Trước đó, Tổng thống Mỹ Biden đã cảnh báo Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ) không tài trợ cho Nga, và Bắc Kinh dường như không muốn đối đầu với châu Âu và Mỹ.

W020220204728247677856
Tập Cận Bình gặp gỡ Vladimir Putin trước thềm Olympic Bắc Kinh 2022 (Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc)

Theo báo cáo của Reuters, trong tháng này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu tập một cuộc họp gồm 3 tập đoàn năng lượng nhà nước là Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc (Sinopec), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) và Tập đoàn Dầu khí hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC), để xem xét mối quan hệ hợp tác của họ với các đối tác Nga và các mối quan hệ kinh doanh tại địa phương ở Nga, đồng thời kêu gọi họ không thực hiện bất kỳ động thái hấp tấp nào để mua tài sản của Nga.

Nguồn tin tiết lộ, trong đó có 2 công ty đã thành lập các nhóm làm việc về các vấn đề liên quan đến Nga, đang phát triển các kế hoạch dự phòng cho sự gián đoạn kinh doanh và các biện pháp trừng phạt thứ cấp. Các nguồn tin cho biết, Sinopec đã tạm dừng các cuộc thảo luận về kế hoạch đầu tư 500 triệu USD vào Nga để xây dựng một nhà máy hóa chất khí tự nhiên mới. Nguyên nhân chủ yếu là do đối tác Nga và thành viên hội đồng quản trị Gennady Timchenko bị các nước phương Tây trừng phạt.

Sinopec có kế hoạch xây dựng một nhà máy hóa chất khí tự nhiên và hợp tác với công ty Sibur – nhà sản xuất hóa dầu lớn nhất của Nga, để thực hiện một dự án liên hợp hóa chất khí tự nhiên Amur trị giá 10 tỷ USD tương tự ở Đông Siberia. Sinopec nắm giữ 40% cổ phần và Sibur nắm giữ 60% cổ phần, dự kiến nhà máy này ​​sẽ bắt đầu sản xuất vào năm 2024.

Ngoài ra, Sinopec cũng tạm dừng chỉ các cuộc đàm phán với nhà sản xuất khí đốt Nga Novatek về liên doanh khí đốt, nguyên nhân là một trong cổ đông của Novatek là ngân hàng Sberbank (ngân hàng lớn nhất của Nga) cũng nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ.

Ông Putin bị Bắc Kinh phản bội?

Ngày 4/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cùng công bố “Quan hệ Đối tác Chiến lược Trung – Nga” tại Bắc Kinh, đồng thời nhấn mạnh quan hệ hữu nghị giữa hai nước là “vô tận”, “không có vùng cấm”“không giới hạn”, điều này cho thấy mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga rất chặt chẽ.

Theo CNN, một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đang cố gắng “miệng thì nói hỗ trợ Nga”, nhưng lại không thể khiến Mỹ tức giận hơn nữa, bởi vì Trung Quốc và Nga có lợi ích chiến lược chung trong phương diện thách thức phương Tây. Nhưng ngân hàng Trung Quốc lại không thể mất đi cơ hội có được đồng đô la, có rất nhiều ngành công nghiệp của Trung Quốc không thể tước đoạt công nghệ từ Mỹ, vì vậy Trung Quốc đang tạo ra sự cân bằng mong manh giữa 2 nước Mỹ và Nga.

CNN cũng đề cập, ông Putin và ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh vào ngày 4/2 rằng tình hữu nghị giữa hai nước “là vô tận“, nhưng điều này đề cập đến trước khi Nga phát động chiến tranh. CNN cũng liệt kê 4 biện pháp được chính quyền Bắc Kinh thực hiện trong những tuần gần đây, và nói rằng Trung Quốc có ý định tách mình ra khỏi nền kinh tế Nga vốn đã bị cô lập và đang đi xuống.

Đầu tiên, “khiến đồng rúp giảm giá”. Bài viết giải thích rằng đồng Nhân dân tệ không được giao dịch tự do, mà lưu động trong phạm vi do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (ngân hàng trung ương của Trung Quốc) quy định. Nhưng tuần trước, Trung Quốc đã mở rộng gấp đôi phạm vi giao dịch của đồng rúp, khiến cho đồng tiền của Nga mất giá nhanh hơn nữa.

Thứ hai, “thờ ơ trước yêu cầu sử dụng dự trữ ngoại hối của Nga”. Dưới lệnh trừng phạt quốc tế, một lượng lớn dự trữ ngoại hối của Nga đã bị đóng băng, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov vào ngày 13/3 từng cầu viện, nói rằng sẽ sử dụng đồng nhân dân tệ trong dự trữ ngoại hối, nhưng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa đưa ra bất kỳ phản hồi nào.

Thứ ba, “giữ linh kiện máy bay”. Nga đã bị các công ty lớn trừng phạt, hai hãng sản xuất máy bay lớn là Boeing và Airbus không còn cung cấp phụ tùng hoặc bảo dưỡng cho các hãng hàng không của Nga. Đầu tháng này, một quan chức cấp cao của Nga từng cho biết Moscow đang tìm kiếm một nhà cung cấp thay thế, nhưng Trung Quốc đã từ chối.

Thứ tư, “ngừng đầu tư vào cơ sở hạ tầng”. CNN cho biết, hồi đầu tháng này, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết, họ sẽ đình chỉ mọi hoạt động liên quan đến Nga và Belarus khi cuộc chiến nổ ra vì lợi ích tốt nhất của Ngân hàng. CNN nói rằng một động thái như vậy là rất đáng ngạc nhiên.