Đặc vụ TQ bị cáo buộc chiêu mộ gián điệp đánh cắp công nghệ máy bay của Mỹ
- Minh Ngọc
- •
Phiên tòa xét xử gián điệp liên bang đối với nhân viên tình báo Trung Quốc Từ Diên Quân (Yanjun Xu), người bị buộc tội tuyển dụng gián điệp để đánh cắp công nghệ từ các công ty hàng không và vũ trụ của Mỹ, đã được tiến hành tại Cincinnati vào ngày 18/10.
Ông Từ là phó giám đốc bộ phận của Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc (MSS), cơ quan tình báo, an ninh và cảnh sát bí mật của chế độ cộng sản. Ông này cũng là đặc vụ MSS đầu tiên bị dẫn độ đến Hoa Kỳ, và đây cũng là phiên tòa xét xử đầu tiên thuộc loại này, Bộ Tư pháp thông báo.
Theo các công tố viên, chế độ Trung Quốc đang cố đánh cắp bí quyết công nghệ từ các công ty máy bay Mỹ, đặc biệt là từ hãng hàng không GE Aviation có trụ sở tại Evendale, Ohio, với mục đích tái tạo động cơ tuabin, kênh tin tức địa phương WCPO đưa tin.
Nếu bị kết tội, ông Từ có thể phải đối mặt với bản án 15 năm tù.
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đặt mục tiêu phát triển ngành công nghiệp “máy bay và linh kiện máy bay”, cùng với 9 ngành công nghiệp khác, trong kế hoạch “Made in China 2025”. Đây là một kế hoạch kinh tế 10 năm nhằm biến đất nước thành một cường quốc sản xuất công nghệ.
Theo bản cáo trạng, kể từ tháng 12/2013, ông Từ đã liên hệ với các chuyên gia từ các công ty hàng không ở Mỹ và các nước khác, bao gồm cả GE Aviation. Ông Từ bắt đầu chiêu mộ người đi Trung Quốc, thường giả dạng là các chuyến đi nghiên cứu học thuật được đài thọ hết các chi phí. Chuyện này tiếp diễn cho đến khi ông bị cảnh sát liên bang Bỉ bắt giữ tại Brussels vào ngày 1/4/2018, sau đó ông ta bị dẫn độ về Hoa Kỳ.
Ngày 20/10, đặc vụ FBI Todd Vokas đã chứng thực về nội dung được tìm thấy trên các thiết bị bị thu giữ trong quá trình điều tra.
Theo ông Vokas, ông Từ viết: “Tôi đặt một ổ USB trong hộp kính ở giữa tủ sách, và nó chứa một số tài liệu đã được mã hóa. Nếu có chuyện gì đó xảy ra, sẽ có người đến gặp anh và tiết lộ mật khẩu cho anh.”
Một cảnh sát liên bang Bỉ cho hay, khi ông Từ bị bắt, đồng nghiệp của ông này là ông Heng Xu, đã có một ba lô chứa bốn điện thoại di động, thẻ nhớ, ổ cứng, chìa khóa từ, đầu đọc thẻ, chủ thẻ SIM và các thiết bị khác. Họ cũng tìm thấy 7.000 USD và 7.700 Euro (8.960 USD), cũng như các vé máy bay và vé tàu lửa, hộ chiếu và thẻ tín dụng.
Ông Vokas đã tiến hành phân tích pháp y trên bốn chiếc điện thoại di động và xác định rằng một trong số chúng đã bị xóa từ xa một ngày sau khi ông Từ bị bắt.
Ông Vokas cho biết thêm, một trong những chiếc điện thoại di động khác có một ghi chú rõ vật liệu và kích thước của một cánh quạt, mà các công tố viên tin rằng có liên quan đến công nghệ GE Aviation mà Trung Quốc đang nhắm vào để bắt chước. Ngoài ra, chiếc điện thoại này còn chứa hình ảnh gia đình của một kỹ sư GE mà ông Từ nhắm tới để chiêu mộ.
Ông James Mulvenon, một chuyên gia về các vấn đề gián điệp và không gian mạng, cũng là một chuyên gia về quân sự Trung Quốc, đã chứng thực hôm 19/10 rằng chính quyền Trung Quốc đã gặp khó khăn trong việc phát triển phi cơ.
Ông Mulvenon nhấn mạnh: “Hàng không luôn là ưu tiên chính trong nhiều thập niên qua [của chính quyền Trung Quốc], và là nguyên nhân chính khiến họ khổ não.”
Ông còn lưu ý, Trung Quốc đã mua máy bay của Boeing và Airbus, vì họ không có đủ năng lực để chế tạo chúng.
Trong khi đó, ông David DeVillers, người giám sát vụ án này với tư cách là cựu biện lý Hoa Kỳ cho Quận South Ohio nhìn nhận: “Chúng ta có một tình huống thực tế là ai đó trong cộng đồng tình báo của chính quyền Trung Quốc đang chiêu mộ các gián điệp và đã bị dẫn độ vì việc làm này. Đây là hoạt động gián điệp. Đây thực sự là hoạt động gián điệp.”
“Phiên tòa đặc biệt này sẽ có tác động to lớn nhất đến mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc về bất kỳ… vụ án hình sự nào đưa ra xét xử bất kỳ cá nhân nào. Không còn phải nghi ngờ gì về điều đó nữa.”
Ông Jim Lewis, một cựu thành viên của Cơ quan Hành pháp Cao cấp và Ngoại giao Hoa Kỳ, đã khẳng định tính chất lịch sử của vụ án này: “Chúng tôi chưa bao giờ có thể dẫn độ… một đặc vụ tình báo của Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc từ một quốc gia khác đến Hoa Kỳ. Đưa họ ra xét xử thực sự là một bước quan trọng để khiến người Trung Quốc suy nghĩ lại về cái giá phải trả của hoạt động gián điệp.”
Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)
Xem thêm:
Từ khóa công nghệ hàng không đặc vụ Trung Quốc Gián điệp ĐCSTQ