Mỹ có thể làm gì Trung Quốc ở biển Đông?
Trung Quốc lại một lần nữa khuấy động căng thẳng tại một trong những vùng biển có tranh chấp gay gắt nhất thế giới – biển Đông. Lần này, tân chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể làm gì trước khi Bắc Kinh đạt tham vọng “đường lưỡi bò” của mình.
Các bức ảnh vệ tinh mới công bố cho thấy Trung Quốc đang cho xây dựng các cơ sở tên lửa đất đối không trên đảo chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa, gồm có đảo Đá Subi, Vành Khăn và Chữ Thập. Những cở sở này nằm trên mạng lưới các đảo nhân tạo hay, Vạn lý Sa thành (bức trường thành bằng cát), mà Trung Quốc cải tạo và xây dựng trên biển Đông từ năm 2014.
Dự án xây dựng này đã phát triển tới trên 3.000 mẫu anh, đã hoàn thành các cơ sở như đường băng, ụ pháo cao xạ, hệ thống radar, và các khu vực phục vụ máy bay quân và dân sự.
Đáng chú ý là vào năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố sẽ không “quân sự hóa biển Đông”, nhưng tất cả các diễn tiến từ đó đến nay cho thấy Bắc Kinh đã tiến thêm được một bước trong việc áp đặt tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” của mình, thậm chí là bằng vũ lực nếu cần, tại vùng biển đang có tranh chấp với 5 quốc gia hàng xóng khác, và tất nhiên là yếu thế hơn.
Câu hỏi đặt ra là chính quyền Trump có thể làm gì về điều đó?
Hai năm nhún nhường của chính quyền Obama đã đổi lại một Trung Quốc hung hăng và các đồng minh trong khu vực thì mất niềm tin hoặc thoái chí. Trong số những đồng minh này có Nhật Bản, một nước không có tranh chấp tại biển Đông. Nhưng Nhật lo ngại nếu Mỹ không có một lập trường cứng rắn hơn, thì Trung Quốc sẽ dám làm những điều tương tự ở biển Hoa Đông, nơi Trung-Nhật đang có tranh chấp về hòn đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Tổng thống Trump đã tuyên bố ông sẽ làm như vậy. Trong cuộc gặp gần đây nhất với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ông cam kết ủng hộ Nhật 100%, trong đó có cả vấn đề ở biển Hoa Đông. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khẳng định rằng việc xây dựng của Trung Quốc ở biển Đông phải chấm dứt; ông so sánh hành động của Bắc Kinh với việc Nga chiếm và sắp nhập bán đảo Crimea của Ukraine.
>> Ngoại trưởng Mỹ tương lai: Không cho Trung Quốc tiếp cận đảo nhân tạo biển Đông
Nhưng ngoài những cam kết và tuyên bố, vốn thường thấy từ cựu chính quyền Obama, thì ông Trump có thể thực sự làm gì? Triển khai quân đội can thiệp, ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận Hoàng Sa chăng? Hành động như vậy sẽ đẩy rủi ro căng thẳng leo thang lên thành một cuộc chiến mà không ai muốn và không ai có lợi.
Theo tờ National Review, có một biện pháp 3 bước để đối phó với Trung Quốc mà tân chính quyền Trump có thể làm ngay:
Thứ nhất, việc Trung Quốc xây dựng cơ sở tên lửa đất đối không rõ ràng là bước cuối cùng trước khi tuyên bố Vùng nhận diện phòng không ADIZ, vốn được một quốc gia sử dụng để giám sát và kiểm soát máy bay nước ngoài xâm phạm không phận mà nó coi là lãnh thổ quốc gia. Trung Quốc đã tuyên bố một vùng ADIZ tại biển Hoa Đông, điều mà cả Mỹ và Nhật đều không thừa nhận. Mỹ nên tuyên bố ngay lập tức, một cách công khai rằng họ sẽ không bao giờ chập nhận một ADIZ của Trung Quốc tại biển Đông, và máy bay của Mỹ cũng như tất cả các quốc gia khác có quyền tự do bay lượn trên bầu trời khu vực đảo Trường Sa cũng như biển Đông như cũ. Nếu Trung Quốc muốn chơi trò mèo vờn chuột với không lực hùng mạnh của Hoa Kỳ bằng một tuyên bố vùng nhận diện không chính danh, thì đó là vấn đề của họ.
Thứ hai, Mỹ cần triệu tập một hội nghị quốc tế gồm các quốc gia tiếp giáp biển Đông, trong đó có 5 quốc gia tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này (Philippines, Việt Nam, Đài Loan, Malaysia và Brunei), cũng như Úc và Nhật Bản để thảo luận, cùng tìm giải pháp cho tình huống đã chạm mức khủng hoảng và hiện đang cần một phản ứng đồng thuận đa phương.
Thứ ba, một điều vô cùng quan trọng là đã đến lúc công nhận rằng lá bài đáng giá nhất để đối phó với chiến lược của Trung Quốc ở biển Đông mà Mỹ đang sở hữu là Đài Loan. Nhưng như thế không có nghĩa Tổng thống cần rút lại tuyên bố công nhận “một Trung Quốc” trong cuộc điện đàm với ông Tập Cận Bình vừa rồi. Ông Trump cần thể hiện rõ với Trung Quốc rằng Mỹ sẽ thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình đối với hiệp ước với Đài Loan.
Chẳng hạn, khi Mỹ cho đỗ chiến hạm USS Carl Vinson ở biển Đông hồi tuần trước để cảnh báo Trung Quốc, thì họ có thể gọi điện ngoại giao tới Đài Bắc; hay có kế hoạch gửi Tổng Tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, tướng Harry Harris thăm Đài Loan. Tướng Harris là người hiểu quá rõ mối nguy hiểm Trung Quốc đang lớn dần và là người đầu tiên sử dụng cụm từ Vạn lý Sa thành (Great Wall of Sand).
Dễ hiểu là Đài Loan sẽ lo ngại khi có bất kỳ động thái nào làm kích động Bắc Kinh, và tất nhiên việc xử lý quan hệ Mỹ – Đài cũng luôn cần sự cẩn trọng. Nhưng Đài Loan cũng có nhiều phần để mất trong cuộc tranh chấp biển Đông trong tương lai, và sẽ là một đồng minh chiến lược quan trọng giúp Mỹ hạn chế lối hành xử hung hăng của Trung Quốc ở khu vực chứng kiến 1/3 luồng lưu thông hàng hải của thế giới hàng năm.
Tờ National Review kết luận: Tướng 5 sao Douglas MacArthur có một câu nói nổi tiếng về Đài Loan, nói rằng hòn đảo này là “một hàng không mẫu hạm đánh không chìm ở Thái Bình Dương”, nó cũng có thể là một bản lề không thể gãy giúp Mỹ đối trọng với Trung Quốc, cả ở hiện tại và tương lai.
Trọng Đức/ The National Review
Xem thêm:
Từ khóa biển Đông Quan hệ Mỹ - Trung