Liên quan đến cuộc chiến của Úc giành lại công bằng cho các tổ chức truyền thông tin tức, sau động thái ngăn chặn chia sẻ tin tức tại Úc, ‘gã khổng lồ’ công nghệ Facebook đã có những diễn biến có thể xem là đã nhượng bộ.

p2880351a64579110
Úc là nước đầu tiên trên thế giới ra luật buộc mạng xã hội phải trả tiền cho các tổ chức truyền thông để sử dụng nội dung (Nguồn: Pixabay).

Từ thứ Năm tuần trước (18/02), Facebook đã chặn các trang tin tức của Úc và không may cũng gây ảnh hưởng đến các trang Facebook của các cơ quan y tế, chính phủ, tổ chức từ thiện và cứu trợ của Úc. Sự việc đã gây chấn động, làm nổi lên làn sóng lên án Facebook cả trong nước Úc lẫn trên quốc tế. Công luận cũng dậy sóng yêu cầu các ông lớn công nghệ trả tiền cho nội dung tin tức. Trong một diễn biến bất ngờ vào ngày 23/2, Facebook thông báo chấp nhận luật thương lượng truyền thông do Chính phủ Úc đề xuất để buộc họ phải trả tiền nội dung, đã đạt được đồng thuận với Chính phủ Úc trong một số ngày tới sẽ bỏ chặn các trang Facebook của các hãng truyền thông tin tức Úc.

Facebook sẽ phục hồi lại hoạt động các trang thông tin của Úc

Theo trang tin Breitbart News, động thái nhượng bộ của Facebook diễn ra sau khi Thủ tướng Úc Scott Morrison gọi Facebook là “kẻ kiêu ngạo”. Ông cảnh báo: “Các công ty công nghệ lớn nghĩ rằng họ lớn hơn Chính phủ, các quy tắc không nên áp dụng cho họ.”

Cuộc thảo luận giữa Bộ trưởng Tài chính Úc Josh Frydenberg và ông chủ Facebook Mark Zuckerberg hiện đã cho thấy một kết quả mang lại lợi thế cho phía chính phủ trước xu thế công luận lên án mạnh mẽ đối với ‘gã khổng lồ’ công nghệ này.

Theo Công ty Phát thanh Truyền hình Úc (ABC), Bộ trưởng Tài chính Úc Friedenberg cho biết hôm 23/3, ông được Zuckerberg thông báo rằng trong vài ngày tới sẽ hồi phục hoạt động các trang thông tin tại Úc.

Ông cho hay trong cuộc chiến về quản lý đối với Google và Facebook, Úc luôn là “chiến đấu thay” cho phần còn lại của thế giới. Ông nói: “Tôi không có gì nghi ngờ, chính do những quy tắc mới mà hiện nay Chính phủ Morrison đang theo đuổi, khiến nhiều nước khác chú ý đến những gì đang xảy ra ở Úc. Vì vậy, Facebook và Google không thể né tránh, họ biết toàn thế giới đang dõi về Úc, đó là lý do tại sao họ đang tìm kiếm một quy tắc khả thi ở đây.”

Kết quả này ngay lập tức nhận được sự tán thưởng của giới truyền thông và giới chính trị Úc.

Ban đầu, Facebook lập luận rằng họ buộc phải chặn tin tức ở Úc nhằm đối phó với luật mới được Chính phủ Úc đề xuất, để phản đối việc thúc đẩy đàm phán giữa ‘gã khổng lồ’ công nghệ và các công ty tin tức, về việc thương lượng “công bằng hơn” liên quan giá trị của nội dung tin tức.

Ngay lập tức, ông Morrison tuyên bố rằng chính phủ liên minh bảo thủ của ông sẽ đặt ra các điều khoản và Facebook sẽ phải tuân thủ, đó chỉ là một phần của quá trình tranh chấp lâu dài.

Google cũng đã bị lôi vào cuộc chiến này, nhưng họ đã ký một thỏa thuận thanh toán với ba phương tiện truyền thông lớn của Úc, trong khi Facebook đang nỗ lực để Úc nhượng bộ trước.

Tuy nhiên, Úc đã không nhượng bộ. Ông Morrison đã nhận được nhiều lời khen ngợi vì đã hỗ trợ các tổ chức truyền thông địa phương hơn là các nhà khai thác công nghệ lớn.

