Táo bón sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu bạn làm điều này
- Vương Tâm Lôi
- •
Táo bón không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nó lại khiến thể chất và tinh thần của người bệnh bị suy giảm nghiêm trọng.
Táo bón lâu dài không chỉ gây ra gánh nặng tâm lý cho cá nhân mà còn gây khô miệng, căng thẳng tinh thần, chướng bụng, đau bụng, chán ăn, mất ngủ, khô da, ngứa da, đốm đen, mụn trứng cá và nhiều cảm giác khó chịu khác… Những hệ lụy này ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày và công việc của người bệnh.
Ngoài ra, táo bón còn thể gây ra các vấn đề về sinh lý như rách hậu môn, chảy máu hậu môn, lòi búi trĩ và ứ phân, v.v. Đặc biệt nếu người cao tuổi bị táo bón, rặn quá mức khi đại tiện thì có thể dẫn đến tình trạng cao huyết áp, thậm chí là đột quỵ, thiếu oxy cơ tim hoặc làm nặng thêm thoát vị hiện có. Còn ở trẻ em bị táo bón sẽ khiến trẻ bị giảm trí nhớ, giảm khả năng tư duy logic và giảm khả năng sáng tạo.
Do đó nếu có những thay đổi bất thường về thói quen đại tiện như: Phân lỏng, sụt cân, mót rặn, tức là bạn muốn đi vệ sinh nhưng không đi ra phân được hoặc chỉ đi được một chút và luôn có cảm giác không thể đi ra hết phân, thì bạn nên cẩn thận. Điều này cảnh báo rằng bên trong đang xảy ra một số vấn đề tổn thương tắc nghẽn đại trực tràng, chẳng hạn như ung thư đại trực tràng hoặc hẹp ruột già do tổn thương viêm đại tràng. Vì vậy, nếu bạn bị táo bón không rõ nguyên nhân thì cần đến bệnh viện kiểm tra ngay, không được trì hoãn.
Táo bón theo nhìn nhận của Y học cổ truyền Trung Quốc
Y học cổ truyền Trung Quốc chia táo bón thành “táo bón thực thể” và “táo bón chức năng”.
Táo bón thực thể là táo bón do các nguyên nhân như tổn thương cấu trúc hoặc chức năng bên trong hay bên ngoài đường tiêu hóa, trường hợp này cần nhắm vào nguyên nhân thực thể để cải thiện.
Táo bón chức năng là loại chiếm tới 95% trong các trường hợp, chủ yếu là do rối loạn cơ chế chức năng và chế độ sinh hoạt không hợp lý. Chẳng hạn như ăn quá nhiều đồ chiên rán cay nóng, tâm trạng căng thẳng thất thường, ngồi trong thời gian dài và ít vận động gây tắc nghẽn khí, phân phối chất lỏng trong cơ thể bất thường, uống nhiều rượu gây tích nhiệt ở đường tiêu hóa, đường ruột thiếu độ ẩm của dịch cơ thể… tất cả nguyên nhân trên đều khiến phân khô và tắc nghẽn.
Điều trị táo bón bằng Y học cổ truyền
Đối với táo bón thực thể thì việc điều trị chủ yếu dựa vào các bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt, làm ẩm ruột và giải tỏa khí ứ đọng như: Vị thuốc ma tử nhân, Đại thừa khí thang, Lục ma thang, Mộc hương tân lang hoàn…
Ngoài ra, nếu táo bón do tình trạng thiếu hụt và bài tiết như tuổi già, mất máu sau sinh quá nhiều dẫn đến khí huyết yếu, thể chất dương suy nhược, mệt mỏi quá mức và bệnh tật… thì việc điều trị chủ yếu bằng các bài thuốc bổ dưỡng khí, dưỡng máu như: Đại Bổ Hoàng kỳ Thang, Nhuận Tràng Hoàn, Bổ trung ích khí thang, hoặc các đơn thuốc làm ấm và thông tắc, chẳng hạn như thuốc sắc ôn lý trừ hàn, Ôn tỳ thang.
Bổ sung chất xơ giúp hỗ trợ táo bón
Hầu hết mọi người đều cho rằng tốt nhất nên ăn ít hơn khi bị táo bón để giảm bớt gánh nặng cho đường tiêu hóa. Trên thực tế thì điều này là không đúng, vì ăn ít chỉ làm chậm hoạt động của đường tiêu hóa và khiến tình trạng trở nên trầm trọng hơn mà thôi. Ngược lại, ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ và uống đủ nước sẽ là cách tốt để cải thiện tình trạng táo bón, giúp phân trở nên mềm hơn và chống tắc ruột.
Ngoài ra nhiều người cũng có quan niệm sai lầm rằng nếu thấy trong phân có cà rốt, rau lá xanh… tức là “ăn gì ra đó” thì nghĩa là hệ tiêu hóa kém, rằng cơ thể không tiêu hóa được nên không dám ăn để tránh gánh nặng cho đường tiêu hóa. Tuy nhiên, thực chất là nếu bạn ăn những loại thực phẩm này, cho dù chúng chưa được hấp thụ nhưng vẫn có thể cung cấp chất nhầy cho phân và hỗ trợ đại tiện.
Mật ong có tác dụng rất lớn trong điều trị táo bón
Hầu hết người cao tuổi không đủ chất lỏng trong ruột nên có thể uống một nước mật ong, sữa, sữa chua hoặc ăn nấm trắng, hạt vừng, quả óc chó, quả hạnh và các loại trái cây nhiều dầu có vị ngọt. Những loại thực phẩm này có tác dụng bôi trơn ruột và rất bổ dưỡng.
Tăng cường vận động
Tập thể dục có thể tăng cường tuần hoàn máu và thúc đẩy nhu động ruột, bài tập đơn giản nhất là đi bộ, đặc biệt là đi bộ vào sáng sớm hoặc sau bữa tối sẽ có tác dụng tốt nhất. Ngồi dậy và đi xe đạp cũng giúp rèn luyện sức mạnh của cơ thành bụng, đồng thời hãy sử dụng bài tập nâng cơ để tăng cơ thành bụng. Việc kiểm soát cơ thắt hậu môn sẽ rất hữu ích để giảm táo bón. Ngoài ra, tốt nhất nên ngồi xổm khi đại tiện, điều này sẽ dễ tác dụng lực hơn là ngồi vào bệ cao.
Tác giả của bài viết là giám đốc Phòng khám Y học cổ truyền Trung Quốc, Diệp Tuệ Xương tại thành phố Đài Trung, Đài Loan. Bài viết này được xuất bản với sự cho phép của tác giả.
Vương Tâm Lôi/ Vision Times
Từ khóa táo bón