Báo cáo của Mỹ: ĐCSTQ bành trướng toàn cầu dưới ngọn cờ duy trì hòa bình
- Lâm Nghiên
- •
Đầu tháng này, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố báo cáo thường niên “Báo cáo Tình hình Phát triển An ninh và Quân sự Trung Quốc” (Military and Security Developments Involving the People’s Republic of China) năm 2021, còn được gọi là “Báo cáo Sức mạnh Quân sự Trung Quốc 2021“. Báo cáo tiết lộ rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thực hiện nhiều biện pháp bành trướng ra bên ngoài dưới ngọn cờ hòa bình, cứu viện, v.v.
Báo cáo mới nhất dài 192 trang này được chia thành 6 chương:
Chương 1: Tìm hiểu Chiến lược của Trung Quốc (ĐCSTQ);
Chương 2: Sứ mệnh và nhiệm vụ của Quân đội Trung Quốc (ĐCSTQ) trong “thời đại mới”;
Chương 3: Sức mạnh, khả năng và hoạt động của quân đội Trung Quốc (ĐCSTQ) ở xung quanh các nước láng giềng;
Chương 4, Sự hiện diện ngày càng tăng trên toàn cầu của quân đội Trung Quốc (ĐCSTQ);
Chương 5: Các nguồn lực và công nghệ để hiện đại hóa quân đội Trung Quốc (ĐCSTQ);
Chương 6: Tiếp xúc và giao lưu quốc phòng giữa Mỹ và Trung Quốc (ĐCSTQ).
ĐCSTQ rất giỏi trong việc sử dụng chủ nghĩa dân tộc để che giấu thực chất của chủ nghĩa cộng sản. Các hoạt động bành trướng toàn cầu của ĐCSTQ đã được họ mô tả thành chỉ báo về “phục hưng dân tộc một cách vĩ đại”, chiến tranh Trung – Mỹ cũng bị giải thích lệch lạc thành “cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia dân tộc lớn mạnh”.
Báo cáo chỉ ra rằng cơ sở tư tưởng trong chiến lược của ĐCSTQ là thực hiện “phục hưng dân tộc” vào năm 2049, và các khái niệm đồng bộ với chiến lược này là “tuần hoàn kép” về kinh tế, đột phá “công nghệ cao cấp” về lĩnh vực công nghệ, “cộng đồng nhân loại chung vận mệnh” về ngoại giao, và sức mạnh quân sự đến năm 2049 sẽ đạt được “tốt nhất thế giới” về mặt quân sự.
Với tư cách là người dẫn đầu thế giới và là người bảo vệ trật tự quốc tế, Mỹ đã trở thành “chướng ngại vật” chính cho quá trình “phục hưng” của ĐCSTQ. Báo cáo chỉ ra rằng ĐCSTQ muốn tạo ra một trật tự quốc tế có lợi cho sự phát triển của chính mình, Bắc Kinh cho rằng Mỹ có ý kiềm chế Trung Quốc và tạo ra những trở ngại cho chiến lược của họ. Mục tiêu chính của quân đội ĐCSTQ là tăng cường năng lực “chiến thắng trong các cuộc chiến tranh” chống lại “kẻ thù mạnh” (một cách gọi uyển chuyển đối với Mỹ).
Báo cáo năm nay tập trung vào các tiêu điểm như việc mở rộng kho vũ khí hạt nhân của ĐCSTQ, tình hình trên eo biển Đài Loan và vũ khí sinh học. Bài viết này giới thiệu một số điểm chính trong Chương 4 của báo cáo (“Sự hiện diện ngày càng tăng trên toàn cầu của quân đội ĐCSTQ”).
Chương 4 của báo cáo chỉ ra, ĐCSTQ cho rằng vài thập kỷ đầu của thế kỷ 21 là “thời kỳ cơ hội chiến lược” của mình, yêu cầu quân đội phát triển khả năng lan tỏa sức mạnh ra ngoài biên giới để đảm bảo lợi ích ở nước ngoài và thúc đẩy các mục tiêu chính sách ngoại giao.
Các biện pháp chính gồm có: Thúc đẩy sáng kiến ”Vành đai và Con đường”, phát triển quan hệ an ninh với các nước láng giềng quan trọng, cử thêm tùy viên quân sự đến các đại sứ quán trên thế giới, và mở rộng quan hệ đối tác chiến lược. Tiếp tục mở rộng sự hiện diện quân sự toàn cầu của ĐCSTQ thông qua viện trợ nhân đạo, hộ tống hải quân và cập cảng, hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, mua bán vũ khí, hoạt động gây ảnh hưởng, các cuộc tập trận quân sự song phương và đa phương, đồng thời thu được kinh nghiệm trong hoạt động thực tế.
