Ngày 3/5, chỉ trong vòng 1 tuần Iran đã bắt giữ thêm một tàu chở dầu thứ hai ở vùng biển vùng Vịnh. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã kêu gọi thả tàu này, trong động thái leo thang mới nhất mới nhất trong chuỗi các vụ bắt giữ hoặc tấn công các tàu thương mại ở vùng biển vùng Vịnh kể từ năm 2019.

niovi
Ảnh chụp màn hình video cho thấy tàu tấn công nhanh của Hải quân Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran bao vây tàu chở dầu Niovi treo cờ Panama khi tàu này đi qua Eo biển Hormuz, ngày 3/5/2023. Ảnh Hải quân Hoa Kỳ

Hạm đội thứ năm của Hải quân Hoa Kỳ có trụ sở tại Bahrain cho biết, tàu chở dầu Niovi treo cờ Panama đã bị Hải quân Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bắt giữ lúc 6:20 sáng giờ địa phương ngày 3/5, khi đi qua eo biển hẹp Hormuz.

Trong phản ứng đầu tiên của Iran, công tố viên của Tehran tuyên bố tàu chở dầu đã bị bắt giữ theo lệnh tư pháp sau đơn khiếu nại của nguyên đơn, hãng thông tấn Mizan của cơ quan tư pháp cho hay.

Vụ việc xảy ra sau khi Iran hôm 27/4 bắt giữ một tàu chở dầu Advantage Sweet treo cờ Quần đảo Marshall ở Vịnh Oman. Tàu chở dầu đó đang bị chính quyền Iran thu giữ ở Bandar Abbas, cơ quan đăng ký cờ Quần đảo Marshall cho biết hôm 3/5.

Theo Công ty an ninh hàng hải Ambrey, họ tin rằng việc hải quân Iran bắt giữ tàu Advantage Sweet diễn ra sau lệnh bắt giữ gần đây của tòa án Hoa Kỳ đối với một lô hàng dầu trên tàu Suez Rajan mang cờ Quần đảo Marshall.

Tàu chở dầu Niovi bị bắt giữ hôm 3/5 đang khởi hành từ Dubai (UAE) và hướng đến cảng Fujairah (UAE) thì bị các tàu của IRGCN buộc phải thay đổi hướng đi và hướng đến vùng biển thuộc lãnh thổ Iran.

Dữ liệu theo dõi tàu của Refinitiv cho thấy, lần cuối cùng tàu Niovi báo cáo vị trí là lúc 02:31 GMT hôm 3/5 ngoài khơi bờ biển Oman ở eo biển Hormuz với điểm đến là Fujairah.

Theo cơ sở dữ liệu của Tổ chức Hàng hải Quốc tế, chủ sở hữu của Niovi là Grand Financing Co và con tàu được quản lý bởi công ty Hy Lạp Smart Tankers.

Ông Vedant Patel, phó phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nói với các phóng viên rằng chính quyền Biden và “cộng đồng quốc tế” kêu gọi Iran và Hải quân của họ thả các tàu và thủy thủ đoàn của họ. “Việc Iran quấy rối các tàu và can thiệp vào quyền hàng hải trong vùng biển quốc tế và khu vực là trái với luật pháp quốc tế và phá vỡ sự ổn định và an ninh khu vực,” ông Patel nhấn mạnh.

Dữ liệu từ công ty phân tích Vortexa chỉ ra, khoảng 1/5 lượng dầu thô và sản phẩm dầu mỏ của thế giới đi qua eo biển Hormuz, một nút thắt giữa Iran và Oman.

“Hoạt động quân sự gia tăng và căng thẳng địa chính trị ở khu vực này tiếp tục gây ra những mối đe dọa nghiêm trọng đối với các tàu thương mại,” cơ quan đăng ký cờ của Quần đảo Marshall nêu rõ trong một khuyến cáo hôm 2/5.

Kể từ năm 2019, hàng loạt cuộc tấn công đã diễn ra nhằm vào các tàu bè ở vùng biển chiến lược vùng Vịnh vào thời điểm căng thẳng giữa Mỹ và Iran.

Các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Tehran và Washington nhằm khôi phục hiệp ước hạt nhân năm 2015 của Iran với các cường quốc thế giới đã bị đình trệ kể từ tháng 9 năm ngoái ề một loạt vấn đề, bao gồm cuộc đàn áp bạo lực của Cộng hòa Hồi giáo đối với các cuộc biểu tình của người dân, việc Tehran bán máy bay không người lái cho Nga và đẩy nhanh chương trình hạt nhân.

Minh Ngọc (Theo Reuters)