Báo cáo LHQ: Người dân Bắc Hàn sống sót bằng đưa hối lộ quan chức
- Xuân Thành
- •
Văn phòng nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm thứ Ba (28/5) đã phát hành báo cáo cho biết người dân Bắc Hàn đã buộc phải đưa hối lộ cho các quan chức nhà nước để sống sót trong đất nước bị cô lập của họ, nơi tham nhũng là “kinh niên” và đầy rẫy áp bức, Reuters đưa tin.
Báo cáo nêu trên cho hay các quan chức nhà nước trên khắp Bắc Hàn tống tiền người dân đang phải vật lộn để kiếm tiền đáp ứng nhu cầu sống cơ bản. Giới chức đe dọa người dân bằng việc bắt bớ và truy tố, đặc biết đối với những người làm ăn trong nền kinh tế ngầm, phi chính thức.
Theo Reuters, báo cáo này đã được gửi cho chế độ Bình Nhưỡng vài giờ trước khi được xuất bản công khai. Tuy nhiên, Bắc Hàn chưa lên tiếng chính thức về những thông tin mà báo cáo của Liên Hiệp Quốc đưa ra.
Bắc Hàn trước nay vẫn đổ lỗi cho các chế tài Liên Hiệp Quốc áp đặt lên đất nước này vì các chương trình hạt nhân và tên lửa từ năm 2006 là nguyên nhân dẫn tới tình trạng khủng khoảng nhân đạo tồi tệ. Tuy nhiên, báo cáo của Liên Hiệp Quốc chỉ ra rằng quân đội Bắc Hàn vẫn nhận được nguồn tài chính ưu tiên trong bối cảnh “quản lý kinh tế sai lầm.” Việc dồn tiền cho phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa góp phần chủ yếu khiến kinh tế Bắc Hàn yếu kém.
Trong tuyên bố phát đi hôm 28/5, bà Michelle Bachelet, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền, đã nói: “Tôi quan ngại rằng việc tập trung liên tục vào vấn đề hạt nhân tiếp tục chuyển hướng sự chú ý khỏi tình trạng nhân quyền tồi tệ của nhiều triệu người dân Bắc Hàn.”
“Những quyền đối với thực phẩm, y tế, nơi ở, việc làm, tự do di chuyển và tự do là phổ quát và không thể sang nhượng, nhưng tại Bắc Hàn những quyền này lại cơ bản phụ thuộc vào khả năng của mỗi cá nhân trong việc đưa hối lộ các quan chức nhà nước,” bà Michelle Bachelet nói.
Bốn trong số 10 người Bắc Hàn, tương đương khoảng 10,1 triệu người, thường xuyên bị thiếu lương thực và khả năng khẩu phần ăn vốn đã ít của họ sẽ tiếp tục bị cắt giảm thêm sau khi vụ mùa năm nay là tồi tệ nhất trong một thập kỷ qua, theo một đánh giá khác của Liên Hiệp Quốc hồi đầu tháng này.
Trong báo cáo của văn phòng nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh rằng: “Việc đe dọa bắt bớ, giam giữ và truy tố cung cấp cho các quan chức nhà nước các phương thức mạnh mẽ để tống tiền người dân đang đấu tranh sinh tồn.”
Báo cáo khẳng định đưa hối lộ là “công cụ hàng ngày của người dân trong việc kiếm tiền mưu sinh”. Thông qua báo cáo, Liên Hiệp Quốc đã lên án cái mà họ gọi là “vòng tròn tồi tệ của nghèo đói, tham nhũng và áp bức” tại Bắc Hàn.
Văn phòng nhân quyền Liên Hiệp Quốc thực hiện báo cáo này dựa trên 214 cuộc phỏng vấn với những người dân Bắc Hàn “đào thoát”, chủ yếu đến từ các tỉnh miền đông bắc như Ryanggang và Bắc Hamyong, giáp biên giới Trung Quốc. Họ là những người đầu tiên bị loại khỏi hệ thống phân phối công. Hệ thống phân phối này sụp đổ vào năm 1994, kéo theo nạn đói ước tính đã khiến 1 triệu người chết.
Báo cáo dẫn lời một phụ nữ Bắc Hàn tới từ tỉnh Ryanggang, đang sống tại Hàn Quốc, cho hay: “Nếu bạn chỉ làm theo các hướng dẫn của nhà nước, bạn sẽ chết đói.”
“Nếu bạn có tiền bạn có thể thoát được bất cứ điều gì, bao gồm cả tội giết người”, báo cáo dẫn lời một người đào thoát Bắc Hàn khác.
Báo cáo cho biết nhiều người Bắc Hàn đưa hối lộ bằng tiền mặt hoặc thuốc lá để không phải báo cáo các công việc được nhà nước giao, nhưng không được nhận lương, vì thế cho phép họ kiếm tiền trong các thị trường kinh tế ngầm.
Những người khác đưa hối lộ cho lính biên phòng để vượt biên sang Trung Quốc. Tuy nhiên, phụ nữ Bắc Hàn vượt biên sang Trung Quốc thường dễ bị đưa vào đường dây buôn người, bị ép lấy chồng Trung Quốc hoặc bị ép làm nghề bán dâm.
Bà Michelle Bachelet kêu gọi các nhà chức trách Bắc Hàn hãy chấm dứt truy tố người dân vì họ tham gia vào hoạt động thị trường hợp pháp và cho phép người dân được tự do đi lại trong nước và nước ngoài. Bà Bachelet cũng nói thêm rằng Trung Quốc không nên cưỡng bức hồi hương người Bắc Hàn tại Trung Quốc về nước.
Xuân Thành
Từ khóa tham nhũng Hối lộ Bắc Hàn