Trong sách trắng “Chiến lược quân sự của Trung Quốc” phát hành năm 2015, ĐCSTQ đánh giá: “Sức mạnh duy trì hòa bình đã tăng lên, các nhân tố hạn chế chiến tranh đã tăng lên. Trong tương lai gần, không thể xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới, và tình hình hòa bình chung có triển vọng được duy trì.” Trong tình hình hòa bình, ĐCSTQ thường triển khai hoạt động bành trướng ra bên ngoài dưới ngọn cờ hòa bình, cứu viện, v.v.
1. “Một vành đai, một con đường”
Báo cáo chỉ ra, cùng với việc sáng kiến “Vành đai và Con đường” được thúc đẩy, dấu chân quân sự ở nước ngoài của ĐCSTQ cũng đã mở rộng tương ứng. Hành lang kinh tế “Vành đai và Con đường” sẽ đi qua các khu vực bạo lực và xung đột vũ trang, người dân địa phương cũng cảm thấy bất an về vấn đề tham nhũng, lao động và môi trường do “Vành đai và Con đường” mang lại. Vì thế, ĐCSTQ tìm cách thiết lập quan hệ hợp tác chống khủng bố chặt chẽ hơn với nước chủ nhà (nước tiếp nhận đầu tư) và mở rộng năng lực lan tỏa sức mạnh quân sự của mình.
Một số dự án của “Vành đai và Con đường” cũng có thể tạo ra một số ưu thế quân sự cho ĐCSTQ. Ví dụ, hạm đội của ĐCSTQ có thể đi vào các cảng nước ngoài được lựa chọn bởi “Vành đai và Con đường” và triển khai hỗ trợ hậu cần cần thiết trước để bố trí hải quân duy trì ở các khu vực xa xôi như Ấn Độ Dương, Địa Trung Hải và Đại Tây Dương.
2. Hoạt động quân sự toàn cầu
Báo cáo chỉ ra rằng trong 20 năm qua, với sự gia tăng lợi ích ở nước ngoài, ĐCSTQ đã bắt đầu thúc đẩy gia tăng năng lực hoạt động của quân đội ngoài Trung Quốc.
Năm 2004, ông Hồ Cẩm Đào đề xuất một “sứ mệnh lịch sử mới” của quân đội ĐCSTQ là bảo vệ các lợi ích ở nước ngoài. Vì thế trọng điểm của hải quân ĐCSTQ đã chuyển từ “phòng ngự duyên hải” sang “bảo vệ vùng biển quốc tế”; không quân của ĐCSTQ cũng thành lập một nhánh “chiến lược” để hỗ trợ lợi ích ở nước ngoài.
Vào năm 2020, ĐCSTQ đã hiệu đính “Luật Quốc phòng”, yêu cầu quân đội “bảo vệ các lợi ích quốc gia ở nước ngoài”, điều này đã tăng cường hơn nữa sự tham gia của quân đội ĐCSTQ vào các hoạt động kinh tế và ngoại giao toàn cầu.
ĐCSTQ còn chấp nhận khái niệm “Các hoạt động quân sự phi chiến tranh” (NWMA). Ví dụ, Sách trắng Quốc phòng năm 2019 của ĐCSTQ đã chỉ ra, quân đội ĐCSTQ “hưởng ứng một cách trung thực lời kêu gọi thành lập một cộng đồng nhân loại chung vận mệnh”, nhấn mạnh việc triển khai quân sự toàn cầu trong trạng thái hòa bình.
Hải quân (PLAN), Không quân (PLAAF), Lục quân (PLAA) và Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược (SSF) của Quân Giải phóng Nhân dân của ĐCSTQ được triển khai ở nước ngoài để thực hiện cái gọi là chống cướp biển, viện trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HA / DR), duy trì hòa bình, diễn tập huấn luyện và các hoạt động hỗ trợ không gian.
