Hàng giả đang chiếm 3,3% thương mại toàn cầu, phần lớn nguồn gốc từ Trung Quốc
- Huệ Anh
- •
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế và Cục Quyền sở hữu trí tuệ Liên minh châu Âu được công bố hôm 18/3, trong vài năm qua, lượng giao dịch hàng giả hàng nhái đang dần tăng lên, chiếm 3,3% tổng lượng thương mại toàn cầu.
Báo cáo dựa vào số liệu kiểm tra và thu giữ tại hải quan cho thấy, năm 2016, giá trị thương mại của hàng giả lên đến 509 tỉ Đô la Mỹ (USD), cao hơn mức 461 tỉ USD của năm 2013. Vấn đề mà Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt vô cùng cấp bách, năm 2016 hàng giả nhập vào EU bị kiểm tra thu giữ chiếm 6,8% tổng lượng sản phẩm nhập khẩu từ các nước không thuộc EU, trong khi đó năm 2013 là 5%. Những thống kê về hàng giả này không bao gồm hàng giả được sản xuất và tiêu dùng trong nước, hoặc các sản phẩm lậu được phân phối qua internet.
Trong số hàng giả bị kiểm tra thu giữ, chiếm tỉ lệ cao nhất lần lượt là giầy dép, quần áo, đồ da, thiết bị điện tử, đồng hồ, thiết bị y tế, nước hoa, đồ chơi, đồ trang sức và thuốc. Các quan chức hải quan còn chỉ ra, các loại hàng giả bị kiểm tra thu giữ như đàn guitar, vật liệu xây dựng trước đây hiếm thấy làm giả, nhưng hiện số lượng sản phẩm loại này cũng đang tăng.
Phần lớn hàng giả bị hải quan kiểm tra thu giữ đều có nguồn gốc từ nội địa Trung Quốc và Hồng Kông. Các nguồn hàng giả khác chủ yếu đến từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore, Thái Lan và Ấn Độ.
Năm 2016, nước chịu ảnh hưởng lớn nhất từ hàng giả hàng nhái là Mỹ, trong số các hàng giả bị thu giữ có 24% là giả thương hiệu hoặc bản quyền của Mỹ. Tiếp đến là Pháp (17%), Italia (15%), Thụy Sĩ (11%), Đức (9%). Các nền kinh tế mới nổi như Singapore, Hồng Kông, Brazil cũng bị ảnh hưởng ngày càng nhiều.
Kênh lưu thông hàng giả hàng nhái chủ yếu là qua bưu cục hoặc chuyển phát nhanh. Trong thời gian từ năm 2014 đến 2016, có đến 69% tổng lượng hàng hóa bị hải quan thu giữ là các gói nhỏ hàng giả, năm 2011 – 2013, tỉ lệ này là 63%.
Báo cáo này cũng đưa ra cảnh báo, quyền sở hữu trí tuệ “phát huy tác dụng vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy sáng tạo mới và thúc đẩy nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng”. Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ đe dọa đến “giá trị thành công quan trọng của nhà sáng tạo và nhà phát triển trong thị trường cạnh tranh”.
Tại buổi công bố báo cáo, Trưởng ban Quan hệ toàn cầu Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), ông Marcos Bonturi nói: “Buôn bán hàng giả đã cướp đi thu nhập của doanh nghiệp và chính phủ, làm gia tăng các hoạt động tội phạm khác. Nó còn có thể đe dọa đến sức khỏe và an toàn của người tiêu dùng. Ở những nơi quản lý chưa được tốt, những kẻ làm hàng giả càng hung hăng hơn. Do đó, tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ và tăng cường công tác chống tham nhũng là vô cùng quan trọng.
Báo cáo chỉ ra, việc kiểm tra đối với các gói hàng nhỏ chưa đầy đủ, chính sách trừng phạt đối với những người buôn lậu và vận chuyển hàng giả không nhất trí cũng góp phần khiến buôn bán hàng giả tăng cao. Ngoài ra, phân tích trong quá khứ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế và Cục Quyền sở hữu trí tuệ Liên minh châu Âu cho thấy, khu mậu dịch tự do có thể vô ý dung túng cho nạn buôn bán hàng giả.
Theo VOA
Xem thêm:
Từ khóa hàng giả đánh cắp sở hữu trí tuệ