Hạ viện Mỹ đề xuất các dự luật chống độc quyền nhằm hạn chế quyền lực của Big Tech
- Phan Anh
- •
Hôm 11/6 vừa qua, các nhà lập pháp tại Hạ viện Mỹ đã công bố một gói đề xuất chống độc quyền gồm 5 dự luật nhằm cung cấp cho các cơ quan quản lý nhiều quyền lực hơn, với mục đích kiềm chế các Big Tech (hãng công nghệ lớn). Những quy định mới (nếu được thông qua) có thể sẽ khiến cho những tập đoàn này bị chia nhỏ.
Sáng kiến lưỡng đảng này do Tiểu ban Tư pháp Hạ viện Mỹ đứng đầu, với mỗi dự luật trong số 5 dự luật có một nhà lập pháp ủng hộ từ cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ. Mỗi dự luật nhắm đến những cách khác nhau mà các Big Tech duy trì sự thống trị thị trường bằng việc lạm dụng quyền lực của họ.
Trong một tuyên bố ra ngày 11/6, Hạ nghị sĩ Dân chủ David Cicilline (Rhode Islands) – Chủ tịch Tiểu ban Chống độc quyền Tư pháp tại Hạ viện Mỹ cho biết: “Hiện các công ty độc quyền về công nghệ không được kiểm soát có quá nhiều quyền lực đối với nền kinh tế của chúng ta. Họ đang ở một vị trí độc nhất để chọn người thắng và người thua, phá hủy các doanh nghiệp nhỏ, tăng giá đối với người tiêu dùng và khiến mọi người không có việc làm”.
Ông nói thêm: “Chương trình nghị sự của chúng tôi sẽ cân bằng sân chơi và đảm bảo các công ty độc quyền công nghệ giàu có nhất, quyền lực nhất tuân theo các quy tắc giống như phần còn lại của chúng ta”.
Việc đề xuất gói dự luật chống độc quyền được đưa ra sau khi tiểu ban Tư pháp năm ngoái công bố một báo cáo vào tháng 10/2020, trong đó cáo buộc một loạt các hành vi nhằm ngăn cản sự cạnh tranh trên thị trường của các công ty thống trị ngành công nghệ như Facebook, Google, Amazon và Apple. Báo cáo là kết quả của cuộc điều tra kéo dài 15 tháng về các chiến thuật kinh doanh của các Big Tech. Nó đã được thông qua trong một cuộc bỏ phiếu có sự phân chia đảng phái rõ ràng vào đầu năm 2021, trong đó không có nhiều sự ủng hộ đến từ các thành viên đảng Cộng hòa. Họ do dự trong việc ủng hộ báo cáo này bởi một số khuyến nghị mà đảng Dân chủ nêu ra trong đó.
Báo cáo kết luận rằng 4 công ty Big Tech – trong khi bị điều tra vì những lý do khác nhau – đã thực hiện hành vi ngăn cản tính cạnh tranh trên thị trường, và lạm dụng quyền lực thị trường của họ bằng cách “tính phí đắt đỏ, áp đặt các điều khoản hợp đồng, và trích xuất dữ liệu có giá trị từ những người và doanh nghiệp đang phụ thuộc vào họ”. Báo cáo cũng khẳng định, cả 4 công ty “đã lạm dụng vai trò trung gian của họ” nhằm mở rộng hơn nữa sự thống trị của mình thông qua các hành vi như tự ưu tiên, định giá trước và hành vi loại trừ.
Các công ty “Big Four” đã bác bỏ các cáo buộc trong báo cáo rằng họ đang lạm dụng quyền lực thị trường, với việc những vị CEO của họ đã cùng nhau ra điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tháng 7/2020. Đây được xem như một phần trong cuộc điều tra của Ban tư pháp Mỹ.
Năm dự luật trong gói đề xuất mới mà các nhà lập pháp Hạ viện Mỹ công bố bao gồm “Đạo luật Trực tuyến về sự Lựa chọn và Đổi mới của Mỹ” (American Innovation and Choice Online Act), nhằm cấm các hành vi phân biệt đối xử, bao gồm cả lệnh cấm đối với các nền tảng thống trị ưu tiên các sản phẩm và dịch vụ của chính họ hơn các đối thủ cạnh tranh khác trên nền tảng của họ.
“Đạo luật về Cơ hội và Cạnh tranh Nền tảng” (Platform Competition and Opportunity Act) sẽ cấm các nền tảng thống trị có được các mối đe dọa cạnh tranh, bao gồm cả các vụ mua lại nhằm mở rộng hoặc gia tăng quyền lực thị trường của họ đối với các nền tảng trực tuyến. Một dự luật khác có tên là “Đạo luật Chấm dứt Nền tảng Độc quyền” (Ending Platform Monopolies Act), trong đó sẽ cấm các công ty công nghệ tận dụng quyền kiểm soát của họ trên nhiều lĩnh vực kinh doanh để gây bất lợi cho các đối thủ khác “theo những cách làm suy yếu sự cạnh tranh tự do và công bằng”.
Dự luật thứ 4, được gọi là “Đạo luật về Tiếp cận” (ACCESS Act) có mục đích thúc đẩy cạnh tranh trực tuyến, bằng cách yêu cầu các nền tảng trực tuyến giảm bớt rào cản cho người dùng và doanh nghiệp tham gia thị trường trực tuyến; kiểm soát nhiều hơn những gì công ty làm với dữ liệu cá nhân của họ; và để chuyển dữ liệu của họ sang các dịch vụ khác.
Dự luật thứ 5, được gọi là “Đạo luật Hiện đại hóa Phí nộp hồ sơ Sáp nhập” (Merger Filing Fee Modernization Act), trong đó sẽ cập nhật phí nộp đơn cho các vụ sáp nhập “lần đầu tiên sau 2 thập kỷ”, để đảm bảo rằng Bộ Tư pháp và Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ có nguồn lực để “thực thi luật chống độc quyền một cách quyết liệt”.
Đáp lại gói đề xuất dự luật này, Hiệp hội Công nghiệp Máy tính & Truyền thông (CCIA) – nhóm ngành công nghiệp công nghệ – cho biết rằng các luật trên sẽ “có tác động lớn đến vai trò lãnh đạo kinh tế của Mỹ, và làm giảm khả năng tận hưởng các dịch vụ kỹ thuật số miễn phí của người tiêu dùng”.
Chủ tịch Matt Schruers của CCIA phát biểu trong một tuyên bố rằng: “Thay vì đưa ra cải cách chống độc quyền áp dụng trên diện rộng trên toàn nền kinh tế Mỹ, các quy định được đề xuất này tập trung vào một số công ty có các sản phẩm và dịch vụ cạnh tranh rất phổ biến với người tiêu dùng. Vào thời điểm mà người tiêu dùng thất vọng với giá cao hơn và ít lựa chọn hơn trong các phân khúc khác của nền kinh tế, thật bối rối khi Ủy ban sẽ không ưu tiên việc cải cách trên diện rộng”.
Ông Schruers cho biết thêm: “Việc đề ra các quy định cho một số ít doanh nghiệp sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh và khiến người tiêu dùng bị thiệt thòi hơn”. Ông cho rằng các dự luật của Hạ viện Mỹ “sẽ làm cho chính phủ chịu trách nhiệm về tổ chức công nghiệp”, và “ngăn các Big Tech cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ cải thiện cuộc sống của họ”.
Theo The Epoch Times,
Phan Anh
Xem thêm:
Từ khóa Hạ Viện Mỹ Big Tech kiểm duyệt