Điện Kremlin nói ông Tập tán thành ‘tính hợp pháp’ trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine
- Lê Vy
- •
Điện Kremlin cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ủng hộ “tính hợp pháp” của cuộc chiến đang diễn ra của Nga ở Ukraine trong cuộc điện đàm với Tổng thống Vladimir Putin hôm thứ Tư. Nếu những gì Nga nói là sự thật, đây sẽ là một trong những thay đổi quan trọng nhất kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu hơn 100 ngày trước.
“Tổng thống Vladimir Putin đã đưa ra đánh giá cơ bản của mình về tình hình ở Ukraine và các nhiệm vụ phải giải quyết trong chiến dịch quân sự đặc biệt này”, Moscow cho biết trong tài liệu công bố về cuộc gọi ngày 15/6 giữa hai nhà lãnh đạo, diễn ra vào đúng ngày sinh nhật lần thứ 69 của ông Tập.
“Chủ tịch Trung Quốc ghi nhận tính hợp pháp của các hành động của Nga nhằm bảo vệ các lợi ích cơ bản của quốc gia trước những thách thức đối với an ninh của nước này do các thế lực bên ngoài tạo ra”, Điện Kremlin nói về cuộc đối thoại “ấm áp và thân thiện”.
Phiên bản của Nga về cuộc gọi Putin – Tập (lần thứ hai được công bố công khai kể từ khi xâm lược Ukraine) khác biệt về mặt ý nghĩa với phiên bản do Bắc Kinh đưa ra, trong đó nhà lãnh đạo Trung Quốc nói rằng đất nước của ông đã đưa ra các “đánh giá độc lập” về nguyên nhân cuộc xung đột.
“Tất cả các bên nên tìm kiếm một giải pháp thích hợp cho cuộc khủng hoảng Ukraine một cách có trách nhiệm. Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng một vai trò mang tính xây dựng trong vấn đề này”, ông Tập nói với ông Putin, theo nội dung được Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố.
Việc các biên bản cuộc gọi của Nga và Trung Quốc có sự khác biệt không phải là điều đặc biệt đáng ngạc nhiên. Cả hai nước đều quan tâm đến việc làm nổi bật những điều phù hợp nhất với lợi ích quốc gia của họ. Nhưng lựa chọn từ ngữ của Điện Kremlin khi nhấn mạnh đến “tính hợp pháp” là điều đáng chú ý, bởi nó gián tiếp đưa ra quan điểm chính trị của Bắc Kinh, đặc biệt là khi quan điểm này mâu thuẫn với quan điểm “cuộc chiến bất hợp pháp” của phương Tây.
Động thái này có khả năng làm tổn hại thêm hình ảnh của Trung Quốc trong số các đối tác thương mại quan trọng ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Nhưng trong môi trường thông tin được quản lý chặt chẽ của Trung Quốc, nơi mọi hình ảnh và câu trích dẫn của ông Tập đều phải được “gọt giũa” trước khi công bố, cho đến nay không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh cảm thấy nhà lãnh đạo tối cao của họ đã bị Nga xuyên tạc.
Trên Weibo, một bản ghi bằng tiếng Trung do Đại sứ quán Nga công bố hiển thị cho công chúng Trung Quốc xem, trong đó Điện Kremlin nói rằng Chủ tịch Trung Quốc “nhấn mạnh rằng ông tôn trọng các hành động của của lãnh đạo Nga trong cuộc khủng hoảng hiện nay.”
Trong cuộc điện đàm, ông Tập và ông Putin còn bày tỏ sự ủng hộ lẫn nhau về các vấn đề cốt lõi liên quan đến chủ quyền và an ninh, đồng thời hứa hẹn sẽ “làm sâu sắc hơn sự phối hợp chiến lược” giữa hai nước.
Trong khi đó, Điện Kremlin cho biết quan hệ với Bắc Kinh “đang ở mức cao nhất mọi thời đại và đang không ngừng được cải thiện.” Hai bên cũng chống lại “các lệnh trừng phạt bất hợp pháp” của phương Tây, đồng ý hợp tác về năng lượng, tài chính và thương mại, theo Moscow.
“Sự phát triển hơn nữa của các mối quan hệ quân sự và quốc phòng cũng được đề cập đến. “Các bên khẳng định cam kết chung của họ trong việc cải thiện sự phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau trong các định dạng đa phương, bao gồm cả tại LHQ.”
Lê Vy (theo Newsweek)
Từ khóa quan hệ Nga - Trung Dòng sự kiện điện đàm Tập - Putin quan điểm của Trung Quốc về chiến tranh Ukraine