Bàn Môn Điếm, Geneva, Bắc Kinh… địa điểm nào phù hợp nhất cho cuộc gặp Trump – Kim?
- Xuân Thành
- •
Ronald Reagan và Mikhail Gorbachev đã chọn Reykjavik, thủ đô của Iceland. Franklin Roosevelt, Winston Churchill và Josef Stalin tụ họp tại Yalta, bán đảo Crime. Dwight Eisenhower và Nikita Khruschev luôn chọn Paris, Pháp. Vậy đâu là địa điểm phù hợp nhất cho cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo tối cao Bắc Hàn Kim Jong-un – cuộc hội nghị thượng đỉnh lần đầu giữa lãnh đạo hai nước Mỹ – Bắc Hàn?
Bàn Môn Điếm tại Khu Phi quân sự liên Triều (DMZ) là một địa điểm khả thi. Thụy Điển cũng đã đề nghị giúp đỡ. Và Geneva, Thụy Sĩ – một nước trung lập – luôn là lựa chọn tốt cho các cuộc gặp giữa các địch thủ.
Một địa điểm tại Châu Á – ví như Bắc Kinh – cũng không phải là ngoại lệ. Cũng có thể tính đến phương án để hai ông Trump, Kim gặp nhau trên một chiếc tàu ở vùng biển quốc tế.
Câu hỏi về địa điểm phù hợp cho cuộc gặp Trump – Kim đã được dấy lên kể từ sau khi các quan chức Hàn Quốc thông báo lời đề nghị gặp mặt trực tiếp của ông Kim Jong-un và Tổng thống Trump chấp nhận lời mời này.
Chưa có gì rõ ràng về địa điểm phù hợp cho hai nhà lãnh đạo Mỹ – Bắc Hàn, những người vốn đã có các cuộc khẩu chiến gay gắt trong năm 2017, ông Trump gọi Kim Jong-un là “Gã tên lửa tí hon” và lãnh đạo Bắc Hàn đáp trả khi miệt thị ông Trump là “Lão già lẩm cẩm”.
Bà Lisa Collins – học giả tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận định rằng: “Mọi con mắt sẽ đổ dồn vào cuộc gặp mặt Trump – Kim, ngay từ cái bắt tay đầu tiên của họ. Đã có 70 năm lịch sử thù địch giữa hai nước… vì vậy có được nơi gặp mặt đảm bảo an toàn và không nhấn mạnh quá mức về sự khác biệt giữa hai nước có lẽ sẽ là điều tốt nhất”.
Nhà Trắng chưa đưa ra bất kỳ đề nghị nào về địa điểm tổ chức cuộc gặp, trong khi phía Bắc Hàn cũng đang im tiếng sau khi có thông tin Tổng thống Trump đã chấp nhận gặp trực tiếp ông Kim Jong-un.
Những yếu tố về tính biểu tưởng, an ninh và độ khả thi thực tế cũng được tính toán trong việc lựa chọn địa điểm phù hợp. Do đó, có thể loại bỏ khả năng ông Trump sẽ tới Bắc Hàn hoặc ngược lại ông Kim tới Hoa Kỳ. Khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago tại Florida là địa điểm tốt cho ông Trump tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng có lẽ không phù hợp với ông Kim Jong-un.
Bàn Môn Điếm – làng Hòa Bình không dân cư, nằm trong DMZ có lẽ là nơi khá phù hợp. Tại đây có một tòa nhà trong đó có vạch một đường kẻ đánh dấu biên giới hai miền Triều Tiên. Về mặt lý thuyết, tại đây ông Kim có thể bắt tay ông Trump mà không cần bước chân khỏi đất Bắc Hàn.
Ông Trump, cũng từng muốn tới thăm khu DMZ trong chuyến công du Châu Á vào tháng 11 năm ngoái. Tuy nhiên, vì vấn đề thời tiết, nên Tổng thống Mỹ đã không thể đặt chân tới khu phi quân sự liên Triều.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un cũng đã có kế hoạch nối lại cuộc Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều vào tháng Tư tới và địa điểm để hai nhà lãnh đạo gặp gỡ chính là Bàn Môn Điếm.
Trong khi đó, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven, cũng đã đề nghị giúp đỡ vì đất nước ông có một Đại sứ quán chính thức tại Bình Nhưỡng.
Trong cuộc họp báo với ông Trump tuần trước, ông Lofven nói rằng: “Chúng tôi là nước không liên kết. Nếu tổng thống quyết định, những nhân vật chính quyết định họ muốn chúng tôi giúp đỡ, chúng tôi sẽ ở đó”.
Lịch sử cho chúng ta thấy một số bài học về các cuộc họp thượng đỉnh song phương.
Đôi khi, đó là các cuộc đối thoại thất bại.
Trong vòng xoáy ngoại giao cuối những năm 1980, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đã nhanh chóng lựa chọn Reykjavik, thủ đô sương mù của Iceland làm địa điểm tổ chức đàm phán cắt giảm vũ trang trong năm 1986. Họ đã không thể đạt được một thỏa thuận chung, nhưng kết quả là những bức ảnh mang tính biểu tượng về hai nhà lãnh đạo tươi cười cùng nhau trong những năm cuối cùng của kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh.
Những thời điểm khác, các cuộc gặp đã dẫn tới căng thẳng hơn.
“Cùng tồn tại hòa bình” là mục tiêu, nhưng không phải là kết quả tức thì trong cuộc họp thượng đỉnh tại Paris, Pháp giữa Khruschev và Eisenhower.
Các cuộc đàm phán căng thẳng vì chiếc chiến đấu cơ U-2 của Liên Xô bị bắn rơi vào năm 1960 và ông Eisenhower buộc phải thừa nhận đã từng theo dõi Liên Xô. Nhà lãnh đạo cộng sản đã rời khỏi cuộc họp, làm lạnh giá bất kỳ ý nghĩ nào về hòa bình lâu dài Mỹ – Xô trong một khoảng thời gian sau đó.
Các cuộc hội đàm giữa các địch thủ trong quá khứ đôi khi cũng là gợi ý về một địa điểm gặp gỡ rất đặc biệt – trên một chiếc tàu biển ở hải phận quốc tế. Vào năm 1989 cuộc đối thoại giữa Tổng thống Mỹ George H.W Bush và lãnh đạo Liên Xô Gorbachev đã diễn ra trên boong tàu, ở vùng biển gần Malta. Cuộc gặp này được gọi vui là “thượng đỉnh say sóng” khi các con sóng khổng lồ đã buộc các nhà lãnh đạo phải hủy một số phiên họp.
Cuộc gặp thượng đỉnh để lại những hình ảnh ấn tượng nhất, diễn ra cách nay không lâu. Vào năm 1977, Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat đã làm cả thế giới choáng váng khi ông đặt chân tới Israel và phát biểu trước quốc hội của nhà nước Do Thái.
Chuyến thăm lịch sử đó của ông Sadat đã đặt cơ sở cho hội nghị hòa bình và Hiệp định hòa bình tại Trại David vào năm 1979. Thỏa thuận Ai Cập – Israel vẫn còn nguyên giá trị tới nay và đã đặt nền móng cho các hội nghị hòa bình Trung Đông khác. Tuy nhiên, tiến trình hòa bình này đã bị đình trệ trong những năm gần đây do sự phức tạp trong mối quan hệ giữa các nước Ả rập Hồi giáo và nhà nước Israel Do Thái.
Xuân Thành (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa Bắc Hàn Quan hệ Mỹ - Bắc Hàn Bàn Môn Điếm Kim Jong Un Donald Trump