Ba ngư dân thiệt mạng sau khi một tàu đánh cá Philippines bị một tàu thương mại nước ngoài “chưa xác minh được” đâm vào khi đang đi qua Biển Đông, lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cho biết hôm Thứ Tư. Họ thông báo vụ việc xảy ra cách bãi cạn Scarborough (Việt Nam gọi là Hoàng Nham) khoảng 160 km vào hôm Thứ Hai (2/10) và 11 thành viên thủy thủ đoàn đã sống sót sau vụ tàu bị chìm.

Philippines
Tàu cá Philippines (gần) và tàu tuần dương của Trung Quốc (xa) gần bãi cạn Scarborough. (Ảnh: TED ALJIBE/AFP qua Getty Images)

Lực lượng bảo vệ bờ biển cho biết trong một bài đăng trên trang Facebook của mình rằng họ đã ứng phó với “sự cố hàng hải liên quan đến một tàu đánh cá Philippines bị một tàu thương mại nước ngoài chưa xác minh được đâm phải khi đi qua vùng biển lân cận ngoài khơi Bajo de Masinloc”, SCMP báo cáo. Bajo de Masinloc là cách gọi khác của người Philippines về bãi cạn Scarborough.

Một thành viên thủy thủ đoàn của tàu Philippines có tên Dearyn nói với các quan chức rằng vụ va chạm xảy ra vào khoảng 4h20 sáng Thứ Hai khi họ đang đánh cá bằng “thuyền mẹ” cách bãi cạn 85 hải lý (157km) về phía Tây bắc.

Theo Lực lượng bảo vệ bờ biển, sau khi thoát nạn, 11 thuyền viên sống sót đã dùng 8 thuyền dịch vụ của lực lượng để rời vùng biển và vận chuyển những người thiệt mạng đến Barangay Cato, Infanta, Pangasinan.

Họ đến nơi vào khoảng 10h sáng Thứ Ba 3/10 và báo cáo vụ việc cho giới chức địa phương gần nhất để được hỗ trợ.

Thứ Sáu tuần trước (29/9), khi bình luận với phóng viên CNN về hoạt động gần đây của nước láng giềng Trung Quốc ở khu vực Biển Đông “giàu tài nguyên”, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro Jnr đã ví chúng với “bắt nạt”, hành vi của những học sinh cá biệt ở trường học.

Ông nói Philippines tuy không muốn chiến tranh, và ngoại giao là con đường tốt nhất giải quyết vấn đề, nếu Bắc Kinh thiện chí chấp thuận cách làm này, nhưng đất nước ông sẵn sàng “đứng lên” để phản kháng lại lối “bắt nạt” này.

“Tôi không thể nghĩ ra trường hợp bắt nạt nào rõ ràng hơn trường hợp này”, ông Teodoro nói, và bày tỏ những lo ngại về khả năng leo thang căng thẳng “vì hành động nguy hiểm và liều lĩnh của các tàu Trung Quốc”.

“Đứng lên không có nghĩa là thực sự gây chiến với Trung Quốc,… Chúng tôi không muốn điều đó,” ông nói. “Nhưng chúng tôi phải giữ vững lập trường khi lãnh thổ của chúng tôi bị xâm phạm.”

Đồng thời, ông cũng cảnh báo rằng bất kỳ sự cố nào, dù vô tình hay cố ý, đều sẽ thuộc về Trung Quốc.

Nhận xét của ông bộ trưởng Teodoro diễn ra sau nhiều tuần căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines được nhen nhóm trở lại, bắt đầu từ sự cố sau sự cố hồi tháng 8 khi Trung Quốc phun nước vòi rồng vào các tàu Philippines tiếp tế cho BRP Sierre Madre, một tàu Philippines bị mắc kẹt tại bãi cạn Second Thomas, nơi Philippines dùng như một trạm chung chuyển tạm thời.

Ông Teodoro nói với CNN rằng đất nước của ông và thế giới phải chống lại “sự bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh ở Biển Đông.”

Bắc Kinh có các yêu sách lãnh thổ của họ đối với các bãi cạn tranh chấp và các thực thể khác ở Biển Đông –dựa trên cái gọi là quyền lịch sử– cho phép họ vẽ các đường bản đồ để tạo ra khu vực tài phán ven biển rộng lớn, chiếm hơn 80% diện tích khu vực biển này.

Các bên như Philippines, Malaysia, và Việt Nam, cũng như phần lớn các nước ASEAN, đều phản đối Trung Quốc, và cho rằng tất cả các yêu sách hàng hải phải dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Họ cho rằng các yêu sách mở rộng của Trung Quốc đã vượt quá giới hạn hợp pháp của UNCLOS.

Trung Quốc –một bên tham gia UNCLOS– bác bỏ cách giải thích luật này và cũng không công nhận phán quyết của trọng tài năm 2016 trong vụ kiện do Manila đưa ra có lợi cho yêu sách của quốc gia Đông Nam Á này.

Nhật Tân