Khác hẳn với phản ứng của Mỹ, Chính phủ Pháp đã đưa ra tuyên bố ủng hộ tính độc lập của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ngay sau khi công tố viên ICC nộp đơn xin lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và lãnh đạo Hamas.

ICC
Công tố viên Karim Khan của ICC (giữa). (Ảnh: ICC)

“Pháp ủng hộ tính độc lập của ICC, ủng hộ trong mọi trường hợp cuộc chiến của ICC chống lại các hành vi tội phạm mà chưa bị trừng phạt”, Bộ Ngoại giao Pháp cho biết trong một thông cáo báo chí được đưa ra vào sáng sớm thứ Ba (21/5).

Chính quyền Paris cho biết: “Pháp lên án vụ tàn sát bài Do Thái do Hamas thực hiện vào ngày 7/10. Tổ chức khủng bố này đã nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công tàn bạo nhằm vào dân thường, đã tự ghi lại, phổ biến và tôn vinh những tội ác đi kèm với tra tấn và bạo lực tình dục man rợ”.

Về Israel, Bộ Ngoại giao Pháp chỉ ra trong một tuyên bố rằng, “Pháp đã cảnh báo trong nhiều tháng về sự cần thiết phải tuân thủ nghiêm ngặt luật nhân đạo quốc tế, đặc biệt là những thương vong dân sự không thể chấp nhận được và khả năng tiếp cận không đủ viện trợ nhân đạo ở Dải Gaza”.

Chính quyền Paris nhấn mạnh một “giải pháp chính trị lâu dài” là cách “duy nhất” để “thiết lập lại triển vọng hòa bình”.

Công tố viên ICC Karim Khan hôm thứ Hai cho biết ông đã yêu cầu lệnh bắt giữ Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Galante, cáo buộc họ các tội danh liên quan đến hành động của Israel tại Gaza bao gồm “cố ý làm cho dân thường phải đói”, “giết hại cố ý” “tàn sát và/hoặc âm mưu giết hại”.

Công tố viên Karim Khan cũng kêu gọi truy tố ba thủ lĩnh cấp cao của Hamas, bao gồm Ismail Haniyeh, Muhammad Deif và Yahya Sinwar, liên quan các tội danh như “diệt chủng”, “hiếp dâm và các hình thức bạo lực tình dục khác”, và “bắt giữ con tin”.

Paris ủng hộ ICC, nhưng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bảo vệ Israel trước công lý quốc tế, gọi yêu cầu lệnh bắt giữ lãnh đạo nước này là “thái quá”. Người đứng đầu bộ phận đối ngoại của ông là Antony Blinken đã tuyên bố hành động của công tố viên là “một sự ô nhục”.

Tại Pháp hôm thứ Hai, một số nhà lãnh đạo cánh tả hoan nghênh thông báo của ICC. Tuy nhiên, lãnh đạo một số đảng cánh hữu và cực hữu lớn ở Pháp phản đối việc công tố viên ICC đánh đồng Hamas với Israel.

Hội đồng đại diện các tổ chức Do Thái ở Pháp (Crif) hôm thứ Ba (21/5) than thở: “Làm sao Pháp có thể chấp nhận lệnh bắt giữ từ công tố viên của ICC, vốn đánh đồng Israel với Hamas?”

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian vào thứ Ba đã lên tiếng tại Quốc hội Pháp để làm sáng tỏ rằng, “Không thể đồng nhất Hamas với Israel trong việc ban hành các lệnh bắt giữ cùng lúc… Các thẩm phán ICC bây giờ phải quyết định xem có ban hành lệnh bắt giữ này hay không. Họ sẽ ra phán quyết hoàn toàn độc lập”.