Tờ Financial Times tại Anh ngày 22/8 đưa tin độc quyền rằng các quan chức cấp cao của Đài Loan đã bí mật đến Vùng đô thịWashington để hội đàm với Mỹ.

Joseph Wu 2
Ngoại trưởng Đài Loan Joseph Wu (Ảnh chụp màn hình video)

Báo cáo dẫn lời nhiều người quen thuộc với vấn đề này cho biết, Ngoại trưởng Đài Loan Lâm Giai Long (Lin Chia-lung) cùng Cố vấn An ninh Quốc gia, cựu Ngoại trưởng Ngô Chiêu Nhiếp (Joseph Wu) đã tới khu vực Washington của Mỹ trong tuần này để tham gia cái gọi là các cuộc đàm phán về “kênh đặc biệt”. Đây là đợt đàm phán đầu tiên kể từ khi Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức nhậm chức vào tháng 5. Cả Nhà Trắng lẫn văn phòng đại diện của Đài Loan tại Mỹ đều không bình luận gì về thông tin này.

Bài báo của Financial Times không tiết lộ thời gian và địa điểm chính xác, nhưng theo thông lệ, các cuộc hội đàm “kênh đặc biệt” như vậy đã tồn tại trong nhiều năm và là một phần của đối thoại ngoại giao đặc biệt giữa Mỹ và Đài Loan. Theo thông lệ lâu nay, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan không được phép vào thủ đô Washington DC của Mỹ, vì vậy các cuộc hội đàm thường được tổ chức ở Vùng đô thị Washington, bao gồm các bang lân cận là Maryland và Virginia. Lần gần đây nhất, quan chức Đài Loan dẫn đầu một phái đoàn đến thăm Mỹ là vào tháng 2/2023, tại trụ sở Washington của Viện Hoa Kỳ ở Đài Loan (AIT) nằm ở phía bắc tiểu bang Virginia, Bộ trưởng Ngoại giao khi đó là ông Ngô Chiêu Nhiếp cùng Cố vấn An ninh Quốc gia khi đó và hiện là Bộ trưởng Quốc phòng Cố Lập Hùng (Gu Li-hsiung) dẫn đầu.

Các chính phủ kế tiếp của Hoa Kỳ đã giữ bí mật cuộc đối thoại nhạy cảm này để tránh sự chỉ trích của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Cuộc đối thoại “kênh đặc biệt” như vậy không được biết đến cho đến khi Financial Times tiết lộ vào năm 2021. Vào thời điểm đó, Financial Times đưa tin rằng Ngoại trưởng lúc đó là ông Ngô Chiêu Nhiếp đã dẫn đầu một phái đoàn Đài Loan tới gặp các quan chức Mỹ ở Annapolis, Maryland.

Đây là đợt quan chức cấp cao đầu tiên của Đài Loan tới thăm Mỹ sau khi ông Lại Thanh Đức nhậm chức tổng thống. Chính phủ ĐCSTQ mô tả ông Lại Thanh Đức là một “người theo chủ nghĩa Đài Loan độc lập nguy hiểm”, và lo ngại ông có nhiều khả năng thực hiện các biện pháp để Đài Loan độc lập hơn so với cựu Tổng thống Thái Anh Văn. Các báo cáo mô tả, một số quan chức Mỹ chia sẻ riêng tư rằng họ cũng lo lắng về ông Lại Thanh Đức, cho rằng ông thiếu kinh nghiệm ngoại giao và có thể khó đoán hơn so với bà Thái. 

Một ngày trước đó, truyền thông Mỹ vừa tiết lộ Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đồng ý điều chỉnh chiến lược hạt nhân của Mỹ vào tháng 3 năm nay để đối phó với việc Trung Quốc (ĐCSTQ) mở rộng hạt nhân. Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” vào ngày 21/8. Ngoài ra, Financial Times cho rằng ĐCSTQ đang quan sát cách ông Lại Thanh Đức xử lý mối quan hệ với Bắc Kinh và Mỹ.

Ông Evan Medeiros, cựu quan chức Nhà Trắng, cho rằng các hội đàm “kênh đặc biệt” giữa Mỹ và Đài Loan là “một trong những cơ chế nhạy cảm và quan trọng nhất trong nền chính trị toàn cầu ngày nay”. 

Còn ông Randy Schriver, cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, tin rằng mối quan hệ không chính thức Mỹ – Đài Loan cho phép tiếp xúc hạn chế, cùng với các hoạt động quân sự ngày càng tăng cường của ĐCSTQ gần Đài Loan, khiến các kênh đặc biệt càng trở nên quan trọng hơn.

Ngân sách quốc phòng của Đài Loan đạt mức cao kỷ lục để chống lại mối đe dọa từ Bắc Kinh

Theo Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA), ông Trác Vinh Thái (Cho Jung-tai), Viện trưởng Viện hành chính Trung Hoa Dân Quốc, đã chủ trì một cuộc họp của Viện Hành chính hôm 22/8, hội nghị thảo luận thông qua “Ngân sách chung của Chính phủ Trung ương năm 2025” do Tổng cục Ngân sách, Kế toán và Thống kê, Viện Hành pháp đệ trình.

Về kinh phí quốc phòng, Bộ Quốc phòng có khoản chi hàng năm là 476 tỷ Đài tệ cho năm 2025, tăng thêm 41,5 tỷ Đài tệ so với năm 2024, tương đương tăng khoảng 9,6%. Ngoài ra, ngân sách đặc biệt để mua sắm máy bay chiến đấu mới và kế hoạch mua sắm năng lực chiến đấu của hải quân và không quân là 90,4 tỷ Đài tệ trong tổng trị giá 566,4 tỷ Đài tệ, tăng 37,7 tỷ nhân dân tệ so với cùng kỳ năm nay, mức tăng khoảng 7,1%. Nếu kết hợp với quỹ đặc biệt phi hoạt động 80,6 tỷ Đài tệ, quy mô tổng thể đạt 647 tỷ nhân Đài tệ (tương đương khoảng 20 tỷ đôla Mỹ), chiếm khoảng 2,45% GDP, mức tăng 46,4 tỷ Đài tệ hay khoảng 7,7% so với cùng kỳ năm nay.

Vì ngân sách cho năm tới sẽ tăng 46,4 tỷ Đài tệ so với năm nay, nên liệu ngân sách sản xuất tàu ngầm trong nước có được đưa vào ngân sách chung hay không đã thu hút sự chú ý. Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết, nó đang được xem xét và sẽ được đưa vào theo kế hoạch. Viện hành chính cho biết thêm rằng tổng cộng 7 tàu ngầm mới đang được lên kế hoạch sản xuất hàng loạt, với thời gian lập kế hoạch từ năm 2025 đến 2038 và ngân sách khoảng 284 tỷ Đài tệ.

Về tốc độ tăng trưởng ngân sách quốc phòng, ông Tạ Kỳ Hiền (Xie Qixian), Kế toán trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết các dự án xây dựng trước đây đã bước vào thời kỳ cao điểm thanh toán trong những năm gần đây, nên ngân sách đầu tư quân sự tăng nhiều nhất.

Về việc liệu ngân sách quốc phòng trong tương lai có thể đạt 3% GDP hay không, ông Tạ Kỳ Hiền cho biết, đây là mục tiêu dự kiến, và nó phụ thuộc vào việc sau này có nhận được vũ khí và thiết bị quan trọng hay không, cùng với việc nhận được các trang thiết bị, quy mô ngân sách quốc phòng cũng sẽ tăng lên.

Trí Đạt (t/h)