7 lý do cho thấy việc bổ nhiệm Mueller điều tra Trump-Nga là vi hiến
- Minh Khuê
- •
Tổng thống Donald Trump hôm thứ Hai (4/6) đã dấy lên câu hỏi về tính hợp pháp của việc bổ nhiệm Biện lý đặc biệt Robert Mueller, nhưng cũng bày tỏ ông vẫn sẽ để cuộc điều tra Nga tiến hành vì ông không làm gì sai. Tờ Epoch Times, dẫn theo phân tích của nhiều chuyên gia pháp lý, đã đưa ra 7 lý do khẳng định cáo buộc của ông Trump là hoàn toàn có lý.
“Việc bổ nhiệm Biện lý đặc biệt là hoàn toàn VI HIẾN!” Bất chấp điều đó, chúng tôi chơi trò chơi này bởi vì, không giống như đảng Dân chủ, tôi đã không làm gì sai cả!” ông Trump đã viết trên Twitter sáng thứ Hai (4/6).
Tổng thống đã đưa ra thông điệp nêu trên một ngày sau khi tờ New York Times công bố những bức thư bí mật mà các luật sư của ông Trump đã gửi cho ông Robert Mueller bị rò rỉ cho truyền thông. Trong các lá thư này, đội ngũ pháp lý của ông Trump đã giải quyết triệt để các truy vấn của ông Mueller nhưng không thách thức tính hợp pháp của việc bổ nhiệm Biện lý đặc biệt.
Thông điệp của ông Trump hôm thứ Hai cho thấy rằng các luật sư của ông có thể mở rộng phạm vi đối đầu pháp lý với ông Mueller bằng cách dấy lên vấn đề về tính hợp pháp của việc bổ nhiệm ông.
Kể từ khi Phó Tổng chưởng lý Rod Rosenstein bổ nhiệm ông Mueller hơn một năm trước đây, các chuyên gia pháp lý đã chỉ ra một loạt các lý do tại sao việc bổ nhiệm này có thể vi phạm pháp luật.
1. Thông đồng không phải là một trọng tội
Pháp luật Hoa Kỳ hướng dẫn việc bổ nhiệm một Biên lý đặc biệt đòi hỏi phải có một tội phạm cụ thể được điều tra. Thông đồng không phải là một phần của bất kỳ luật định nào của Hoa Kỳ, ngoại trừ các vấn đề trong luật chống độc quyền (antitrust law).
Ông Rosenstein đã bổ nhiệm ông Mueller để điều tra các cáo buộc về thông đồng giữa chiến dịch của ông Trump và Nga. Vì những cáo buộc này không phải là tội phạm, việc bổ nhiệm ông Mueller không phù hợp với luật điều chỉnh Biện lý đặc biệt.
Cho tới nay, không ai trong số những người mà ông Mueller đã truy tố bị buộc tội thông đồng.
2. Phạm vi quyền hạn quá rộng
Pháp luật Hoa Kỳ yêu cầu Biện lý đặc biệt “phải được cung cấp một tuyên bố cụ thể về vấn đề cần được điều tra”.
Theo Lệnh Bổ nhiệm do chính ông Rosenstein ký, vị Phó Tổng Chưởng lý này đã cấp cho ông Mueller quyền điều tra “bất kỳ vấn đề nào nảy sinh hoặc có thể phát sinh trực tiếp từ cuộc điều tra”. Ông Mueller đã từng thừa nhận tại tòa án rằng lệnh của ông Rosenstein là cố ý “mập mờ”, trái với từ “cụ thể” (specific).
Ông Mueller cũng có khả năng hành động vượt ra ngoài phạm vi “mập mờ” đó. Các luật sư của cựu quản lý chiến dịch Paul Manafort của ông Trump, đã kiện Bộ Tư pháp vì cho rằng ông Mueller đã hành động vượt ngoài phạm vi thẩm quyền của mình trong việc truy tố ông Manafort về những tội danh đã bị cáo buộc thực hiện từ hơn một thập kỷ trước.
“Bằng cách phớt lờ các ranh giới thẩm quyền được cấp cho Biện lý đặc biệt trong Lệnh Bổ nhiệm, ông Mueller đã hành động vượt quá phạm vi quyền hạn của mình“, đơn kiện nêu trên lập luận.
3. Cuộc điều tra Trump-Nga xung đột với lợi ích tiềm tàng của Mueller
Vì ông Mueller là đồng nghiệp lâu năm và là bạn của cựu giám đốc FBI James Comey, nên việc xung đột lợi ích hoàn toàn có thể phát sinh khi Biện lý đặc biệt mở rộng cuộc điều tra tới khả năng ông Trump cản trở công lý trong việc sa thải ông Comey.
Luật pháp Hoa Kỳ yêu cầu ông Mueller phải tự loại mình ra khỏi cuộc điều tra nếu ông có “mối quan hệ cá nhân với bất kỳ người nào liên quan đáng kể đến việc điều tra hoặc truy tố“.
4. Cuộc điều tra Trump-Nga xung đột với lợi ích tiềm tàng của Rosenstein
Phó Tổng Chưởng lý Rosenstein đã ký ít nhất một đơn xin bảo đảm của một tòa án bí mật để được giám sát tình nguyện viên chiến dịch của ông Trump, ông Carter Page.
Các đơn xin bảo đảm này hiện đang bị chỉ trích gay gắt bởi vì các quan chức cấp cao tham gia vào việc ký kết giấy tờ này một cách có chủ ý, đã sử dụng một hồ sơ chống Trump chưa được xác minh do chiến dịch của bà Hillary Clinton tài trợ, làm cốt lõi cho lý do xin giám sát người trong chiến dịch của ông Trump.
Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã ban hành một bản đề nghị điều tra hình sự đối với một số quan chức liên quan đến việc ký các đơn xin bảo đảm nêu trên.
Vì việc giám sát ông Page có liên quan trực tiếp đến cuộc điều tra Nga, nên sự bất hợp pháp tiềm tàng của nó thể hiện một xung đột lợi ích với ông Rosenstein vì ông có thể bị “ảnh hưởng trực tiếp bởi kết quả của cuộc điều tra hoặc truy tố” những quan chức ký các đơn xin đảm bảo đó.
5. Cuộc điều tra Trump-Nga xung đột với lợi ích tiềm tàng của đội nhóm Mueller
Tổng thống Trump thường mô tả đội điều tra của ông Mueller là “13 đảng viên Dân chủ tức giận”. Một số người trong đội của Biện lý đặc biệt đã quyên góp tài chính cho đảng Dân chủ và các ứng cử viên Dân chủ tham gia tranh cử. Một thành viên trong nhóm, bà Jeannie Rhee đang làm luật sư cho Quỹ Clinton.
Báo cáo tài chính chiến dịch tranh cử của Bà Hillary Clinton cho thấy bà Rhee đã quyên góp tối đa 2.700 USD cho chiến dịch này vào năm 2015 và 2016.
Hai cựu thành viên của đội Mueller, ông Peter Strzok và bà Lisa Page, đã bị lộ các cuộc trao đổi tin nhắn cực kỳ định kiến chống Trump, thậm chí họ đã vượt xa tới mức thảo luận cả về một “chính sách bảo vệ” trong trường hợp ông Trump thắng cử.
6. Rosenstein đã tiếm quyền của Tổng Chưởng lý Jeff Sessions
Tổng Chưởng lý Jeff Sessions đã chủ động rút lui khỏi mọi vấn đề liên quan đến việc Nga can thiệp trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Và khi bổ nhiệm ông Mueller, Phó Tổng Chưởng lý Rosenstein đã ủy quyền cho Biện lý đặc biệt này được điều tra các vấn đề bên ngoài các vấn đề liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Các bản cáo trạng mà ông Mueller công bố thời gian qua đã chứng minh cho lập luận nêu trên. Ông Mueller đã truy tố ông Manafort vì những tội danh bị cáo buộc thực hiện từ hơn một thập kỷ trước. Thời điểm mà ông Manafort phạm pháp cách quá xa ông Trump công bố tranh cử tổng thống, nhưng vẫn được ông Mueller coi là một phần trong cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.
Bằng việc không thỏa thuận riêng trước với Tổng Chưởng lý Sessions, ông Rosenstein đã hành động vượt ngoài quyền hạn của mình khi cấp cho ông Mueller quyền hạn để điều tra các vấn đề mà đáng lý chỉ có thể được cấp bởi Tổng Chưởng lý Sessions.
7. Trái với Điều khoản Bổ nhiệm
Điều khoản Bổ nhiệm trong hiến pháp Mỹ yêu cầu các viên chức trọng yếu phải được tổng thống đề cử và được Thượng viện xác nhận. Ví dụ: Các Công tố viên Hoa Kỳ là những công chức trọng yếu và phải do tổng thống chỉ định vì các công tố viên này có thẩm quyền độc lập rộng rãi để theo đuổi các vụ án.
Việc bổ nhiệm ông Mueller khác với các cuộc bổ nhiệm Biện lý đặc biệt trước đây vì Phó Tổng Chưởng lý Rosenstein đã cấp cho ông Mueller một phạm vi điều tra quá rộng. Ông Rosenstein cũng không trực tiếp chỉ đạo công việc mà ông Mueller đang triển khai, khiến cho quyền lực của Biện lý đặc biệt Mueller ngang bằng hoặc thậm chí là vượt nhiều hơn một công tố viên Hoa Kỳ do tổng thống chỉ định.
Minh Khuê (Theo Epoch Times)
Xem thêm:
Từ khóa Donald Trump chính trị Mỹ Robert Mueller Biện lý đặc biệt điều tra Nga-Trump