Hải quân ĐCSTQ có thể có nhiều kinh nghiệm nhất trong các hoạt động quân sự ở nước ngoài, Không quân ĐCSTQ có thể có nhiều kinh nghiệm nhất trong các hoạt động phản ứng nhanh viện trợ nhân đạo / cứu trợ thảm họa (HA / DR) ở nước ngoài; còn Lục quân ĐCSTQ có thể có nhiều kinh nghiệm nhất trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược của ĐCSTQ có trạm theo dõi, đo cự ly xa và các sở chỉ huy ở Namibia, Pakistan và Argentina. Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược cũng sở hữu một số tàu khảo sát hàng không và đại dương “Yuan Wang” (Viễn vọng), được sử dụng để theo dõi quá trình phóng vệ tinh và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Hợp tác quân sự
Thông qua các chuyến thăm và trao đổi quân sự cấp cao, tiếp xúc quốc tế của các sĩ quan ĐCSTQ đã được mở rộng, khiến họ quan sát ở cự ly gần và nghiên cứu kỹ các kết cấu chỉ huy quân sự, biên chế lực lượng quân đội, huấn luyện chiến đấu, v.v, của nước ngoài.
Hành động duy trì hòa bình
ĐCSTQ cũng tích lũy kinh nghiệm trong các hoạt động quân sự ở nước ngoài thông qua tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc (PKO), đồng thời thu thập thông tin tình báo từ các cơ quan của Liên Hiệp Quốc.
Tấn công cướp biển
Kể từ khi hoạt động chống cướp biển ở Vịnh Aden năm 2008 đến nay, ĐCSTQ đã tiếp tục cử các lực lượng đặc nhiệm hộ tống hải quân. Khi kết thúc nhiệm vụ, các lực lượng đặc nhiệm này thường sẽ cập cảng để tiếp xúc với quân đội của nước sở tại và Hoa kiều địa phương, nhằm tạo thêm cơ hội cho hoạt động ngoại giao quân sự của ĐCSTQ.
Căn cứ ở nước ngoài
ĐCSTQ đang tìm kiếm xây dựng một số căn cứ quân sự ở nước ngoài, khiến họ có thể tỏa sức mạnh quân sự ở những nơi xa xôi. Mạng lưới hậu cần quân sự toàn cầu này vừa có thể can nhiễu hành động quân sự của Mỹ, cũng vừa có thể chi viện cho các hành động tấn công Mỹ.
Ngoài Djibouti, ĐCSTQ cũng tìm cách thiết lập thêm các căn cứ quân sự ở nước ngoài, bao gồm Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Pakistan, Sri Lanka, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Kenya, Seychelles, Tanzania, Angola và Tajikistan.
3. Hành động ảnh hưởng trên mạng
ĐCSTQ cho rằng các nước dân chủ cởi mở như Mỹ dễ dàng chịu sự can dự bởi sức ảnh hưởng bên ngoài. Mạng internet là nền tảng can dự mới nổi và lý tưởng.
Ít nhất kể từ năm 2003, quân đội ĐCSTQ đã nhấn mạnh phát triển khái niệm “ba cuộc chiến“: chiến tranh tâm lý, chiến tranh dư luận và chiến tranh pháp lý. Các hoạt động gây ảnh hưởng trên mạng xã hội của quân đội ĐCSTQ có thể được chia thành ba loại: tuyên truyền có lợi cho ĐCSTQ, phá hoại quyết tâm của đối thủ và định hình các chính sách của chính phủ nước ngoài có lợi cho lợi ích của Bắc Kinh.
Ít nhất từ năm 2009, quân đội ĐCSTQ bắt đầu lo lắng rằng Mỹ sẽ lợi dụng mạng internet và truyền thông xã hội để làm lung lay chính quyền ĐCSTQ. Quân đội ĐCSTQ bắt đầu triển khai nghiên cứu hành động có sức ảnh hưởng kỹ thuật số, cử các đoàn đại diện đến Nga, Israel, Belarus và Đức để học cách sử dụng mạng xã hội cho các hoạt động gây ảnh hưởng quân sự.
Gần đây, quan chức ĐCSTQ còn thảo luận vấn đề thiết lập tài khoản chính thức của quân đội ĐCSTQ trên các mạng xã hội của phương Tây như Twitter.
Quân đội ĐCSTQ đang nghiên cứu cách sử dụng các tài khoản mạng xã hội ẩn để gây ảnh hưởng chính trị. Ví dụ: Lực lượng hỗ trợ chiến lược của ĐCSTQ có thể đã triển khai các hoạt động ẩn nấp trên mạng truyền thông xã hội để hỗ trợ các ứng cử viên ủng hộ ĐCSTQ và cố gắng gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử ở Đài Loan năm 2018.
