Bắc Kinh nói Mỹ lấy cớ vụ khinh khí cầu để bôi nhọ Trung Quốc
- Lê Vy
- •
Hôm thứ Bảy (4/2), Bắc Kinh cho biết việc các phương tiện truyền thông và chính trị gia Hoa Kỳ tận dụng dụng cáo buộc rằng Trung Quốc thả khinh khí cầu gián điệp là nhằm bôi nhọ Trung Quốc.
Vụ khinh khí cầu đã khiến Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm thứ Sáu hủy bỏ chuyến công du hiếm hoi tới Bắc Kinh.
Ngay trước khi quyết định hủy bỏ chuyến thăm, Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố “lấy làm tiếc” và đổ lỗi cho gió đã đẩy cái mà họ gọi là khí cầu dân sự vào không phận Hoa Kỳ.
Vào thứ Bảy, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố khác đề cập đến thông báo của ông Blinken.
“Trung Quốc … chưa bao giờ vi phạm lãnh thổ và không phận của bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào,” tuyên bố nói.
“Một số chính trị gia và phương tiện truyền thông ở Hoa Kỳ đã sử dụng sự cố (khinh khí cầu) như một cái cớ để tấn công và bôi nhọ Trung Quốc.”
Tuyên bố nói thêm rằng vụ việc là một “tai nạn bất khả kháng” và Trung Quốc “luôn tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế cũng như tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia”.
Trong khi đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm thứ Sáu tuyên bố rằng báo cáo về khinh khí cầu bị nghi là gián điệp của Trung Quốc được phát hiện trên không phận Hoa Kỳ là một “thuyết âm mưu.”
“Thuyết âm mưu về một khinh khí cầu do thám bay qua Montana, nơi đặt một trong ba bãi phóng tên lửa hạt nhân nội địa của Mỹ, đã thu hút sự chú ý rộng rãi ở Mỹ, mặc dù bức ảnh họ chụp không rõ ràng và không có dấu hiệu nào liên kết nó với Trung Quốc cả,” bài báo đăng trên China Daily viết.
Khinh khí cầu bị nghi ngờ được tìm thấy lơ lửng trên Montana, sau khi bay qua Quần đảo Aleutian của Alaska và Canada. Các quan chức Hoa Kỳ hôm thứ Năm nói rằng họ tin tưởng rằng “khí cầu giám sát tầm cao” này đến từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hôm thứ Sáu rằng khinh khí cầu là một “khí cầu” dân sự được sử dụng chủ yếu cho nghiên cứu khí tượng, đồng thời nói thêm rằng gió đã thổi khí cầu ra khỏi đường đi “đã được lên kế hoạch”.
“Phía Trung Quốc lấy làm tiếc về việc khí cầu vô tình đi vào không phận Hoa Kỳ vì lý do bất khả kháng,” Bộ này cho biết trong một tuyên bố.
Khinh khí cầu được cho là đã bay lượn trên không phận Hoa Kỳ trong vài ngày, nhưng Lầu Năm Góc đã quyết định không bắn hạ nó, với lý do lo ngại về an toàn cho những người dưới mặt đất. Khinh khí cầu đã được Bộ chỉ huy phòng thủ hàng không vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) theo dõi.
Đã có những suy đoán cho rằng Trung Quốc có thể đã cố gắng quan sát các hầm chứa tên lửa ở Montana, nơi có Căn cứ Không quân Malmstrom, một trong ba căn cứ của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ duy trì và vận hành tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III. Tuy nhiên, Trung Quốc nói rằng họ không có ý định vi phạm không phận của Mỹ.
Hôm thứ Sáu, cây viết Zhang Zhouxiang của China Daily cho biết tuyến đường ngắn nhất giữa Bắc Kinh và Montana dài hơn 9.000 km, “khiến không thể kiểm soát chính xác chuyến bay của khinh khí cầu này.” Ngoài ra, khinh khí cầu giám sát được sử dụng làm công nghệ quân sự đã lỗi thời, có từ thế kỷ 20, ông Zhouxiang viết.
Lê Vy
Từ khóa Khinh khí cầu Trung Quốc