Đại sứ Trung Quốc tại Pháp: Người Trung Quốc sẽ quyết định số phận Đài Loan
- Lý Giai Kỳ
- •
Gần đây, trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với kênh truyền hình Pháp, Đại sứ Trung Quốc tại Pháp, ông Lư Sa Dã (Lu Shaye), đã nói về tương lai của Đài Loan rằng “Người Trung Quốc sẽ quyết định số phận của Đài Loan”. Thậm chí, ông Lư còn tức giận, mất kiểm soát và xúc phạm người dẫn chương trình, khiến dư luận dậy sóng.
Ngày 21/4, chương trình truyền hình LCI của Pháp đã phỏng vấn ông Lư Sa Dã. Người dẫn chương trình Darius Rochebin đặt câu hỏi về chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Pháp Macron, tình hình hiện tại ở eo biển Đài Loan, xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, sự bành trướng của Trung Quốc, chiến tranh Nga-Ukraine, và lịch sử Trung Quốc.
Khi nói về vấn đề Đài Loan, người dẫn chương trình đã chiếu hoạt hình mô phỏng việc bắn đạn pháo vào Đài Loan của Trung Quốc trước kia, sau đó, hỏi ông Lư Sa Dã: “Lẽ nào đây chẳng phải một hành động xâm lược cực kỳ gây sốc sao?”
Ông Lư lập luận rằng là vì sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc đã bị đe dọa bởi “lực lượng ly khai Đài Loan độc lập ở Đài Loan và một số nước phương Tây”.
Người dẫn chương trình cũng đề cập rằng cuộc thăm dò mới nhất ở Đài Loan cho thấy, 64% số người được hỏi nhận mình là người Đài Loan, 30% nhận là cả người Đài Loan và người Trung Quốc, chỉ 2,4% nói mình là người Trung Quốc, và đặt câu hỏi: “Người Đài Loan không nên tự quyết định vận mệnh của mình sao? Đó là quyền tự quyết của người dân.”
Lúc này, ông Lư Sa Dã phản công: “Số phận của Đài Loan là do người Trung Quốc định đoạt.”
Ông Lư cũng đe dọa rằng Trung Quốc sẽ sử dụng “mọi biện pháp cần thiết” để giành lại Đài Loan, nếu không thể giải quyết vấn đề này thông qua các biện pháp hòa bình, “họ sẽ phải dùng đến các biện pháp khác”.
Thậm chí ông Lư Sa Dã còn chỉ trích việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan là vi phạm luật pháp quốc tế, và tuyên bố rằng “các quốc gia không thể bán vũ khí cho các thực thể phi nhà nước.”
Người dẫn chương trình tiếp tục nói về việc khi cựu Tổng thống Pháp Charles de Gaulle thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào năm 1964, nhiều nước phương Tây cho rằng ông ấy đã sai, vì chính quyền Mao Trạch Đông khi đó đã “giết và tra tấn hàng triệu người”.
Người dẫn chương trình cho biết, một số nước phương Tây hiện cũng đang rất lo lắng rằng “rất có thể họ sẽ lại mắc sai lầm tương tự trong các giao dịch với Trung Quốc”.
Ông Lư Sa Dã đã nổi cơn thịnh nộ ngay tại chỗ, buộc tội người dẫn chương trình “không trung thực” vì “ngụy biện với những tin đồn thất thiệt trong quá khứ”.
Người dẫn chương trình vặn hỏi: “Hàng triệu người chết vì Mao Trạch Đông là tin thất thiệt sao?”
Tránh né vấn đề có bao nhiêu người Trung Quốc đã chết khi Mao Trạch Đông nắm quyền, thay vào đó ông Lư Sa Dã chỉ trích người dẫn chương trình: “Ông từng đi học chứ? Dừng lại ngay! Hôm nay tôi tới đây không phải để thảo luận về những tin đồn này với ông.”
Người dẫn chương trình cố gắng giải thích tầm quan trọng của việc hiểu biết về lịch sử, nhưng ông Lư Sa Dã đã ngắt lời và hét lớn: “Tôi tới đây không phải để nói về những tin đồn này. Tôi nói lại lần nữa, không cần phải nói về những thứ này, thật vô nghĩa!”
