Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản cáo buộc ĐCSTQ “nói một đằng làm một nẻo”
- Vương Quân
- •
Ngày 18/12, Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản, ông Rahm Emanuel, đã đăng một thông điệp trên mạng xã hội X (Twitter), cáo buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc “nói một đằng làm một nẻo”. Tàu cá Trung Quốc vẫn tiếp tục đánh cá ở vùng biển Nhật Bản trong khi Bắc Kinh tẩy chay rầm rộ hải sản của Nhật sau vụ xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển.
Ông Emanuel chỉ trích ĐCSTQ ngoài miệng nói muốn hợp tác, nhưng kỳ thực hành động của họ lại là sự cưỡng ép. Bắc Kinh đã cấm nhập khẩu toàn bộ hải sản của Nhật Bản từ ngày 24/8.
Giờ đây, sau 4 tháng, các tàu đánh cá Trung Quốc vẫn đang đánh bắt ở vùng biển Nhật Bản. Thậm chí giới lãnh đạo ĐCSTQ cũng đang ăn những sản phẩm đánh bắt này ở vùng biển này.
Ông Emanuel đã tải 4 bức ảnh trên nền tảng xã hội X. Hình ảnh cho thấy, trong khoảng thời gian từ ngày 6/11 – 1/12, các tàu đánh cá treo cờ Trung Quốc bị phát hiện đang đánh bắt cá ở vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản ở Biển Hoa Đông gần Okinawa.
Trước đây ông Emanuel đã chỉ trích lệnh cấm nhập khẩu thủy sản Nhật Bản của Trung Quốc là một phần của “cuộc chiến kinh tế”.
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với tạp chí “Bungeishunjū” của Nhật Bản số tháng 9 xuất bản ngày 10/8, ông Emanuel đã nói về các chủ đề như liên minh Nhật-Mỹ và cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Ông chỉ ra rằng trong quá trình trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc, nước này đã vi phạm các quy tắc quốc tế, đánh cắp tài sản trí tuệ của các nước khác, thậm chí còn nhiều lần bắt nạt và áp bức các nước khác.
Về việc liệu cấu trúc kinh tế mới “Khung khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” (IPEF) do Mỹ dẫn đầu có bao gồm Trung Quốc hay không, ông Emanuel thẳng thắn nói rằng chỉ cần Mỹ bị lừa một lần thì sẽ không có lần sau. Đây cũng là bài học Mỹ rút ra sau khi Trung Quốc gia nhập WTO.
Ông Emanuel cũng chỉ trích chính sách “Vành đai và Con đường” của ĐCSTQ khiến các nước như Sri Lanka, Lào, Pakistan, Ethiopia và Zambia rơi vào khủng hoảng nợ khổng lồ. Bất kỳ quốc gia nào cũng có thể bị choáng ngợp trước khoản nợ khổng lồ do Bắc Kinh áp đặt.
Khi Lithuania đổi tên “Văn phòng đại diện Đài Bắc” thành “Văn phòng đại diện Đài Loan”, ĐCSTQ trả đũa bằng cách hạ thấp quan hệ ngoại giao với nước này. Tuy nhiên, châu Âu đã nhìn thấy điều này và EU ngay lập tức bước tới trở thành nước ủng hộ cho Lithuania. Ông Emanuel chỉ ra rằng “ngoại giao chiến lang” của Bắc Kinh khiến nhiều nước cảm thấy rất mệt mỏi.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Emanuel cũng đề cập đến “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP) và “Bộ tứ QUAD (Đối thoại an ninh bốn bên)” giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, là những di sản tốt nhất mà cựu Thủ tướng Shinzo Abe để lại.
Ý tưởng mà ông Abe đề xuất là hợp nhất khu vực Thái Bình Dương và Đại Tây Dương thành một. Ngay cả châu Âu cũng tin rằng FOIP có liên quan đến lợi ích quốc gia của mình.
Việc thành lập QUAD là để duy trì “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.” Trung Quốc vẫn cảnh giác với QUAD vì QUAD nhấn mạnh thực tế là Bắc Kinh không có đồng minh và bị cô lập.
“Sức mạnh chính trị” của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc bị Trung Quốc coi là mối đe dọa. Dù đây không phải là ý định ban đầu của QUAD, nhưng Trung Quốc tin rằng QUAD sẽ tước đi quyền thống trị của nước này trên thế giới.
Ông Emanuel: Bắc Kinh sử dụng AI để truyền bá thuyết âm mưu
Ngày 8/8, một vụ cháy đồng cỏ bùng phát trên đảo Maui của Hawaii và lan sang thị trấn du lịch ven biển Lahaina.
Vụ cháy khiến ít nhất 111 người thiệt mạng, phá hủy khoảng 2.200 tòa nhà và gây thiệt hại khoảng 5,5 tỷ USD, lập kỷ lục về thảm họa thiên nhiên thảm khốc nhất trong lịch sử Hawaii. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng tuyên bố vụ cháy rừng là thảm họa lớn.
Tuy nhiên, vào giữa tháng 8, Chính phủ Trung Quốc lại phát động một cuộc chiến thông tin bí mật, lan truyền trên các trang mạng xã hội lớn, đổ lỗi vụ cháy rừng ở Maui là “vũ khí thời tiết” của Mỹ. ĐCSTQ còn tuyên bố sai sự thật gây sốc rằng nguyên nhân vụ cháy rừng này đã được cơ quan tình báo Anh MI6 tiết lộ.
Ngày 12/12, Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản Emanuel đã tweet rằng chính phủ của ông Tập Cận Bình đang sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) để tung tin giả, rằng vụ cháy Maui ở Hawaii là do “vũ khí thời tiết” của Hoa Kỳ gây ra.
Ông giận dữ chỉ trích rằng kịch bản của chính quyền Tập Cận Bình đã rất rõ ràng. Đó là lợi dụng bi kịch của con người một cách trơ trẽn, để trục lợi chính trị cho riêng mình, bất chấp những sinh mạng đã mất.
Không chỉ vậy, trước đó Trung Quốc còn tuyên truyền khắp nơi rằng Mỹ đã đưa COVID-19 vào Trung Quốc, nhưng lại từ chối cho phép những phái đoàn quốc tế tới nước này điều tra một cách độc lập. Hiện Bắc Kinh đang lan truyền thông tin sai lệch về nước thải hạt nhân Fukushima.
Từ khóa Rahm Emanuel Nhật Bản quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản