Công dân Hoa Kỳ đã trở thành mục tiêu hàng đầu của các tập đoàn lừa đảo có liên hệ với Trung Quốc tại Đông Nam Á, do các đợt trấn áp có chọn lọc của Bắc Kinh khiến giới tội phạm chuyển hướng nhắm vào nhiều nạn nhân Hoa Kỳ hơn, theo một báo cáo của Quốc Hội Hoa Kỳ được công bố trong tháng này.

cong vien KK Myanmar
Công viên KK ở Myanmar. (Ảnh: MXH)

Trong khi Trung Quốc ghi nhận mức sụt giảm 30% về số tiền bị thất thoát do các vụ lừa đảo trực tuyến trong năm 2024, thì tổn thất của Hoa Kỳ lại gia tăng 42%, Ủy Ban Đánh Giá An Ninh và Kinh Tế Hoa Kỳ–Trung Quốc (USCC) cho biết hôm 18/7.

Một trường hợp điển hình được nêu ra trong báo cáo: Một người đàn ông 82 tuổi tại Virginia, tên Dennis, đã kết bạn với một “người phụ nữ” tên “Jessie” trên Facebook. Sau nhiều tháng trò chuyện, “Jessie” đã biến mất cùng toàn bộ tiền tiết kiệm của ông Dennis, ngay sau khi dụ dỗ ông đầu tư toàn bộ số tiền đó vào tiền điện tử. Ông Dennis sau đó đã tìm đến cái chết.

Câu chuyện của ông Dennis là một kiểu lừa đảo “nuôi béo giết thịt” (pig butchering) điển hình, trong đó kẻ lừa đảo xây dựng mối quan hệ tình cảm với nạn nhân — gọi là “vỗ béo lợn” — trước khi dụ dỗ họ đầu tư vào các dự án giả, tức “giết lợn.

Nhiều kẻ lừa đảo trong các vụ việc này thực chất cũng là nạn nhân của nạn buôn người, thường bị giam giữ trong những trung tâm lừa đảo quy mô công nghiệp do các băng đảng tội phạm Trung Quốc điều hành tại Đông Nam Á.

USCC cho biết các trung tâm lừa đảo này “đã bùng nổ thành một ngành công nghiệp tội phạm khổng lồ, ngang tầm với quy mô và mức độ tinh vi của thị trường ma túy toàn cầu — bao gồm cả thị trường fentanyl.

Theo báo cáo, trong năm 2023, các trung tâm lừa đảo tại Myanmar, Campuchia và Lào đã tạo ra khoảng 43,8 tỷ USD lợi nhuận, tương đương gần 40% tổng sản lượng quốc nội (GDP) của 3 quốc gia này cộng lại.

Liên kết với chính phủ 

Nhiều trung tâm tội phạm quy mô lớn này, vốn là nguồn gốc của vấn nạn tham nhũng và bạo lực tại các quốc gia sở tại, có liên hệ với một số thành phần trong chính quyền Trung Quốc, theo Ủy Ban.

Những tên tội phạm Trung Quốc đứng sau các trung tâm lừa đảo đã xây dựng mối quan hệ – một số công khai, một số che đậy – với Chính phủ Trung Quốc bằng cách khai thác khẩu hiệu yêu nước, ủng hộ Sáng Kiến Vành Đai và Con Đường (BRI), và quảng bá tuyên truyền thân Bắc Kinh ra hải ngoại. Do đó, các tập đoàn tội phạm Trung Quốc đã mở rộng mạng lưới khắp Đông Nam Á, ít nhất là với sự hậu thuẫn ngầm từ một số thành phần trong chính quyền Trung Quốc,” báo cáo nêu rõ.

Báo cáo dẫn chứng trường hợp cách các trùm ma túy người Trung Quốc, Thạch Trí Cường (She Zhijiang) và Uông Quốc Khải (Wan Kuok-Koi, biệt danh “Răng Gãy”), đã tự biến mình thành những người ủng hộ các sáng kiến của Đảng Cộng Sản Trung Quốc để sử dụng mối quan hệ này nhằm nhận được sự nâng đỡ, nguồn lực, đồng thời tránh bị chính phủ trấn áp.

Đầu năm nay, Bắc Kinh phát động một đợt trấn áp mới nhắm vào các trung tâm lừa đảo, sau khi vụ mất tích của nam diễn viên Trung Quốc Vương Tinh (Wang Xing) thu hút sự chú ý lớn trên các phương tiện truyền thông.

Anh Vương, người từng đóng vai phụ trong phim “Diệp Vấn 3” và loạt phim truyền hình “Câu chuyện Hoa hồng,” đã mất tích sau khi bị lừa sang Thái Lan với lời dụ dỗ tham gia đóng phim.

Sau khi bạn gái anh đăng tin kêu cứu trên mạng xã hội, giới chức đã vào cuộc và anh Vương đã được giải cứu tại một trung tâm lừa đảo bên kia biên giới Myanmar, nơi anh đã được huấn luyện cách thực hiện các cuộc gọi lừa đảo.

USCC cho biết các đợt trấn áp của Bắc Kinh mang tính chọn lọc, chỉ nhắm vào các trung tâm lừa đảo có mục tiêu là công dân Trung Quốc.

Điều này khiến “các tổ chức tội phạm Trung Quốc kết luận rằng chúng có thể thu được lợi nhuận lớn hơn với rủi ro thấp hơn bằng cách nhắm đến công dân của các quốc gia giàu có như Hoa Kỳ,” báo cáo cho biết.

Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng chính quyền Trung Quốc đã tận dụng vấn đề này như một công cụ để mở rộng ảnh hưởng của mình tại Đông Nam Á.