15 quốc gia lên án ‘tội ác quốc tế’ của Trung Quốc đối với các nhóm thiểu số
- The Epoch Times
- •
Úc dẫn đầu các quốc gia đã ký tuyên bố tại Liên Hiệp Quốc (LHQ), bày tỏ ‘mối quan ngại hiện hữu về các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Trung Quốc’.
Đại sứ Úc tại Liên Hiệp Quốc, James Larsen, đã kêu gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bảo vệ nhân quyền ở Tân Cương và Tây Tạng.
Tuyên bố được đưa ra thay mặt cho 15 quốc gia bao gồm Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Iceland, Nhật Bản, Litva, Hà Lan, New Zealand, Na Uy, Thụy Điển, Vương Quốc Anh và Hoa Kỳ.
Tuyên bố nêu rõ nhiều phát hiện bất lợi do nhiều cơ quan đưa ra, bao gồm đánh giá hai năm trước của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ, kết luận rằng các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đã xảy ra ở Tân Cương và việc giam giữ người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số chủ yếu theo đạo Hồi khác trong tỉnh này “có thể cấu thành tội ác quốc tế, đặc biệt là tội ác chống lại loài người“.
Các quốc gia lưu ý rằng: “Nhóm công tác về giam giữ tùy tiện đã ban hành thông báo liên quan đến nhiều trường hợp giam giữ tùy tiện và cưỡng bức mất tích, và hơn 20 người nắm giữ nhiệm vụ theo thủ tục đặc biệt đã bày tỏ mối quan ngại về các vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống ở Tân Cương“.
Những người nắm giữ nhiệm vụ theo thủ tục đặc biệt —đôi khi được gọi là báo cáo viên đặc biệt—là các chuyên gia nhân quyền độc lập, chịu trách nhiệm điều tra, báo cáo và tư vấn cho Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Ông Larsen cho biết tất cả các báo cáo này đều dựa nhiều vào hồ sơ của chính Trung Quốc, bao gồm bằng chứng ở Tân Cương về “việc giam giữ tùy tiện trên quy mô lớn, chia cắt gia đình, cưỡng bức mất tích và lao động cưỡng bức, giám sát có hệ thống dựa trên tôn giáo và sắc tộc; hạn chế nghiêm trọng và thái quá đối với bản sắc và biểu đạt văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ; tra tấn và bạo lực tình dục và giới tính, bao gồm phá thai cưỡng bức và triệt sản; và phá hủy các địa điểm tôn giáo và văn hóa“.
Tại Tây Tạng, các cơ quan về nhân quyền của LHQ và báo cáo viên đặc biệt đã nêu chi tiết về việc giam giữ người Tây Tạng vì “biểu đạt quan điểm chính trị một cách hòa bình; hạn chế đi lại; sắp xếp lao động cưỡng bức; tách trẻ em khỏi gia đình trong các trường nội trú; và xói mòn các quyền và tự do về ngôn ngữ, văn hóa, giáo dục và tôn giáo“.
Mặc dù Bắc Kinh đã có “nhiều cơ hội” để giải quyết những lo ngại này, nhưng thay vào đó, họ gọi đánh giá của Cao ủy Nhân quyền là “bất hợp pháp và không có giá trị“.
15 quốc gia kêu gọi ĐCSTQ thả tất cả những cá nhân bị giam giữ tùy tiện ở cả Tân Cương và Tây Tạng, và khẩn trương làm rõ số phận và nơi ở của những thành viên gia đình mất tích.
“Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc duy trì các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế mà họ đã tự nguyện đảm nhận và thực hiện đầy đủ mọi khuyến nghị của Liên Hiệp Quốc“, tuyên bố nêu rõ.
“Minh bạch và cởi mở là chìa khóa để giảm bớt những lo ngại, và chúng tôi kêu gọi Trung Quốc cho phép các quan sát viên độc lập, bao gồm cả Liên Hiệp Quốc, tiếp cận Tân Cương và Tây Tạng một cách không bị cản trở và có ý nghĩa để đánh giá tình hình nhân quyền. Không quốc gia nào có hồ sơ nhân quyền hoàn hảo, nhưng không quốc gia nào có thể vượt qua sự giám sát công bằng về các nghĩa vụ nhân quyền của mình“, tuyên bố nhấn mạnh.
Rex Widerstrom, Epoch Times
Từ khóa Tây Tạng ĐCSTQ Duy Ngô Nhĩ Liên Hiệp Quốc Trung Quốc vi phạm nhân quyền