Tin tốt cho các “tín đồ” cà phê: Tránh ung thư mấu chốt nằm ở nhiệt độ
- Mộc Lan
- •
Vào năm 1991, cà phê bị Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào loại đồ uống “có thể gây ung thư” . Một nghiên cứu của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC)mang lại tin tốt cho những người đam mê cà phê: Nhiệt độ mới là yếu tố gây nguy cơ lớn hơn bản thân những gì được tiêu thụ.
Người Việt chúng ta có thói dùng thức ăn hoặc đồ uống khi còn nóng để bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, ung thư thực quản bị xếp vào loại phổ biến thứ 8 trên thế giới, mà một trong các nguyên nhân là do ăn uống quá nóng. Vậy thì ăn, uống ở nhiệt độ nào là thích hợp cho sức khoẻ, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
Nghiên cứu: Đồ uống nóng trên 65°C có thể gây ung thư
Khả năng chịu nhiệt của niêm mạc thực quản là 40°C đến 50°C. Nếu vượt quá 65°C rất có thể sẽ gây ra các vấn đề như tổn thương và loét niêm mạc.
Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng uống đồ uống nóng trên 65°C có thể làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.
Kết quả “cho thấy rằng uống đồ uống quá nóng là một trong những nguyên nhân có thể gây ra ung thư thực quản và chính nhiệt độ, chứ không phải bản thân đồ uống,” Giám đốc IARC Christopher Wild nói với hãng tin AFP.
Mặc dù niêm mạc có chức năng tự phục hồi nhưng kích thích lặp đi lặp lại trong thời gian dài sẽ khiến niêm mạc bị tổn thương, lâu ngày có thể dẫn đến ung thư.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng nếu có các triệu chứng như khó nuốt, khó tiêu dai dẳng hoặc ợ chua, buồn nôn ngay sau khi ăn, bạn nên đi khám kịp thời.
Cách xác định nhiệt độ nước trên 65°C.
Dùng nhiệt kế để đo nhiệt độ trước khi uống cà phê trông có vẻ hơi kỳ lạ. Chúng ta cũng có thể ước lượng được nhiệt độ phù hợp theo cảm nhận của mình. Mặc dù không thể đo nhiệt độ chính xác mọi lúc nhưng bạn cũng có thể tham khảo những kinh nghiệm dưới đây:
Nhiệt độ nước lẩu cao đến 120°C, nhiệt độ của trà mới pha là khoảng 80-90°C, nhiệt độ của bánh bao và mì sợi vừa ra khỏi nồi là khoảng 70-80°C, nước ở 65°C chỉ có thể nhấp môi một chút.
Vì vậy, lần tới nếu tự pha cho mình một tách trà hoặc cà phê nóng, bạn hãy để nguội một lúc thì đã đạt được mức nhiệt độ vừa uống rồi nhé.
Một số thói quen có hại cho thực quản cần lưu ý
Ông bà ta vẫn thường bảo “bệnh từ miệng mà vào”, chế độ ăn uống xác thực là liên quan rất nhiều đến các vấn đề sức khỏe. Theo số liệu năm 2018 của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam ghi nhận hơn 2400 ca mắc mới ung thư thực quản mỗi năm. Dưới đây là một số thói quen ăn uống bạn cần lưu ý để tránh gặp phải các vấn đề sức khỏe thực quản:
1. Thường ăn đồ nóng
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo rằng đồ uống nóng nên được làm nguội trước khi uống. Mặc dù tỷ lệ ung thư thực quản liên quan đến uống đồ uống nóng vẫn chưa được xác định rõ nhưng nói chung, đồ uống càng nóng thì nguy cơ ung thư càng cao.
2. Ăn nhiều thực phẩm ngâm chua, hun khói, chiên nướng
Việc ngâm chua sẽ làm tăng đáng kể nitrit trong thực phẩm, đặc biệt là khi nhiệt độ cao hơn 20℃. Hàm lượng nitrit càng cao thì khả năng gây ung thư càng lớn. Thường xuyên ăn thực phẩm nướng, hun khói và chiên cũng có thể làm tổn thương thực quản.
3. Ăn quá nhanh
Ăn quá nhanh sẽ khiến thức ăn không được nhai nát. Các hạt thức ăn cứng có thể làm tổn thương biểu mô niêm mạc thực quản, dẫn tới viêm cấp tính, lâu dần có thể chuyển thành viêm mãn tính, tăng nguy cơ ung thư thực quản.
4. Lạm dụng rượu, bia, thuốc lá
Rượu gây kích thích lên niêm mạc thực quản, nhất là rượu trên 60 độ thì mức độ tổn thương niêm mạc thực quản càng rõ ràng.
Các chuyên gia của Bệnh viện K cho biết lạm dụng rượu bia và hút thuốc lá thường xuyên có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao gấp 10 lần người bình thường.
Độ tuổi thường gặp nhất mắc căn bệnh này là khoảng 50 đến 60 tuổi. Cũng theo nhiều nghiên cứu chế độ ăn giàu đạm và chất béo sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh, ngược lại chế độ ăn nhiều rau xanh và hoa quả giàu vitamin giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.
Từ khóa cà phê trà ung thư thực quản đồ uống nóng