơn cho chị T. với 3 loại thuốc gồm giảm đau và kháng viêm rồi về uống thuốc theo đơn.

Tại nhà, sau khi uống thuốc khoảng 10 phút, chị T. bị nổi mẩn ngứa toàn thân và khó thở. Người nhà đã đưa chị đến Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí để cấp cứu.

Nhiều người cho rằng uống thuốc là an toàn và sốc phản vệ chỉ xảy ra khi tiêm thuốc, nhưng theo các bác sĩ, bệnh viện vẫn hay gặp và cấp cứu cho nhiều trường hợp bị sốc phản vệ do uống thuốc.

Nếu bị sốc nặng có thể dẫn tới tử vong, nhẹ hơn thì cũng gây ra các phản ứng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo việc kê đơn thuốc chỉ được thực hiện bởi bác sĩ tại các cơ sở y tế uy tín. Khi chưa có sự thăm khám của các bác sĩ thì tuyệt đối không tự mua và uống thuốc nhất là những người có tiền sử dị ứng để tránh các tác dụng phụ, phản ứng thuốc và xảy ra tình trạng sốc phản vệ.

Thạch Lam