Bộ Ngoại giao Israel đã kêu gọi thắt chặt các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Iran, sau cuộc tấn công của Iran vào Israel cuối tuần qua.

Israel
Hình ảnh là bản đồ dữ liệu về hệ thống “Vòm Sắt” (Iron Dome) của Israel đang thực hiện nhiệm vụ đánh chặn. (Ảnh mịnh hoạ: Ilia Yefimovich/Getty)

Tehran đã thực hiện một cuộc không kích lớn vào lãnh thổ Israel vào thứ Bảy (13/4) để đáp trả vụ đánh bom vào đại sứ quán Iran ở Damascus, Syria hồi đầu tháng Tư. Israel không xác nhận cũng như phủ nhận vai trò của mình trong vụ đánh bom, nhưng trách nhiệm của họ sau đó đã được Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant ám chỉ.

Ngoại trưởng Israel Israel Katz hôm thứ Ba (16/4) cho biết ông đã liên lạc với 32 quốc gia và nói chuyện với nhiều đối tác, kêu gọi các nước “áp đặt biện pháp trừng phạt đối với dự án tên lửa của Iran và tuyên bố Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran là một tổ chức khủng bố, nhằm ngăn chặn và làm suy yếu Iran”.

Ngoại trưởng Israel cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội: “Chúng ta phải ngăn chặn Iran ngay bây giờ, trước khi quá muộn”.

Ông Katz cho biết thêm ngoài phản ứng quân sự đối với việc Tehran bắn tên lửa và máy bay không người lái, ông đang “dẫn đầu một cuộc tấn công ngoại giao chống lại Iran”.

Tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao được đưa ra khi nội các chiến tranh của Israel tổ chức cuộc họp lần thứ năm vào thứ Ba (16/4) để thảo luận về phản ứng tiềm tàng đối với Iran. Ngay sau cuộc tấn công, nội các chiến tranh đã quyết định sẽ có hành động “rõ ràng và quyết đoán”. Mỹ được cho là sẽ không tham gia vào một cuộc phản công của Israel và dự kiến phản ứng sẽ có phạm vi hạn chế.

Theo các chuyên gia, một cuộc chiến tranh toàn diện có thể xảy ra với Iran sẽ gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế Israel. 

Để chống lại cuộc tấn công hôm thứ Bảy (13/4) của Iran, Tây Jerusalem tuyên bố có sự tham gia của hơn 300 máy bay không người lái và tên lửa, được cho là đã khiến Israel thiệt hại hơn 1 tỷ USD.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết, Nhóm 7 nước (G7) đang nghiên cứu một gói các biện pháp phối hợp chống lại Iran.

Iran là đối tượng của nhiều lệnh trừng phạt quốc tế trong nhiều thập kỷ vì chương trình phát triển hạt nhân của nước này. Các lệnh trừng phạt đã được nới lỏng phần nào vào năm 2015 khi Tehran đồng ý một số hạn chế đối với chương trình theo Thỏa thuận hạt nhân Iran, được gọi chính thức là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), giữa Iran, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, và EU.

Tuy nhiên, thỏa thuận này đã bị hủy bỏ vào năm 2018 sau khi Tổng thống Mỹ lúc đó là Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận và áp dụng lại các lệnh trừng phạt đã chấm dứt đối với Tehran. Một số nỗ lực trong những năm gần đây nhằm khôi phục Thỏa thuận hạt nhân Iran đã thất bại.

Thanh Tâm, theo RT