La Quán Thông: Dọa nạt không thể làm chùn bước
- Tùng Nhi
- •
Sau khi Hồng Kông chuyển giao chủ quyền, quan chức Chính phủ Hồng Kông bắt chước theo quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), người nào cũng giống như “chiến lang nhập thân”. La Quán Thông, cựu Chủ tịch đảng Demosisto Hồng Kông (đã giải thể), hiện đang lưu vong tại Anh, mới đây cũng đã hồi đáp lại phát biểu của ông Lý Gia Siêu (cục trưởng Cục Bảo an Hồng Kông) về vấn đề người tị nạn Hồng Kông. La Quán Thông đã chỉ trích ông Lý Gia Siêu chỉ biết diễn tư thế “chiến lang”, cố gắng dùng dọa nạt để khiến những người đấu tranh dân chủ chùn bước, tuy nhiên phương pháp này không dùng được – “Tôi đã sớm chuẩn bị đọ sức với ĐCSTQ trong vài thập kỷ tới rồi”.
Số liệu được ông Lý Gia Siêu công bố mới đây cho thấy, từ khi thực thi Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông, cơ quan an ninh quốc gia đã bắt giữ 107 người, 57 người bị truy tố. Sau khi Luật An ninh Quốc gia thực thi, có nhiều người thuộc phe dân chủ và nhà hoạt động xã hội đã đào thoát ra nước ngoài. Khi được hỏi về việc liệu có dẫn độ những người bị truy nã về Hồng Kông hay không, ông Lý Gia Siêu tuyên bố, phương pháp nào cũng đều sẽ được sử dụng, trong thời điểm thích hợp sẽ sử dụng biện pháp thích hợp. Ông còn cảnh báo những nhà hoạt động xã hội đang ở nước ngoài, “Quan hệ quốc tế thiên biến vạn hóa, khi bạn có giá trị chính trị, có thể (nước ngoài) sẽ chiếu cố bạn, nhưng khi quan hệ quốc tế biến đổi khiến bạn hết giá trị lợi dụng, thì có thể ‘dùng xong rồi bỏ’, nhưng điều chắc chắn là chúng tôi nhất định sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự của họ suốt cuộc đời họ.”
La Quán Thông, cựu Chủ tịch đảng Demosisto Hồng Kông (đã giải thể), hiện đang lưu vong tại Vương quốc Anh đã có bài viết trên Facebook chỉ ra, đọc được những ngôn luận của ông Lý Gia Siêu, đầu óc bất chợt có chút mơ hồ. La Quán Thông cho biết, bản thân là một người tị nạn chính trị, được Vương quốc Anh bảo hộ theo quy phạm của “Công ước Vị thế người tị nạn”, do đó không hiểu điều mà ông Lý Gia Siêu nói “dùng xong rồi bỏ” là chỉ điều gì? “Lẽ nào vì quan hệ quốc tế sau này có chuyển biến mà Chính phủ Anh sẽ hủy bỏ tư cách tị nạn của tôi?”
La Quán Thông nói, Chính phủ Anh đưa ra quy chế tị nạn, không phải dựa vào việc người xin cấp tị nạn có bất cứ tư bản chính trị nào có thể cung cấp cho họ sử dụng, mà là vì người xin cấp tị nạn này ở khu vực hoặc quốc gia sở tại của họ gặp phải bức hại. Vương quốc Anh là nước ký vào công ước nói trên, nên sẽ thực hiện nghĩa vụ và chức trách, dùng phương thức nhân đạo để hỗ trợ người tị nạn phù hợp tiêu chuẩn thoát khỏi hoàn cảnh nguy hiểm.
Căn cứ công ước, định nghĩa người tị nạn như sau:
“Bất cứ người nào có lý do chính đáng dẫn đến sợ hãi, bị bức hại bởi các nguyên nhân chủng tộc, quốc tịch, thân phận thành viên của đoàn thể xã hội đặc định hoặc kiến giải chính trị, vì thế mà phải cư trú ở bên ngoài quốc gia của người đó, do sự sợ hãi của người đó mà không nguyện ý chấp nhận sự bảo hộ của quốc gia mình.”
La Quán Thông phê bình rằng loại tư duy “bởi vì có giá trị lợi dụng nên mới được chấp thuận tư cách tị nạn” là logic “tham lam lợi ích mà không màng đến tất cả” của ĐCSTQ, hoàn toàn không thích hợp dùng để nói về các trường hợp các nước trên thế giới tiếp nhận người đấu tranh Hồng Kông. Anh cho biết, cùng với việc ngày càng nhiều người Hồng Kông lưu vong ở nước ngoài được chấp thuận tư cách tị nạn, cũng đã chứng minh các quốc gia xét duyệt những hồ sơ này đều cho rằng người đấu tranh Hồng Kông đã bị bức hại vì chính kiến của mình; tiếp nhận người đấu tranh Hồng Kông chính là bỏ một lá phiếu bất tín nhiệm đối với chế độ chính trị Hồng Kông, và cả việc ĐCSTQ can dự vào nền tự trị Hồng Kông.
La Quán Thông tiếp tục chỉ ra, những ngôn luận này của ông Lý Gia Siêu đã phơi bày sự không hiểu biết của ông đối với chế độ tị nạn, chỉ biết dùng khẩu khí “chiến lang” để thể hiện mà thôi; đồng thời cũng phản ánh sự khiếp đảm của chính quyền đối với những phê bình của nước ngoài, không nguyện ý tiếp nhận thái độ của các quốc gia dân chủ cho rằng Hồng Kông tồn tại đàn áp chính trị. La Quán Thông nói thẳng, là người lưu vong, bản thân đã sớm có dự tính nhiều năm sẽ không cách nào quay trở lại Hồng Kông. Thông qua hàng loạt những hoạt động kiến nghị vào năm ngoái, anh đã kêu gọi thành công tất cả các nước phản đối Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông hủy bỏ thỏa thuận dẫn độ với Hồng Kông.
Anh cho biết, ông Lý Gia Siêu có ý đồ dùng dọa nạt để khiến những người đấu tranh chùn bước, phương pháp dọa nạt này không thể thành công – “Tôi đã sớm chuẩn bị đọ sức với ĐCSTQ trong vài thập kỷ tới rồi”.
Lý Tùng Nhi, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa La Quán Thông luật an ninh Hồng Kông