Trong diễn biến liên quan, phía giới chức Ấn Độ và Anh cũng đã bày tỏ rằng họ quan tâm đến trận chiến truyền thông ở Úc và có kế hoạch theo bước Úc. Trong khi Canada đã đi xa hơn, theo hãng tin Breitbart, ngày 18/2, Bộ trưởng Di sản Văn hóa Canada, ông Steven Guilbeault cho biết Canada sẽ khiến Facebook phải bồi thường cho các tổ chức tin tức của Canada vì đã sử dụng nội dung của họ, giống như Úc đã làm. Ông gọi Facebook là “rất vô trách nhiệm” trước động thái của Úc, qua đó tuyên bố rằng Canada sẽ “bắt đầu xây dựng luật pháp công bằng giữa các phương tiện truyền thông tin tức và những người khổng lồ Internet”. Ông nói: “Tuần trước, tôi đã gặp các đồng nghiệp ở Úc, Phần Lan, Đức và Pháp để cùng nhau nghiên cứu vấn đề này. Càng nhiều nước xung quanh chúng ta thông qua các quy định tương tự thì Facebook càng khó tiếp tục các hành động như vậy. Số lượng (nước tham gia) tạo nên sức mạnh!”

Về “Luật Thương lượng Truyền thông tin tức” được Úc bổ sung

Ngày 23/2, Bộ trưởng Tài chính Úc Frydenberg cho biết Chính phủ Úc sẽ bổ sung “Luật Thương lượng Truyền thông tin tức” vào dự thảo luật liên quan đến vấn đề này, nhưng sẽ không thay đổi nội dung chính của dự thảo luật.

Nội dung sửa đổi mà Chính phủ Úc đưa ra bao gồm: chính phủ cần thông báo trước một tháng về những nền tảng kỹ thuật số nào cần tuân thủ “Luật Thương lượng Truyền thông tin tức”, và phải xem xét liệu nền tảng đó đã đạt được thỏa thuận thương mại với phương tiện truyền thông tin tức hay chưa, đã đóng góp quan trọng gì vào sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp truyền thông tin tức của Úc; trọng tài chỉ là biện pháp cuối cùng nếu không đạt được thỏa thuận thương mại, phải có hòa giải trước khi phân xử, thời gian hòa giải không quá 2 tháng.

Trong tuyên bố, ông Friedenberg cũng cho biết:

“Điều quan trọng là việc sửa đổi luật sẽ mang lại cho các phương tiện truyền thông và các nhà xuất bản nhỏ ở các vùng sâu vùng xa có lợi thế hơn, để họ có thể nhận được khoản thù lao hợp lý khi đàm phán với các nền tảng kỹ thuật số.”

“Sửa đổi mang tính giải thích này xác nhận rằng luật mới chỉ áp dụng cho phạm vi dịch vụ của các nền tảng kỹ thuật số.”

“Sửa đổi cũng tạo thêm động lực cho tất cả các bên tiến hành các cuộc đàm phán kinh doanh bên ngoài ‘Luật Thương lượng Truyền thông tin tức’. Đây là đặc điểm cốt lõi của chính phủ nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của thông tin phúc lợi cộng đồng của Úc.”

Ông Will Easton, người đứng đầu Facebook Úc, cho biết công ty rất vui khi đạt được đồng thuận với Chính phủ Úc: “Sau khi thảo luận thêm, chúng tôi hài lòng trước việc Chính phủ Úc đã đồng ý với một số thay đổi và cung cấp một số đảm bảo, điều này giải quyết mối quan tâm cốt lõi của chúng tôi là cho phép các giao dịch thương mại và công nhận giá trị mà nền tảng của chúng tôi cung cấp cho các nhà xuất bản (tin tức), và chúng tôi cũng có được giá trị khi kết nối với họ. Do những thay đổi này, giờ đây chúng tôi có thể nỗ lực hơn trong đầu tư vào lĩnh vực thông tin phi lợi nhuận, và trong vài ngày tới sẽ khôi phục trang Facebook của cơ quan thông tin Úc.”

“Luật Thương lượng Truyền thông tin tức” sắp ra mắt của Úc đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Diễn biến sự kiện đã giúp chính phủ các nước bắt đầu chú ý hơn đối với những nguy cơ tiềm ẩn do quyền lực khổng lồ không được kiểm soát của những ‘gã khổng lồ’ công nghệ. Làn sóng yêu cầu các ‘gã khổng lồ’ công nghệ trả tiền cho nội dung tin tức đang diễn ra trên khắp Châu Âu, Mỹ và Canada.

Nhận định về sự kiện, giáo sư Megan Boler chuyên về mạng xã hội tại Đại học Toronto, tin rằng động thái Facebook chặn tin tức tại Úc là một bước ngoặt, đánh dấu vấn đề quản lý mạng xã hội đòi hỏi phải có hành động chung của cộng đồng quốc tế. Ông nói với Reuters: “Chúng ta có thể thấy sự hình thành của một liên minh, một mặt trận đoàn kết vô cùng mạnh mẽ chống lại tình trạng độc quyền này.”

Bảo Minh (t/h)

Xem thêm: