Uống rượu có thể “thiêu cháy” bộ não của bạn
- Lý Trí
- •
Trong văn hóa của người xưa, uống rượu có thể kích thích tuần hoàn máu và giữ ấm cơ thể. Tuy nhiên, nếu uống rượu một cách không kiềm chế hoặc nghiện thì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe não bộ của bạn.
Nghiện rượu mãn tính cũng có thể gây các bệnh về não
Theo khuyến nghị của Viện Quốc gia về Lạm dụng Rượu và Nghiện rượu (NIAAA), đàn ông trưởng thành nên uống trung bình không quá 1 ounce rượu (khoảng 30ml) mỗi ngày còn phụ nữ thì chỉ nên uống 0,5 ounce (khoảng 15ml). Bởi vì, nếu uống quá nhiều rượu trong thời gian dài, não của bạn có thể bị tổn thương.
Bệnh não mãn tính là bệnh lý thần kinh gây suy giảm nhận thức và rối loạn tâm thần nặng thường là do lạm dụng rượu và nghiện rượu. Khi tỷ lệ tiêu thụ rượu tăng dần, tỷ lệ lưu hành của nó trên toàn thế giới cũng ngày càng tăng và cuối cùng thì nó đã đạt đến vị trí thứ tư trong số các bệnh tâm thần. Hiện nay, bệnh não do nghiện rượu mãn tính được chia thành 6 loại, bao gồm bệnh não Wernicke, hội chứng Korsakoff, chứng sa sút trí tuệ mãn tính, mê sảng, động kinh và rối loạn tâm thần. Đồng thời, các bệnh liên quan đến rượu cũng chiếm tỷ lệ cao tại các khoa nội của bệnh viện đa khoa, trong đó có bệnh mạch máu não, bệnh tim mạch vành, xơ gan và tiểu đường tuýp II.
Bên cạnh đó, các vấn đề về gia đình, y tế và xã hội phát sinh cũng là do chứng nghiện rượu gây ra. Điều này đã khiến một lượng lớn nguồn lực trong xã hội bị lãng phí.
Chứng nghiện rượu có thể gây ra sự sai lệch thông tin trong não
Đầu tiên là nói đến một trong những bệnh não mãn tính do rượu, đó là hội chứng Korsakoff. Hội chứng Korsakoff còn được gọi là hội chứng mất trí nhớ do rượu. Các biểu hiện lâm sàng điển hình của nó bao gồm mất trí nhớ, nhầm lẫn, “hamartia”, rối loạn chức năng nhận thức, mất phương hướng và thay đổi tính cách. Những triệu chứng này có thể khiến bệnh nhân bị rối loạn chức năng nhận thức, giảm khả năng học tập và thay đổi đáng kể về tính khí và tính cách.
Hầu hết bệnh nhân không thể ghi nhớ thông tin mới và bị mất trí nhớ những điều hoặc thông tin mà họ đã nhớ. Họ sẽ lấp đầy những chuyện đã quên bằng một sự thật bịa đặt vô lý, khó đoán, giàu nội dung, tuy nhiên nó chỉ là một sự hư cấu.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể không biết ngày giờ hiện tại, không biết mình đang ở đâu, đôi khi không nói được phương hướng và không tìm được đường về nhà. Một số bệnh nhân còn mất khả năng tính toán và không thể thực hiện chính xác các phép tính cộng trừ đơn giản.
Bên cạnh những biểu hiện của rối loạn chức năng nhận thức, người bệnh còn có thể bị rối loạn nhân cách, thường có biểu hiện lạnh lùng, thiếu yêu cầu chủ động về ý chí. Thậm chí là họ còn thiếu sự quan tâm đến mọi người, mọi việc xung quanh, đôi khi họ tỏ ra ích kỷ, bướng bỉnh, hưng phấn và hời hợt, hoặc tâm trạng thất thường nghiêm trọng.
Những người uống rượu lâu ngày, đặc biệt là nam giới trưởng thành, nếu có các triệu chứng trên thì cần đến bệnh viện, nhờ bác sĩ chuyên môn tiến hành sàng lọc và đánh giá thang điểm bệnh não do rượu mãn tính gây ra. Hoàn thành chụp MRI và kiểm tra huyết học, cuối cùng xác định tình trạng và mức độ tổn thương thần kinh, đồng thời loại trừ các nguyên nhân có thể khác.
Ngoài việc kiêng uống rượu, chế độ ăn uống và điều trị cũng rất quan trọng
Đối với những bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh não do rượu mãn tính, điều đầu tiên cần làm là ngừng uống rượu. Về mặt lâm sàng, một số bệnh nhân có thể tự ngừng uống rượu, mặc dù họ có các triệu chứng cai rượu trong thời gian ngắn nhưng cuối cùng họ có thể cai rượu hoàn toàn theo thời gian. Tuy nhiên, một số bệnh nhân nghiện rượu cần đến phòng khám cai nghiện chuyên biệt để cai rượu bằng thuốc.
Thứ hai, người bệnh nên xây dựng một chế độ ăn uống khoa học và phong phú, không uống rượu, cần bổ sung nhiều nước, chất điện giải, các loại vitamin, nguyên tố vi lượng, đặc biệt là vitamin B. Đồng thời, cần chú ý đảm bảo lượng protein và chất béo nạp vào cơ thể. Ngoài ra, các bác sĩ cũng sẽ điều trị triệu chứng tùy theo tình trạng của bệnh nhân, chẳng hạn như tiêm vitamin B1 để cải thiện nhận thức, tâm trạng và các triệu chứng tâm thần, kiểm soát bệnh động kinh và điều trị phục hồi chức năng cho các triệu chứng vận động như đi đứng không vững.
Điều đáng chú ý là do tổn thương não và nghiện rượu, một số lượng đáng kể bệnh nhân mắc bệnh não do rượu mãn tính sẽ quay trở lại uống rượu sau khi cai và thường rơi vào trạng thái trầm cảm, lo lắng hoặc tự ti. Lúc này, người nhà và bác sĩ nên quan tâm tới trạng thái của bệnh nhân, giúp họ hiểu rõ tình trạng, động viên họ chấp nhận thực tế, đối mặt với vấn đề và cùng nhau giải quyết vấn đề.
Bệnh nhân được khuyên nên kết bạn nhiều hơn với những người không uống rượu, tích cực tham gia các hoạt động xã hội lành mạnh, thay thế sự phụ thuộc vào rượu và tập thể dục phù hợp để giúp xoa dịu tâm trạng.
Từ khóa Uống rượu