Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết trong một cuộc phỏng vấn phát sóng hôm Chủ nhật (3/9) rằng Hoa Kỳ đang cố gắng “bóp nghẹt” năng lực quân sự của chế độ Trung Quốc và sẽ không để những con chip “tinh vi nhất” được bán cho Bắc Kinh.

Bộ Thương mại do bà Raimondo lãnh đạo chịu trách nhiệm giám sát kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ. Bà được hỏi trong cuộc phỏng vấn với chương trình “Gặp gỡ báo chí” của đài NBC rằng liệu Mỹ có hạn chế xuất khẩu chip siêu dẫn sang Bắc Kinh “theo cách mà Trung Quốc không cảm thấy chúng ta đang cố gắng làm nghẹt công nghệ quân sự của họ hay không”.

Bà Raimondo nói: “Chúng tôi đang cố gắng bóp nghẹt năng lực quân sự của họ. Vì vậy, nếu họ cảm thấy thế, điều đó có nghĩa là chiến lược của chúng tôi đang có hiệu quả”.

“Chắc chắn rằng, dưới sự giám sát của tôi, chúng ta sẽ không bán con chip tinh vi nhất của Mỹ cho Trung Quốc vốn là thứ mà họ muốn dùng cho năng lực quân sự của họ”, bà Raimondo nói tiếp.  

Bà Raimondo khẳng định Hoa Kỳ cũng sẽ ngăn cản các công ty trong nước bán chất bán dẫn tiên tiến nhất cho Trung Quốc. Nhưng bà lưu ý rằng những hạn chế trên không áp dụng cho những con chip “kém phức tạp hơn”.

“Tôi muốn nói rõ ràng. Chúng ta vẫn sẽ tiếp tục bán chip trị giá hàng tỷ đô la mỗi năm cho Trung Quốc bởi vì phần lớn những con chip xuất khẩu này… không phải là công nghệ hàng đầu, tiên tiến mà tôi đang nói đến”, bà Raimondo nói tiếp.  

Bà nói: “Thật khó cho mọi người mọi người chấp nhận. Đó là kiểu thông điệp phức tạp, nhiều sắc thái, và là chính sách thực tế. Nhưng nó thiết thực vì… kiểm soát xuất khẩu là vì an ninh quốc gia chứ không phải vì lợi ích kinh tế.”

Thông điệp của bà Raimondo được đưa ra vài ngày sau khi bà trở về từ Trung Quốc. Vị nữ bộ trưởng thương mại Hoa Kỳ này đã dành ba ngày trong chuyến thăm, nói chuyện với các quan chức kinh tế cấp cao của Trung Quốc và đại diện doanh nghiệp Mỹ tại Bắc Kinh và Thượng Hải. 

Kết quả là, hai bên đã đồng ý đối thoại thường xuyên bằng cách thiết lập một nhóm công tác “các vấn đề thương mại” và tạo một nền tảng tập trung vào “trao đổi thông tin thực thi kiểm soát xuất khẩu”. 

Chuyến công du Bắc Kinh của bà Raimondo diễn ra sau khi Tổng thống Joe Biden ký sắc lệnh vào tháng trước nhằm hạn chế đầu tư vào ngành bán dẫn của Trung Quốc và các công nghệ nhạy cảm khác. Lệnh này có thể có hiệu lực vào năm tới, sẽ cấm vốn cổ phần tư nhân và vốn đầu tư mạo hiểm của Mỹ chảy vào Trung Quốc, tài trợ cho chế độ này nâng cao năng lực quân sự và tình báo. Quyết định này là tiếp sau của các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn của Hoa Kỳ sang Trung Quốc, được công bố vào tháng Mười năm ngoái.

Các quan chức hàng đầu của chế độ Trung Quốc, trong đó có Bộ trưởng Thương mại Vương Văn Đào và Phó Thủ tướng Hà Lập Phong, đã bày tỏ sự không hài lòng của Bắc Kinh về những hạn chế trên trong cuộc gặp với bà Raimondo vào đầu tuần trước (28/9)

Trong khi đó, bà Raimondo đã nhiều lần nói rằng không có chỗ cho sự thỏa hiệp hay đàm phán về an ninh quốc gia. Bà nhấn mạnh trước khi rời Trung Quốc rằng các kênh liên lạc mới, vốn đã vấp phải sự chỉ trích từ Đảng Cộng hòa, không phải “để tìm kiếm sự nhượng bộ mà là cơ hội để chia sẻ thông tin và tăng cường tính minh bạch”.

Bà Raimondo nói với đài NBC rằng vào cuối thập kỷ này, nước Mỹ sẽ có “một hệ sinh thái bán dẫn rộng lớn, có chiều sâu và tốt nhất thế giới”.