4. Xây dựng chế độ toàn trị kỹ thuật số
ĐCSTQ đang cố gắng thiết lập chủ nghĩa toàn trị kỹ thuật số, tăng cường kiểm duyệt và giám sát mạng, khởi xướng “chủ quyền Internet”. Đồng thời, ĐCSTQ cũng tích cực xuất khẩu công nghệ giám sát sang một số nước, một mặt là để đảm bảo sự sinh tồn của chế độ, mặt khác, ĐCSTQ sử dụng Internet để bôi nhọ các nước dân chủ.
5. Chiến lược Bắc Cực
Kể từ khi có được vị trí quan sát viên của Hội đồng Bắc Cực vào năm 2013, ĐCSTQ đã gia tăng mức độ tham gia của mình vào khu vực Bắc Cực, đồng thời thành lập các trạm nghiên cứu dân sự ở Iceland và Na Uy, và vận hành tàu nghiên cứu phá băng “Xue Long” (Tuyết Long).
ĐCSTQ liên tục mở rộng giao lưu qua lại tại Bắc Cực, điều này đã tạo ra những cơ hội mới cho việc trao đổi giữa ĐCSTQ và Nga. Vào tháng 4/2019, ĐCSTQ và Nga đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu Bắc Cực Trung – Nga.
6. Chiến lượng dầu khí
Khoảng 84% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc và 61% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của Trung Quốc được trung chuyển qua Biển Đông và eo biển Malacca. Mặc dù Trung Quốc đang nỗ lực đa dạng hóa các nhà cung cấp năng lượng, nhưng lượng dầu và khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ Trung Đông và châu Phi quá lớn, nên ít nhất trong 15 năm tới, việc đảm bảo an toàn cho các kênh hàng hải chiến lược sẽ là ưu tiên hàng đầu của chính quyền ĐCSTQ.
7. Mối quan hệ với Nga
Trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19, Nga và ĐCSTQ duy trì liên lạc cấp cao thường xuyên, đồng thời nhấn mạnh hợp tác chiến lược chặt chẽ về các vấn đề an ninh và y tế toàn cầu.
Mặc dù có sự tác quân sự liên tục, nhưng ĐCSTQ và Nga không muốn thiết lập một liên minh chính thức, mà cho rằng mô hình hợp tác hiện tại là đủ để đạt được mục tiêu.
8. Cử nhiều tùy viên quân sự
ĐCSTQ đang cử nhiều tùy viên quân sự ra toàn cầu để quản lý công tác ngoại giao quân sự ở nước ngoài của họ, tiến hành công tác thu thập tình báo công khai và bí mật.
9. Xuất khẩu vũ khí
Trung Quốc là nước cung cấp vũ khí lớn thứ 5 trên thế giới, bán các vũ khí như máy bay không người lái, tàu ngầm và máy bay chiến đấu cho Ả Rập Xê-út, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, Pakistan, v.v.
Máy bay không người lái có vũ trang: Trung Quốc đã cung cấp các máy bay không người lái quân sự “Cai Hong” (CH) hoặc “Wing Loong” với khả năng tấn công, ít nhất là cho các nước Pakistan, Iraq, Ả Rập Saudi, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Algeria, Serbia và Kazakhstan.
Vũ khí tấn công chính xác: Tính đến năm 2017, Trung Quốc đã bán mẫu xuất khẩu của các hệ thống tên lửa đạn đạo, bao gồm tên lửa đạn đạo M-20 (còn được gọi là Dongfeng-12), tên lửa chiến thuật tầm ngắn BP-12A và Hệ thống tên lửa tấn công liên hợp (JARM), như cũng như hệ thống Tên lửa dẫn đường vệ tinh tầm xa. Mặc dù Trung Quốc thường không tiết lộ các quốc gia mua các loại vũ khí này, nhưng vào năm 2017, Qatar đã trình diễn hệ thống JARM.
ĐCSTQ cũng là nhà cung cấp tàu hải quân lớn, Pakistan đã mua 8 tàu ngầm lớp Yuan (Yuan Class, tức tàu ngầm 039A / B / C) với giá hơn 3 tỷ đô la Mỹ. Thái Lan cũng đã mua một tàu ngầm lớp Yuan vào năm 2017 và muốn mua thêm hai chiếc nữa.
Theo Lâm Nghiên, Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa Quân đội ĐCSTQ Báo cáo quân sự