Carrie Lam cắt đứt quan hệ với ĐH Cambridge, trả lại danh hiệu “Viện sĩ danh dự”
- Xuân Lan
- •
Nhà lãnh đạo Hồng Kông đã hủy bỏ danh hiệu “Viện sĩ danh dự” tại Trường Wolfson thuộc Đại học Cambridge và cắt đứt quan hệ với tổ chức giáo dục này vì cho rằng họ đã có những cáo buộc vô căn cứ về bà, theo SCMP.
Trường đặc khu Hồng Kông Carrie Lam đã đưa ra lời phản đối sau khi trường đại học ở Anh bày tỏ lo ngại về vai trò của bà trong Luật An ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp đặt lên Hồng Kông vào tháng 6.
Vào tối thứ Bảy (15/8), bà Lam cho biết trên trang Facebook của mình rằng bà đã viết thư cho trường đại học một ngày trước đó để từ bỏ danh hiệu “Viện sĩ danh dự” sau khi bị hủy visa Mỹ. Danh hiệu này thường được trao cho những người có thành tích xuất sắc và giữ vị trí cao. Bà Lam trước đó đã hoàn thành chương trình dành cho các nhà quản lý cấp cao của chính phủ ở đó vào năm 1982 và đã được trao danh hiệu vào năm 2017.
“Hiệu trưởng đã viết thư cho tôi vào tuần trước, nói rằng trường đại học tin rằng tôi đã đi lệch khỏi nguyên tắc tự do học thuật và tự do ngôn luận, trừng phạt những giáo viên đã chỉ trích chính phủ, cấm sinh viên hát và hô khẩu hiệu ở trường và thực thi Luật An ninh quốc gia bên ngoài Hồng Kông,” bà Lam viết.
Bà Lam đã mô tả những lời buộc tội trên là “vô căn cứ”. Bà cho biết trường đại học đã thừa nhận với bà rằng những cáo buộc dựa trên những gì họ “nghe thấy” và “những gì đã được báo cáo”, do đó bà cảm thấy thất vọng về việc nhà trường có thể vu khống ai đó thông qua tin đồn.
“Rất khó để thuyết phục bản thân duy trì quan hệ với trường Wolfson thêm nữa, do đó tôi trả lại danh hiệu Viện sĩ danh dự ”, bà Lam nói.
Tờ SCMP trích dẫn một tuyên bố từ trường đại học cho biết: “Cơ quan quản lý đã nêu quan ngại với bà Carrie Lam về cam kết của bà đối với việc bảo vệ nhân quyền và tự do ngôn luận ở Hồng Kông sau các sự kiện gần đây ở đó. Đáp lại, bà Lam đã từ từ bỏ danh hiệu ‘Viện sĩ danh dự ‘của mình. Chúng tôi trước đó đã dự kiến sẽ xem xét lại danh hiệu này của bà Lam vào đầu tháng tới, nhưng giờ sẽ không cần làm như vậy nữa.”
Giáo sư Jane Clarke, hiệu trưởng trường Cao đẳng Wolfson, đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 1/7 để bày tỏ quan ngại về Luật An ninh mới.
“Trường Wolfson ủng hộ mạnh mẽ việc bảo vệ nhân quyền và quyền tự do ngôn luận của tất cả các thành viên. Theo đó, chúng tôi quan ngại sâu sắc bởi các sự kiện gần đây ở Hồng Kông sau khi Luật An ninh quốc gia được ban hành. Cơ quan quản lý sẽ xem xét vai trò của bà Lam như một thành viên danh dự của trường đại học,” ông nói.
Một nhóm có tên “Cambridge đứng lên với Hồng Kông” bao gồm nhiều sinh viên và cựu sinh viên Cambridge cho biết họ hoan nghênh trước thông tin rằng bà Lam đã huỷ bỏ danh hiệu, nhưng yêu cầu Trường Wolfson làm rõ liệu nó có bị thu hồi hay không.
Trong hai năm qua, đã có nhiều nhóm, các nhà lập pháp và cá nhân đã thúc giục trường tước bỏ danh hiệu của bà. Năm ngoái, ba nhà lập pháp Anh đã viết thư cho cả trường cao đẳng và Đại học Cambridge kêu gọi tổ chức này làm như vậy với cáo buộc lãnh đạo Hồng Kông “không đủ năng lực và không tiếp cận tích cực trong việc xử lý các cuộc biểu tình chống dẫn độ.”
Tuần trước, chính quyền TT Donald Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với 11 quan chức địa phương và Trung Quốc Đại lục, bao gồm cả bà Lam.
Bộ Tài chính Hoa Kỳ tuyên bố bà Lam đã “thực hiện các chính sách thân Bắc Kinh đàn áp các quyền tự do và dân chủ,” trích dẫn vai trò của bà vào năm ngoái trong nỗ lực thông qua Luật dẫn độ và gần đây hơn là sự tham gia của bà vào việc “phát triển, thông qua hoặc thực hiện” Luật An ninh quốc gia.
Bà Lam đã mô tả các biện pháp trừng phạt là “đáng xấu hổ và đáng khinh bỉ,” và nói rằng chính quyền của bà sẽ không bị đe doạ trước những điều này.
Xuân Lan (theo SCMP)
Xem thêm:
Từ khóa Đại học Cambridge Dòng sự kiện Carrie Lam Luật An ninh quốc gia Hồng Kông Viện sĩ danh dự