Bà Raimondo nói: “Thực ra, chúng ta cần quay trở lại công việc sản xuất và đóng gói những con chip tiên tiến nhất ở đây. Và vâng, vào cuối thập kỷ này, chúng ta sẽ lấy lại được ưu thế và có hệ sinh thái sâu sắc, bao gồm cả hoạt động nghiên cứu và phát triển, ở đây, ngay tại Hoa Kỳ.”

‘Niềm tin bị xói mòn’

Bà Raimondo là quan chức nội các Mỹ mới nhất đến thăm Trung Quốc, sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và ông John Kerry, đặc phái viên về khí hậu của Tổng thống Joe Biden.

Tổng thống Biden đang tìm cách mở lại các kênh liên lạc cấp cao để giảm bớt căng thẳng với chế độ cộng sản tại Bắc Kinh, mối quan hệ vốn đã leo thang vì hàng loạt vấn đề, từ thương mại và công nghệ, đến Đài Loan. Tình huống căng thẳng mới đây nhất là sự kiện các email của chính phủ Hoa Kỳ bị tin tặc có liên quan đến Trung Quốc xâm phạm.

Bà Raimondo cho biết rằng trong cuộc gặp với các quan chức Trung Quốc tại Bắc Kinh, bà đã nêu ra vấn đề tài khoản email của chính bà đã bị xâm nhập trái phép. 

“Tôi đã nêu vấn đề đó ra. Tôi nói rằng, chúng tôi biết điều đang diễn ra làm xói mòn lòng tin. Và anh biết đấy, tôi muốn làm rõ với họ rằng chúng ta không ngốc nghếch. Chúng ta sẽ không làm ngơ trước những điều mà họ đang cố làm”, bà Raimondo kể về các cuộc gặp của mình trong trương trình “State of the Union” của đài CNN, được phát sóng vào Chủ Nhật (3/9).

“Họ nói rằng họ không biết về điều đó, họ cho rằng đó không phải là cố ý”, bà tiếp tục. “Nhưng tôi nghĩ nó là cần thiết để tôi nêu ra vấn đề với họ và để họ biết rằng sẽ rất khó khăn để xây dựng lòng tin nếu họ có những động thái như vậy”. 

‘Kiên nhẫn giảm dần’

Bình luận của bà Raimondo được đưa ra khi Trung Quốc đang vật lộn với một nền kinh tế đang suy thoái. Các nhà đầu tư nước ngoài đang rút tiền ra khỏi sàn chứng khoán Trung Quốc. Một phần năm thanh niên Trung Quốc, trong độ tuổi từ 16 đến 24 đang bị thất nghiệp. Lĩnh vực bất động sản, từng đóng góp tới gần 1/3 GDP của Trung Quốc, đang trong tình trạng ảm đạm. Công ty bất động sản khổng lồ Evergrande đã nộp đơn xin bảo lãnh phá sản vào đầu tháng này và một nhà phát triển bất động sản lớn khác, Country Garden hiện có nguy cơ vỡ nợ.

Bà Raimondo nói: “Tôi nghĩ rằng không còn nghi ngờ gì về việc kinh tế Trung Quốc đang chậm lại. Và chắc chắn, họ đang gặp phải những thách thức thực sự, thực sự đáng kể trong lĩnh vực bất động sản.”

Bà Raimondo cũng cho biết các công ty Hoa Kỳ phải đối mặt với những thách thức mới, trong đó có những khoản tiền phạt lớn không được giải thích, các cuộc đột kích vào doanh nghiệp và những thay đổi đối với luật phản gián.

Bà nói với CNN: “Tôi rất rõ ràng, thẳng thắn và kiên quyết trong tất cả các cuộc trao đổi với những người đồng cấp Trung Quốc. Tôi đã thẳng thắn, không vị nể. Tôi không tô vẽ bất cứ thứ gì.”

Bà Raimondo cho biết sự kiên nhẫn của các doanh nghiệp Mỹ đang “vơi dần” và họ xứng đáng có được một “môi trường [kinh doanh] có thể dự đoán và một sân chơi bình đẳng”.

Trong cuộc phỏng vấn khác với chương trình “Face the Nation” của CBS, bà Raimondo nói: “Trung Quốc đang khiến mọi chuyện trở nên khó khăn hơn. Tôi đã rất rõ ràng với Trung Quốc cái chúng ta cần – sự kiên nhẫn đang ngày càng giảm dần trong giới doanh nghiệp Mỹ. Họ cần và xứng đáng có được một môi trường có thể dự đoán được và một sân chơi bình đẳng. Mong rằng Trung Quốc sẽ chú ý đến thông điệp đó”.