Bộ Y tế đề xuất sửa đổi luật, cho phép lấy tạng từ người đã đăng ký hiến sau khi chết não hoặc chết tim mà không cần sự đồng ý của gia đình, nhằm tăng nguồn tạng và tôn trọng ý nguyện người hiến.

de xuat lay tang nguoi hien ma khong can y kien gia dinh
Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) lần đầu tiên thực hiện ca lấy tạng từ người hiến sau khi chết não, năm 2024. (Ảnh: moh.gov.vn)

Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác, do Bộ Y tế soạn thảo.

Dự thảo đề xuất cho phép cơ sở y tế lấy mô, tạng từ người đã đăng ký hiến sau khi được xác định chết não hoặc chết tim, mà không cần thêm sự đồng ý của gia đình.

Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, đề xuất này nhằm tôn trọng ý nguyện của người hiến, giảm bớt thủ tục hành chính, và phù hợp với thông lệ quốc tế như tại Pháp, nơi từ năm 2017, mọi người được coi là người hiến tạng trừ khi đăng ký vào “Sổ từ chối”.

Hiện tại, luật Việt Nam yêu cầu bệnh viện phải xin ý kiến gia đình khi người có thẻ hiến tạng chết não, dẫn đến nhiều trường hợp gia đình từ chối, gây lãng phí nguồn tạng.

Ông Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, cho biết thời gian bảo quản tạng ngắn, nên việc chờ ý kiến gia đình có thể làm mất cơ hội ghép tạng.

Dự thảo cũng đề xuất đơn giản hóa quy trình chẩn đoán chết não để rút ngắn thời gian, ứng dụng công nghệ số quản lý danh sách chờ và kết nối dữ liệu toàn quốc, đảm bảo minh bạch và ngăn chặn thương mại hóa tạng.

Người dưới 18 tuổi được phép hiến tạng nếu có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện hợp pháp.

Thứ tự ưu tiên ghép tạng cũng được điều chỉnh, ưu tiên trường hợp cấp cứu, tiếp theo là trẻ em, người chờ tại cơ sở có người hiến, và theo danh sách của Trung tâm Điều phối quốc gia.

Điều này giải quyết mâu thuẫn giữa ưu tiên trẻ em (Luật Hiến tạng hiện hành) và ưu tiên cấp cứu (Luật Khám chữa bệnh sửa đổi).

Về tài chính, dự thảo đề xuất gắn ghép tạng với bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước để đảm bảo công bằng. Luật cũng quy định bảo vệ quyền tự nguyện, bảo mật thông tin của người hiến và thân nhân.

Bà Nguyễn Thị Thu Dung, Ủy viên Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, cho rằng đề xuất tôn trọng ý nguyện người hiến là hợp lý, nhưng cần quy định xác nhận của gia đình khi đăng ký hiến tạng để giảm rào cản tâm lý.

Luật hiện hành, ban hành năm 2006, đã tạo điều kiện cho hơn 9.500 ca ghép tạng, nhưng chỉ có 225 người hiến tạng sau chết não từ năm 2010. Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ hiến tạng từ người chết não thấp nhất thế giới.

Dự thảo đang được lấy ý kiến rộng rãi và sẽ được chỉnh lý trước khi trình Quốc hội xem xét.

Minh Long