Chính phủ Mỹ hôm thứ Sáu (21/12) đã đặt ra các mục tiêu cho các cuộc đàm phán thương mại song phương với Nhật Bản. Theo đó, thời gian bắt đầu đàm phán sớm nhất là vào 20/1/2019. Washington muốn tìm cách giảm thâm hụt hàng hóa 69 tỷ USD với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Embed from Getty Images

Theo tài liệu mà Tòa Bạch Ốc mới công bố, Mỹ sẽ nhắm tới việc đảm bảo hàng hòa công nghiệp Mỹ được tiếp cận thị trường hàng miễn thuế của Nhật Bản và giảm thiếu hoặc xóa bỏ hoàn toàn thuế quan đối với hàng hóa nông nghiệp Mỹ. Washington có thể muốn đàm phán với Tokyo theo nhiều giai đoạn.

Văn bản của chính phủ Mỹ cũng nêu ra rằng Washington sẽ tìm kiếm thương mại công bằng hơn trong ngành xe cơ giới và sẽ cố gắng “đảm bảo rằng Nhật Bản tránh thao túng tỷ giá hối đoái để ngăn chặn họ đạt được các lợi thế cạnh tranh không công bằng với công cụ điều chỉnh cán cân thanh toán hiệu quả”.

Theo Reuters, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin trong những bình luận hồi tháng Mười đã nhấn mạnh tới việc sẽ đưa điều khoản ngăn chặn Nhật Bản thao túng tiền tệ vào thỏa thuận thương mại song phương. Điều này đã dấy lên những quan ngại tại Nhật Bản khi họ cho rằng điều khoản đó sẽ cho phép Washington gắn nhãn Tokyo thao túng tiền tệ bất cứ khi nào chính phủ Nhật can thiệp vào thị trường hối đoái.

Trong khi đó, tại một phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ trong tháng này về các mục tiêu đàm phán của Mỹ liên quan tới vấn đề thương mại, liên minh Công nhân Ôtô Mỹ đã kêu gọi chính phủ Trump phải yêu cầu hạn ngạch nghiêm ngặt đối với xe cơ giới và phụ tùng xe cơ giới của Nhật xuất sang Mỹ và gắn việc tăng hạn ngạch nhập khẩu với việc tăng trưởng xuất khẩu ôtô của Mỹ vào Nhật.

Trước khi khởi động lại cuộc đàm phán với Nhật Bản, chính phủ Trump đã ký thành công hiệp định thương mại song phương mới với Hàn Quốc và Hiệp định Mỹ – Mexico – Canada (USMCA) thay thế cho Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã tồn tại 24 năm.

Hồi tháng cuối Chín vừa qua, Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe đã thông báo rằng Mỹ và Nhật Bản sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán Thương mại Mỹ – Nhật. Trước đó, từ giữa tháng 4/2017, Phó Tổng thống Mike Pence và Phó Thủ tướng Nhật Taro Aso đã gặp nhau để ra mắt Diễn đàn Kinh tế Nhật – Mỹ.

Mỹ đang nhập siêu từ Nhật Bản

Thương mại hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với Nhật Bản ước đạt tổng cộng 283,6 tỷ USD vào năm 2017. Mỹ xuất sang Nhật 114 tỷ USD; nhập khẩu 169,5 tỷ USD. Thâm hụt hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với Nhật trong năm 2017 là 55,5 tỷ USD.

Nhật Bản hiện là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ tư của Mỹ với tổng cộng thương mại hàng hóa hai chiều năm 2017 là 204,1 tỷ USD. Mỹ xuất hàng hóa sang Nhật là 67,6 tỷ USD, nhập về 136,5 tỷ USD. Thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Nhật năm 2017 là 68,9 tỷ USD.

Thương mại dịch vụ Mỹ – Nhật năm 2017 ước đạt tổng cộng 79,5 tỷ USD. Mỹ xuất dịch vụ sang Nhật đạt 46,4 tỷ USD và nhập 33,1 tỷ USD. Mỹ thặng dư thương mại dịch vụ với Nhật năm 2017 là 13,4 tỷ USD.

Mỹ xuất sang Nhật các mặt hàng như máy móc, trang thiết bị y tế, máy bay, nhiên liệu khoáng sản và máy chạy bằng điện, cùng các sản phẩm nông nghiệp như ngô, bò và các sản phẩm từ bò, lợn và các sản phẩm từ lợn, đậu nành và lúa mì. Mỹ cũng xuất sang Nhật các dịch vụ như du lịch, giao thông, các lĩnh vực sở hữu trí tuệ (quy trình công nghiệp).

Trong khi đó, Nhật xuất sang Mỹ các mặt hàng công nghiệp gồm xe cơ giới, máy móc, thiết bị y tế và máy bay; và các sản phẩm nông nghiệp như rượu, bia, thức ăn nhẹ, trà và thảo mộc, dầu thực vật, trái cây và rau quả chế biến, cùng các dịch vụ như sở hữu trí tuệ, giao thông và du lịch.

Theo số liệu từ Cục Thống kê Mỹ, trong 10 tháng năm 2018, Washington tiếp tục nhập siêu hàng hóa từ Tokyo ước tính 56,2 tỷ USD. Trong đó, Mỹ xuất sang Nhật hàng hóa trị giá 61,4 tỷ USD và nhập 117,6 tỷ USD.

Tân Bình

Xem thêm: