Mỹ cảnh báo an ninh vì để nghi phạm khủng bố Iraq lọt vào
Theo Fox News hôm 8/3, các nhà lập pháp Hoa Kỳ đang tức tốc điều tra xem tại sao một cựu chiến binh quân nổi dậy đến từ Iraq, nghi là khủng bố, có thể nói dối về danh tính và lọt qua hệ thống kiểm soát chặt chẽ để vào đất Mỹ.
Người đàn ông mang quốc tịch Iraq, tới Mỹ bằng tên giả. Tên thật và thời gian ông này tới Mỹ chưa được công bố.
Theo Fox News, Cơ quan Chống Khủng bố Hoa Kỳ đã xác nhận thông qua Lực lượng Đặc nhiệm Hoa Kỳ nói rằng họ đã đụng độ người đàn ông này trong chiến dịch ở Iraq. Khi đó người này nằm trong số chiến binh nổi dậy tấn công binh lính Mỹ.
Sau đó một khoảng thời gian chưa rõ, người đàn ông đã tới được Mỹ bằng thông tin giả, thông qua chương trình dành cho người tị nạn. Hoạt động của ông này ở Mỹ bị phát hiện bởi các thành viên của Lực lượng Chống khủng bố. Lực lượng này đang chuẩn bị truy tố người đàn ông này tội lừa đảo visa trong khi điều tra thêm các vi phạm khác.
Ủy ban An ninh Nội địa của Thượng viện đã yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions điều tra xem tại sao việc bắt giữ nghi phạm khủng bố này lại bị đình chỉ ngay trước cuộc bầu cử tháng 11 vừa rồi.
Một thượng Nghị sĩ trong thư gửi ông Sessions đã cho biết khi an ninh địa phương muốn bắt giữ người đàn ông này, đang trong tư cách người tị nạn, thì bị phản kháng từ trung ương.
“Khi Lực lượng chống khủng bố và và văn phòng Công tố Quận Tây Texas muốn truy tố người tị nạn này, lực lượng hành pháp và công tố viên địa phương đã vấp phải sự phản đối từ những quan chức thuộc đơn vị Chống Khủng bố tại thủ đô Washington DC“, Thượng nghị sĩ Ron Johnson viết trong lá thư 6/3, Fox News trích dẫn.
“Sự phản kháng này được cho là xảy ra vào vài tuần trước cuộc bầu cử 2016, và chính quyền địa phương tin rằng vụ điều tra về người đàn ông này đã được xử lý không trọng vẹn“, ông Johnson viết.
Theo Fox News, các chuyên gia nhận định rằng vụ này cho thấy khó khăn của lực lượng an ninh Mỹ trong việc kiểm tra lý lịch những người tới Mỹ sở hữu ít hoặc không có chứng minh tiểu sử, hoặc đến từ những quốc gia không thể truy xét giấy tờ.
Hôm 6/3 Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một sắc lệnh hành pháp thứ hai về hạn chế di trú, tạm thời ngừng nhận người tị đến đến từ 6 quốc gia mà chính quyền của ông cho là không thể kiểm tra lý lịch một cách an toàn. Sắc lệnh đầu tiên, bao hàm lệnh cấm với 7 quốc gia, trong đó có thêm Iraq, đã bị một thẩm phán liên bang chặn và đến bây giờ vẫn vô hiệu. Trong suốt quá trình tranh cử, ông Trump liên tục phê phán yếu kém của chính quyền Obama trong vấn đề xử lý người tị nạn khiến an ninh của nước Mỹ bị tổn hại.
Đầu tuần này, các quan chức an ninh Hoa Kỳ cho hay gần 1/3 trong số 1.000 vụ điều tra khủng bố nội địa mà FBI đang tiến hành liên quan tới những người tới Mỹ với tư cách tị nạn.
Fox News dẫn lời ông Claude Arnold, cựu đặc vụ lực lượng Hải quan và Nhập cảnh, phụ trách Điều tra An ninh Nội địa, nói rằng chương trình tị nạn của Mỹ dễ bị lợi dụng bởi các phần tử khủng bố nước ngoài muốn tới Mỹ để gây hại. Ông nói:
“Người tị nạn đang được nhận vào Mỹ dựa trên những câu chuyện họ kể về việc bị bức hại, và họ không bị yêu cầu phải xuất trình các giấy tờ về danh tính hoặc các loại giấy tờ khác. Nếu người này chính là kẻ đi bức hại, ông ta cũng có thể trình bày chính xác những thông tin khớp với thông tin mà nhân sự Cơ quan Xuất Nhập cảnh có được khi điều tra về các sự kiện này“.
Trong trường hợp khủng bố tại Iraq, Nhà nước Hồi giáo IS đã chiếm nhiều thành phố, khiến nguy cơ ăn cắp danh tính và làm giả giấy tờ cao hơn.
“Điều này tạo ra khả năng lớn rằng một phần tử IS có thể lấy danh tính giả và tạo ra các loại đơn xin tị nạn“, ông Arnold nói.
“Với trường hợp Iraq, khi chúng ta có quân trên mặt đất, ta có thể lấy thông tin về các phần tử xấu. Nhưng bây giờ ta phải phụ thuộc vào chính quyền Iraq, không chỉ trong việc điều tra thông tin tình báo, mà còn trong việc chuyển thông tin này cho ta“.
Vụ khủng bố từ Iraq lọt vào Mỹ nổi bật nhất gần đây là vào năm 2013, khi hai người tị nạn Iraq được chuyển tới sống tại thành phố Bowling Green bang Kentucky bị kết tội âm mưu hỗ trợ Al Qaeda. Dấu vân tay của hai người đàn ông này trùng với thiết bị nổ dùng để tấn công binh lính Mỹ tìm thấy ở Iraq.
Vấn đề người tị nạn đến từ các quốc gia Hồi giáo luôn là một chủ đề nhạy cảm ở Mỹ. Sắc lệnh di trú đầu tiên của ông Trump bị cáo buộc là phân biệt tôn giáo và bị nhiều bang ở Mỹ kiện. Sắc lệnh mới nhất, được coi là bản điều chỉnh “nhẹ nhàng và hợp lý hơn” cũng vừa bị bang Hawaii đệ đơn ra tòa.
Theo một số chuyên gia chống khủng bố tại Mỹ, điều quan trọng bây giờ là không nên để chính trị vướng vào việc đảm bảo an toàn và công lý Hoa Kỳ.
“Để cho những kẻ khủng bố vào đất nước thông qua chương trình tị nạn có thể dẫn đến hậu quả là công dân Hoa Kỳ bị tổn hại. Chúng ta không thể để sai lầm đó xảy ra“, cựu chuyên gia chống khủng bố Arnold nói.
Trọng Đức
Xem thêm:
Từ khóa Donald Trump Khủng bố Hồi giáo