Cộng hòa Séc loại các công ty Trung Quốc khỏi dự án điện hạt nhân mới
- Đức Thiện
- •
Cộng hòa Séc là quốc gia mới nhất tiến hành loại bỏ các công ty Trung Quốc khỏi các dự án cơ sở hạ tầng trọng yếu, do quan ngại về an ninh quốc gia.
Sau quyết định năm 2019 về việc cấm hai gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei và ZTE tham gia vào mạng lưới viễn thông 5G, các đảng chính trị tại Cộng hòa Séc gần đây đã đồng ý loại bỏ các công ty Trung Quốc khỏi việc tham gia đấu thầu một dự án nhà máy điện hạt nhân mới.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Cộng hòa Séc nói rằng họ “cực kỳ quan ngại” và “cực lực phản đối” quyết định mới nhất của các nhà lập pháp tại Prague.
Cộng hòa Séc đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mới để thay thế nhà máy cũ tại Nhà máy Điện Hạt nhân Dukovany. Dự án mới này dự kiến sẽ được tiến hành vào khoảng từ năm 2035 đến năm 2037.
Năm 2019, chính phủ Cộng hòa Séc đã phê duyệt lần đầu dự án nêu trên, và đã trao quyền cho chủ sở hữu và nhà điều hành hiện tại của Nhà máy Điện Hạt nhân Dukovany là tập đoàn CEZ quản lý việc đấu thầu dự án mới. CEZ là công ty công ích lớn nhất tại trung và đông Âu, trong đó chính phủ Cộng hòa Séc nắm giữ 70% cổ phần.
Theo các tài liệu công khai, phí xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới sẽ rơi vào khoảng ít nhất 7,2 tỷ USD và sau khi được đưa vào vận hành nó có công suất 1.200 megawatt. Đây là dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất tại Cộng hòa Séc trong nhiều thập kỷ qua.
Vào tháng 1/2020, 5 công ty đã bày tỏ quan tâm đến dự án này, gồm: Westinghouse của Mỹ, EDF của Pháp, KHNP của Hàn Quốc, Rosatom của Nga và Tổng công ty Điện Hạt nhân (CGN) của Trung Quốc.
CGN là công ty năng lượng thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc. Đây là một trong ba công ty vận hành điện hạt nhân lớn nhất Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc thành lập công ty CGN để xây dựng nhà máy điện hạt nhân hiện đại đầu tiên của nước này – Nhà máy Điện Hạt nhân Daya Bay – vào năm 1994.
Chính quyền trung ương Trung Quốc đã vạch ra cách thức CGN tham gia vào một thỏa thuận hợp tác với công ty năng lượng Areva của Pháp nhằm “chuyển giao” công nghệ lò phản ứng thế hệ thứ ba cần thiết để xây dựng Nhà máy Điện Hạt nhân Daya Bay, cũng như các nhà máy điện hạt nhân khác tại Trung Quốc. EDF đã thâu tóm Areva vào năm 2017.
Trong vài năm qua, nhiều quốc gia đã bắt đầu cảnh giác hơn trong việc làm ăn kinh doanh với các công ty Trung Quốc, bởi vì họ lo ngại về việc chuyển giao công nghệ nhạy cảm.
Vào tháng 8/2019, CGN đã bị chính phủ Mỹ liệt vào “danh sách thực thể” sau khi công ty này bị Washington “xác định là đã có hành động đi ngược lại an ninh quốc gia và các lợi ích chính sách của Mỹ”, theo tuyên bố của Bộ Thương mại Mỹ vào thời điểm đó.
Các công ty bị liệt vào “danh sách thực thể” sẽ không được phép hợp tác kinh doanh với các nhà cung cấp Mỹ, nếu họ không xin được giấy phép của chính phủ Mỹ.
Vào tháng 6/2020, nhà sản xuất điện hạt nhân quốc gia của Romania là Nuclearelectrica cũng đã phát đi một thông báo tương tự chấm dứt đàm phán với CGN về hai lò phản ứng điện hạt nhân mới, sau khi bộ kinh tế Romania viện dẫn các quan ngại về an ninh quốc gia.
Vào thời điểm đó tại Cộng hòa Séc, các nhà lập pháp nước này cũng đang thảo luận liệu có loại bỏ công ty Rosatom của Nga và CGN của Trung Quốc khỏi dự án điện hạt nhân mới do các rủi ro về an ninh quốc gia.
Vào ngày 27/1/2021, các đảng phái chính trị tại Cộng hòa Séc đã đồng ý rằng CGN và các nhà vận hành điện hạt nhân Trung Quốc không nên tham gia vào dự án Nhà máy Điện Hạt nhân Dukovany. Cho tới thời điểm bài viết này được đăng tải, các nhà lập pháp Cộng hòa Séc vẫn đang trong thời gian thảo luận liệu có loại bỏ cả các công ty của Nga ra khỏi các dự án điện hạt nhân của Prague.
Đức Thiện (Theo The Epoch Times)
Xem thêm:
Từ khóa Điện hạt nhân cộng hòa Séc Dòng sự kiện quan hệ Trung Quốc - Séc