“Đừng nói với tôi về cái gọi là nhân quyền, vấn đề nhân quyền của các ông thậm chí còn nghiêm trọng hơn.”
Người dẫn chương trình đã đề cập đến chiến tranh Nga-Ukraine và hỏi ông Lư Sa Dã “Crimea có thuộc Ukraine không?” Ông Lư đáp “không chắc”. Người dẫn chương trình nhắc rằng: “Theo luật pháp quốc tế, Crimea thuộc về Ukraine.”
Tuy nhiên, ông Lư Sa Dã lại cho rằng: “Theo luật pháp quốc tế, các quốc gia thuộc Liên Xô cũ này không có quy chế chủ quyền thực tế. Vì không có thỏa thuận quốc tế nào có thể cụ thể hóa địa vị quốc gia có chủ quyền của họ.”
Ngay sau khi tuyên bố này được đưa ra đồng nghĩa với việc phủ nhận sự tồn tại của các quốc gia như Ukraine, Litva, Estonia, khiến dư luận từ nhiều nước châu Âu dậy sóng.
Ông Vadym Omelchenko, Đại sứ Ukraine tại Pháp, đã lên án nhận xét của ông Lư Sa Dã là “vấn đề nổi bật về hiểu biết địa lý”, và rằng nhận xét của ông Lư trái ngược với ý định “nỗ lực khôi phục hòa bình ở Ukraine” của Bắc Kinh như truyền thông nước này đưa tin.
Thông qua tuyên bố của Ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkēvičs, 3 nước Baltic Litva, Latvia và Estonia cũng chỉ ra: “Hoàn toàn không thể chấp nhận được những nhận xét của Đại sứ Trung Quốc tại Pháp về luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia. Hy vọng phía Trung Quốc sẽ giải thích điều này và rút lại tuyên bố trên.”
Những nhận xét mất kiểm soát của ông Lư Sa Dã cũng khiến dư luận Pháp bất bình. Ngày 22/4, ông Thomas Friang, người sáng lập Viện Ngoại giao Mở, đã viết một lá thư cho JDD (Tạp chí Chủ nhật), kêu gọi Bộ Ngoại giao Pháp triệu tập ông Lư Sa Dã.
“Nhà ngoại giao này phải được triệu tập và nhắc nhở về cách thức hoạt động của quốc gia có chủ quyền của chúng ta, dù là dựa trên những cân nhắc về đạo đức hay chiến lược.”
Ông François Godement, cố vấn của Viện Montaigne, và nhiều học giả khác cũng chỉ ra rằng tuyên bố của ông Lư Sa Dã đã vô tình tiết lộ thái độ thực sự của Bắc Kinh đối với cuộc chiến Nga-Ukraine.
Ông Jakub Janda, Giám đốc điều hành của Trung tâm Chính sách An ninh Giá trị Châu Âu, bình luận: “Đã đến lúc thừa nhận rằng Trung Quốc là đồng minh của Nga, phải bị chế tài và trừng phạt”.
Tại Đài Loan, ngày 22/4, nhà lập pháp của Đảng Dân Tiến Vương Định Vũ (Wang Ding-yu) đã đăng trên Facebook rằng những nhận xét phóng đại của ông Lư Sa Dã đã xúc phạm một cuộc bỏ phiếu của đất nước, và đánh thẳng vào giới truyền thông, như thể ông ấy mắc chứng mất trí nhớ.
Vương Định Vũ nói thẳng: “Những lời ngụy biện của ông Lư Sa Dã đã khiến Đài Loan trở nên nổi bật hơn.”
Nhà lập pháp Tô Xảo Huệ (Su Chiao-hui) cũng thông qua Facebook chỉ ra rằng miễn là “chính sách ngoại giao chiến lang” tự đánh bại mình của ông Lư Sa Dã còn tồn tại thêm một ngày, thì cộng đồng quốc tế sẽ nhìn rõ bộ mặt của ĐCSTQ hơn. Tất cả các quốc gia trên thế giới đều không phải là kẻ ngốc, “ngoại giao chiến lang” chỉ biết dùng giọng điệu nạt nộ người khác để vũ trang cho mình từ lâu đã vô hiệu.
Từ khóa Đài Loan Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lư Sa Dã Lu Shaye