Chuyên gia: Afghanistan thời hậu chiến mở ra cơ hội hợp tác TQ – Iran
- Gia Huy
- •
Theo các chuyên gia, việc Hoa Kỳ rút quân khỏi Afghanistan đã mở ra cơ hội cho sự hợp tác lớn hơn giữa Bắc Kinh, Moscow, và Tehran tại quốc gia Trung Á này.
Các chiến binh Taliban tuần tra dọc một con đường gần một cầu vượt ở Kabul vào ngày 26/9/2021. (Ảnh: Getty Images)
Cả Trung Quốc và Nga đều quan tâm đến lượng khoáng sản ước tính trị giá 1 nghìn tỷ USD tại Afghanistan. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo, có thể phải mất một thời gian dài trước khi bất kỳ mục tiêu kinh tế nào có thể trở thành hiện thực.
Ông Gordon Chang, chuyên gia về Trung Quốc và là tác giả của cuốn sách “Sự sụp đổ sắp tới của Trung Quốc” nhận định: “Tôi không chắc chắn Trung Quốc và Nga sẽ có thể tận dụng các khoáng sản của Afghanistan hay không. Lý do là sự bất ổn chính trị.”
Ông Chang dẫn chứng, Bắc Kinh có một hợp đồng thuê 30 năm đối với một mỏ đồng lớn ở Afghanistan, nhưng họ vẫn chưa sản xuất đồng ở đó do những rủi ro về an ninh trong khu vực này.
Ông nói thêm, mặc dù Bắc Kinh và Nga có thể theo đuổi các mục tiêu ngắn hạn, nhưng sẽ phải mất nhiều năm trước khi họ có thể thực hiện điều này trong dài hạn một cách hiện thực.
Ngoài ra, việc Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan đã làm phát sinh các vấn đề an ninh, có khả năng khiến Trung Quốc, Iran và Nga phải tăng cường hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn nữa.
[ad1]
Hợp tác Iran – Trung Quốc
Các nhà phân tích nhìn nhận, cả Bắc Kinh và Moscow, vốn lo ngại về các nhóm chiến binh do người Sunni hậu thuẫn trong khu vực, có thể hy vọng Iran sẽ là một quốc gia kiểm soát cuộc nổi dậy của chủ nghĩa Hồi giáo. Đồng thời các chuyên gia cũng lưu ý, Tehran là quốc gia ủng hộ cho các nhóm chiến binh người Shiite như nhánh Khorasan của tổ chức khủng bố ISIS.
Bà Mitra Jashni, Giám đốc Điều hành của Farashgard Foundation, một tổ chức vận động tự do và dân chủ cho Iran, tiết lộ: “Các chính phủ của Trung Quốc và Nga đều có vấn đề với những người theo trào lưu chính thống dòng Sunni nhưng không chính phủ nào trong số này có vấn đề với người Shiite. Một trong những mục tiêu của Moscow và Bắc Kinh là sử dụng những người theo trào lưu chính thống dòng Shiite để kiểm soát những người theo trào lưu chính thống dòng Sunni.”
Mối quan hệ kinh tế ngày càng tăng giữa Trung Quốc, Nga và Iran sẽ thúc đẩy bất kỳ sự hợp tác nào giữa ba quốc gia này, đặc biệt sự hợp tác giữa Bắc Kinh và Tehran. Bắc Kinh đã trở thành cứu cánh cho chế độ Hồi giáo Iran, vốn đã bị tê liệt do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Bà Jashni tiết lộ: “Theo một thỏa thuận kinh tế và an ninh sâu rộng được ký vào tháng 3 đầu năm nay, Trung Quốc đã đồng ý đầu tư 400 tỷ đô la vào Iran trong 25 năm để đổi lấy nguồn cung dầu ổn định nhằm cung cấp cho nền kinh tế đang phát triển của mình.”
Bà nhấn mạnh: “Mối quan hệ kinh tế của Cộng hòa Hồi giáo [Iran] với Trung Quốc là yếu tố chính trong việc duy trì chế độ của giáo sĩ Hồi giáo.”
Bà Jashni nhận xét thêm, cả “Trung Quốc và Nga đều có ảnh hưởng to lớn trong việc giữ cho Cộng hòa Hồi giáo [Iran] tồn tại.”
Bà cho hay: “Trong những năm gần đây, do áp lực của phương Tây đối với Cộng hòa Hồi giáo [Iran] gia tăng, Cộng hòa Hồi giáo [Iran] đã trở nên phụ thuộc quân sự hơn vào phương Đông, đặc biệt trong việc mua vũ khí quân sự của Nga.”
Trung Quốc, Nga, và Iran cũng được cho là đã hợp tác với nhau sau hậu trường trong những năm gần đây để tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Ông Reza Parchizadeh, một nhà lý thuyết chính trị và là nhà phân tích thuộc Đại học Indiana cho biết: “Trung Quốc và Iran là các đối tác chiến lược trong một nỗ lực to lớn nhằm chống lại ảnh hưởng của Mỹ trên toàn thế giới. Do đó, họ giúp đỡ nhau khi đối mặt với các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ cũng như các biện pháp trừng phạt khác.”
Ông Parchizadeh lưu ý rằng mặc dù Trung Quốc và Nga hiện đang hợp tác với Taliban, nhưng họ không nhất thiết có cùng quan điểm với tổ chức này. Tuy nhiên, ông dự đoán, có khả năng Bắc Kinh và Moscow sẽ hợp tác và làm việc với bất kỳ bên nào ở Afghanistan có thể loại bỏ ảnh hưởng của phương Tây ra khỏi khu vực này.
Trong khi đó, Iran cũng rất vui mừng khi thấy quân đội Hoa Kỳ rút khỏi Afghanistan.
Ông Parchizadeh bày tỏ: “Sự hiện diện của Mỹ ở Afghanistan đã đặt ra thách thức đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng như đối với chủ nghĩa bành trướng của chế độ Iran hướng đến Trung và Đông Nam Á.”
Ông kết luận: “Vì vậy họ [Trung Quốc và Iran] cả hai đều hưởng lợi từ việc Hoa Kỳ rút quân khỏi Afghanistan, bởi vì việc này đã loại bỏ một cản trở địa chính trị lâu đời đối với chương trình nghị sự bành trướng của họ.”
“Về cơ bản, điều đang xảy ra ở đây là tổ chức cực đoan Taliban và các liên minh Hồi giáo của họ đang thu hẹp ảnh hưởng của Mỹ tại một trong những địa điểm chiến lược quan trọng trên thế giới, đồng thời cả Iran và Trung Quốc đều đang tạo điều kiện cho điều đó.”
Gia Huy (Theo The Epoch Times)
Xem thêm:
Từ khóa quan hệ Trung Quốc - Iran Afghanistan thời hậu chiến