Tính riêng tại Hà Nội, lượng thịt tiêu thụ mỗi ngày vào khoảng 900 tấn (thịt lợn, gà, trâu, bò…). Với khoảng 650 tấn thịt tự cung ứng, chỉ có 60% được kiểm soát. Thịt lợn bệnh dịch, lợn chết vẫn được giết mổ, đưa đi tiêu thụ.

dong nai thit lon ban
Đồng Nai: Phát hiện gần 1 tấn thịt heo bệnh, heo chết chuẩn bị đi tiêu thụ. (Ảnh từ cơ quan chức năng)

73% cơ sở giết mổ trên toàn quốc không có giấy phép

Ngày 23/7, tại hội nghị phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi và kiểm soát giết mổ động vật do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức, Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết hiện cả nước có 440 cơ sở giết mổ động vật tập trung và 24.858 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ. 

Trong 440 cơ sở giết mổ động vật tập trung có 8 cơ sở do Cục Chăn nuôi và Thú y quản lý và kiểm soát giết mổ, còn lại do các địa phương quản lý.

Trong 24.858 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ, có tới 18.102 cơ sở (chiếm 73%) không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và không được chính quyền địa phương cho phép hoạt động. Trong 6.756 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ (chiếm 27%) có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thì chỉ có 4.328 cơ sở có nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ theo quy định. 

Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y cho hay năng lực thực thi công vụ của một số cán bộ thú y còn hạn chế. Đồng thời, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các địa phương thiếu nguồn lực nên nhiều khi một nhân viên thú y phải thực hiện quy trình kiểm soát giết mổ trên nhiều dây chuyền giết mổ, nên nhiều lúc chưa thực hiện đúng quy trình kiểm soát giết mổ. 

Ông Minh dẫn vụ việc liên quan đến Công ty C.P., rằng nhân viên thú y chưa thực hiện đúng quy trình kiểm soát giết mổ, đã đóng dấu kiểm soát giết mổ “được lưu thông” cho thịt lợn bệnh. 

Cục Chăn nuôi và thú y cho hay thống kê từ đầu năm đến nay, cả nước có 636 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 30/34 tỉnh, thành phố. Hơn 42.000 con lợn đã bị tiêu hủy. Vẫn còn 256 ổ dịch tại 27 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày.

Trong tháng 6 và 7/2025, bệnh dịch tả heo châu Phi gia tăng tại các tỉnh thành phía Bắc (Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Nội…) và duyên hải miền Trung (Quảng Ngãi, Quảng Trị…).

40% lượng thịt tại Hà Nội không được kiểm soát, lợn bệnh vẫn vào bàn ăn

Ông Tạ Văn Tường, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho biết nhu cầu tiêu thụ thịt động vật mỗi ngày của Hà Nội vào khoảng 900 tấn thịt lợn, gà, trâu, bò… Trong đó, có khoảng 650 tấn thịt tự cung ứng, và trong số này, chỉ có 60% được kiểm soát giết mổ, còn 40% là chưa được kiểm soát giết mổ.

Theo ông Tường, kiểm soát giết mổ ở Hà Nội gặp khó khăn là do thịt giết mổ tại các cơ sở nhỏ lẻ trong dân cư không đủ điều kiện, không được phép hoạt động vẫn được tiêu thụ tại các chợ truyền thống, buôn bán nhỏ lẻ, cửa hàng ăn uống, sơ chế thủ công, bán hàng qua mạng xã hội… Và vì “tham rẻ”, các hộ giết mổ nhỏ lẻ vẫn mua, bán lợn bệnh dịch, lợn chết.

Ông Hoàng Mạnh Thông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Phú Thọ, cho biết các vụ việc giết mổ lợn bệnh, lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi được phát hiện, bắt giữ gần đây đều là các lò mổ trong khu dân cư.

Chờ sửa Luật Thú y 

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nêu trong nhiều vụ bắt giữ vận chuyển, giết mổ lợn dịch tả lợn châu Phi vừa qua “chỉ thấy công an, quản lý thị trường mà không thấy thú y đâu, thú y đang làm gì”. Theo ông Tiến, chưa rõ trách nhiệm của hệ thống thú y, các chi cục thú y vùng.

Trong khi đó, ông Thông đề xuất Bộ Nông nghiệp và Môi trường kiến nghị các địa phương rà soát lại toàn bộ cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, nếu đủ điều kiện hoặc có khả năng nâng cấp đảm bảo các điều kiện, quy định về an toàn thực phẩm thì cấp phép hoạt động, còn không đạt phải đóng cửa. Việc kiểm soát có sự tham gia của lực lượng công an trực tiếp ở cơ sở.

Ông Tường đề nghị bộ xem xét bổ sung trong Luật Thú y quy định kiểm dịch lưu thông nội tỉnh để kiểm soát giết mổ không phép, giám sát dịch bệnh và quản lý nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang nghiên cứu giải pháp quản lý cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, sửa luật Thú y để phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, phân rõ trách nhiệm để phòng chống dịch bệnh.

Nguyễn Quân