Đại học Manchester khuyến nghị nhân viên không sử dụng các từ chỉ định giới tính
- Minh Ngọc
- •
Trào lưu “thức tỉnh” đang có xu thế gia tăng tại Đại học Manchester, sau khi trường đại học lớn thứ hai của Vương quốc Anh này khuyến nghị nhân viên không sử dụng các từ phân định rõ giới tính như “cha” hoặc “mẹ”, nhằm ủng hộ cái gọi là “ngôn ngữ hòa nhập” hơn.
Trong hướng dẫn được công bố trên trang web của trường đại học, nhà trường tuyên bố: “Tại Manchester, chúng tôi đón nhận và tôn vinh sự khác biệt cũng như sự tôn trọng. Chúng tôi hỗ trợ lẫn nhau để tạo ra một môi trường mà tại đó mọi người đều có thể phát huy hết tiềm năng của mình.”
“Hướng dẫn này nêu rõ cách sử dụng ngôn ngữ hòa nhập nhằm tránh thành kiến, tiếng lóng hoặc cách diễn đạt mà trong đó có sự phân biệt một số nhóm nhất định dựa trên độ tuổi, chủng tộc, dân tộc, khuyết tật, giới tính hoặc khuynh hướng tính dục.”
Về vấn đề giới tính, trường đại học Manchester cho biết “các thuật ngữ thuộc nhị phân giới (đàn ông/phụ nữ, bé gái/bé trai) có mối liên hệ truyền thống với giới tính, nhưng giờ đây chúng tôi nhận ra có một số người xác định giới tính của họ trái với với giới tính được nhận định khi họ còn nhỏ, hay có những người không xác định được là nam hay nữ (không thuộc nhị phân giới hoặc phân loại giới tính)”.
Do đó, trường đại học này đã ban hành một danh sách những cụm từ nên và không nên sử dụng cho nhân viên trường đại học, trong đó có yêu cầu sử dụng một số cụm từ đáng chú ý:
- Các bạn (you) hoặc họ (they/their/them), thay cho anh ấy/cô ấy (he/she, him/her)
- Mọi người/người (people/person) hoặc (các) cá nhân (individual), thay cho đàn ông (man/men) hoặc phụ nữ (woman/women)
- Tất cả mọi người/đồng nghiệp (everyone/colleagues), thay cho quý ông/quý bà (ladies and gentlemen/guys)
- Cha mẹ (parent) hoặc người giám hộ (guardian), thay cho mẹ hoặc cha (mother/ father)
- Đối tác (partner), thay cho chồng hoặc vợ (husband/wife)
- Anh/chị/em ruột (sibling), thay cho anh/em trai hoặc chị/em gái (brother/ sister)
- Nhân tạo (artificial), thay cho nhân tạo (man-made)
- Nhân loại (humankind), thay cho nhân loại (mankind)
- Lực lượng lao động (workforce), thay cho nhân lực (manpower)
Bộ “ngôn ngữ thức tỉnh” của Đại học Manchester còn cấm phân loại mọi người là bị bệnh tâm thần hay các thuật ngữ y tế chỉ bệnh trạng dường như vô hại, như bị tiểu đường, bị tàn tật, bị ung thư, bị mất trí nhớ…
Thay vào đó, “kế hoạch thức tỉnh” này yêu cầu nhân viên sử dụng các thuật ngữ như “người tàn tật, người khuyết tật, người sống chung với bệnh ung thư, người mắc bệnh tiểu đường và người phải sử dụng xe lăn”.
Đại học Manchester cũng nhắm mục tiêu đến cái gọi là “chủ nghĩa tuổi tác”, yêu cầu nhân viên không sử dụng tuổi tác làm mô tả nhận dạng, chẳng hạn như cái gọi là “lực lượng lao động trưởng thành” hoặc “đội ngũ trẻ và năng động”. Trường đại học nhấn mạnh, cần “tích cực tránh các thuật ngữ theo chủ nghĩa tuổi tác”, chẳng hạn như “người già”, “người về hưu” hoặc “thanh niên”.
Về vấn đề này, ứng cử viên thị trưởng London Laurence Fox đã chế nhạo các quy tắc hạn chế ngôn ngữ của trường đại học thiên tả này trong một bài đăng trên mạng xã hội.
Tổng thư ký của Liên minh Tự do Ngôn luận Toby Young cũng chỉ trích trường đại học Manchester lãng phí tiền của sinh viên.
Ông Young nói với BBC: “Nếu tôi là sinh viên tại Đại học Manchester, tôi không chắc mình sẽ coi đây là cách sử dụng hiệu quả số tiền đóng góp 9.250 bảng mỗi năm của mình.”
“Thay vì tập trung vào các tiêu chuẩn giáo dục hoặc hỗ trợ những sinh viên bị ảnh hưởng trong đại dịch, Đại học Manchester đã lãng phí thời gian và tiền bạc vào việc ban hành một hướng dẫn về cách sử dụng ‘ngôn ngữ thức tỉnh’.”
Một phát ngôn viên của Đại học Manchester nói với Daily Mail rằng, trên thực tế thuật ngữ “mẹ” (mother) và “cha” (father) không hoàn toàn bị cấm trong khuôn viên trường, mà thay vào đó, nhân viên được yêu cầu sử dụng “ngôn ngữ hòa nhập hơn”.
“Trường Đại học không loại bỏ hoặc cấm bất kỳ từ nào, chúng tôi chỉ đơn giản là tạo ra một tài liệu hướng dẫn cho nhân viên của chúng tôi, qua đó khuyến khích họ sử dụng ngôn ngữ hòa nhập hơn nhằm tránh sự thiên lệch.”
“Theo đó, chúng tôi khuyên các bạn nên sử dụng thuật ngữ ‘cha mẹ’ (parent) hoặc ‘người giám hộ’ (guardian). Đây là thuật ngữ được thiết lập rất tốt, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là chúng tôi cấm các từ ‘mẹ’ (mother) và ‘cha’ (father) theo bất kỳ hình thức nào.”
Minh Ngọc (Theo Breitbart)
Xem thêm:
Từ khóa Bản dạng giới tính phi giới tính giới tính trung lập