Lo án tử hình, công ty nước ngoài cân nhắc ‘di tản’ nhân viên Đài Loan khỏi TQ
- Theo RFI
- •
Sau khi Chính phủ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho biết họ có thể áp dụng án tử hình đối với những người “cứng rắn” theo chủ nghĩa ly khai ủng hộ Đài Loan độc lập, một số công ty nước ngoài đang xem xét chuyển nhân viên Đài Loan ra khỏi Trung Quốc.
Reuters dẫn lời 4 người quen thuộc với vấn đề này cho biết hôm 4/7 rằng các quy định mới của ĐCSTQ liên quan đến án tử hình đối với các nhà hoạt động cho độc lập của Đài Loan, khiến một số kiều bào Đài Loan và các công ty đa quốc gia nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc phải gấp rút đánh giá rủi ro pháp lý trong vấn đề này. Những nguồn tin liên quan bao gồm từ một luật sư và hai giám đốc điều hành.
Theo luật sư James Zimmerman, một đối tác tại công ty luật Perkins Coie ở Bắc Kinh, “Một số công ty đã đến gặp chúng tôi để đánh giá rủi ro đối với nhân viên của họ”. Vì bảo mật thông tin khách hàng, ông từ chối nêu tên các công ty cũng như ngành nghề của công ty.
Ông Zimmerman cho biết: “Các công ty này vẫn lo ngại về một số vấn đề nhạy cảm, chẳng hạn như liệu việc đăng một bài đăng vô hại trên mạng xã hội hay bỏ phiếu cho một đảng hoặc ứng cử viên nào đó trong cuộc bầu cử ở Đài Loan… có thể bị đặt dấu hỏi về ủng hộ nền độc lập của Đài Loan hay không”.
Nhiều công ty đa quốc gia ở Trung Quốc thuê nhân viên Đài Loan vì kỹ năng ngôn ngữ và sự quen thuộc với văn hóa Trung Quốc. Theo cuộc khảo sát gần đây nhất của Chính phủ Đài Loan, vào năm 2022 có khoảng 177.000 người Đài Loan đang làm việc tại Trung Quốc.
Chính phủ Đài Loan ước tính các công ty Đài Loan đã đầu tư hơn 200 tỷ USD vào Trung Quốc kể từ năm 1991, giúp Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Một số công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc đã tổ chức các cuộc họp với nhân viên về các vấn đề an ninh – hai nguồn tin cho biết với điều kiện giấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề.
Một người khác quen thuộc với vấn đề này cho biết, một số nhân viên Đài Loan ở Trung Quốc đã được đề nghị và chấp nhận phương án rời khỏi Trung Quốc.
“Chỉ nhắm vào một số rất ít người”
Trung Quốc coi Đài Loan được quản lý dân chủ là lãnh thổ của Trung Quốc. Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh, nói rằng chỉ người dân Đài Loan mới có thể tự quyết định tương lai của mình. Ông lên án các quy định mới của ĐCSTQ.
Phạm vi hình sự hóa được ghi trong các quy định do ĐCSTQ ban hành ngày 21/6 bao gồm: Thúc đẩy Đài Loan trở thành thành viên của các tổ chức quốc tế theo vị thế là quốc gia độc lập; hoạt động ngoại giao với nước ngoài trên cơ sở địa vị “quốc gia Đài Loan”; gây áp lực đối với các đảng phái, nhóm và cá nhân chính trị thúc đẩy thống nhất Đài Loan vào Trung Quốc.
Các chuyên gia pháp lý cho rằng việc bị kết tội còn bao gồm những nỗ lực khác nhằm tách Đài Loan khỏi Trung Quốc, kiểu dùng ngôn ngữ pháp lý mù mờ sẽ cho phép Bắc Kinh giải thích linh hoạt và nội hàm rộng rãi trong quy tắc họ áp dụng về vấn đề này. Điều khoản pháp lý liên quan này không thể lường rõ trường hợp như thế nào có thể bị kết án tử hình. Chỉ biết theo quy định rằng, “lãnh đạo hoặc người phạm tội nghiêm trọng, gây tổn hại đặc biệt nghiêm trọng cho đất nước, nhân dân và tình tiết đặc biệt ghê tởm, có thể bị kết án tử hình”.
Khi được hỏi các doanh nghiệp và nhân viên Đài Loan phản ứng thế nào với quy định này, Bộ Ngoại giao ĐCSTQ nói với Reuters trong một tuyên bố: “Việc áp dụng các biện pháp hình sự để trừng phạt tội phạm ly khai và bảo vệ lợi ích cốt lõi của đất nước là thông lệ của tất cả các nước trên thế giới”.
Bộ Ngoại giao ĐCSTQ cũng cho biết: “Cần phải nhấn mạnh rằng các văn bản lập pháp liên quan nhắm vào một số lượng rất nhỏ phần tử cứng rắn ủng hộ ‘Đài Loan độc lập’ thông qua các hoạt động thúc đẩy ly khai của họ, không liên quan đến đại đa số đồng bào Đài Loan”.
Văn phòng Sự vụ Đài Loan của ĐCSTQ đã không trả lời yêu cầu bình luận. Tuần trước họ cho hay rằng đại đa số đồng bào Đài Loan không cần phải lo lắng.
Trong một tuyên bố, Cơ quan phụ trách chính của Đài Loan về quan hệ giữa Đài Bắc và Bắc Kinh là Hội đồng các vấn đề Trung Quốc (MAC) nói với Reuters: “Chính phủ Đài Loan nhắc nhở các doanh nhân và nhân viên Đài Loan ở Trung Quốc rằng, ngay bây giờ họ phải chú ý hơn đến an toàn cá nhân vì rủi ro thực sự đang gia tăng”.
Tuần trước, ủy ban này kêu gọi người dân Đài Loan tránh đi du lịch không cần thiết đến Trung Quốc và các vùng tự trị của Trung Quốc như Hồng Kông và Ma Cao. Ủy ban cũng cho biết vào tháng trước rằng trong năm qua có 8 sĩ quan quân đội và cảnh sát Đài Loan nghỉ hưu đã bị giam giữ sau khi họ thăm Trung Quốc. Năm ngoái, ủy ban đã cảnh báo rằng một số học giả Đài Loan đã bị giam giữ và thẩm vấn khi vào Trung Quốc, cho dù họ đang tham gia các chương trình trao đổi học giả chính thức giữa Đài Loan và Trung Quốc.
“Đánh giá rủi ro hàng ngày”
Một trong những doanh nhân được Reuters phỏng vấn (làm dịch vụ cho các nhà đầu tư Đài Loan tại Trung Quốc) cho biết, sau khi ĐCSTQ công bố các quy định mới thì ông không ngừng nhận được điện thoại hỏi han tình hình, mọi người dò xem vấn đề có thể ảnh hưởng như thế nào đối với công việc của họ.
Ông cho biết, sau các biện pháp như luật phản gián và luật an ninh quốc gia của ĐCSTQ, các quy tắc mới này làm tăng thêm lo ngại trong hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc của người Đài Loan.
Một quản lý cấp cao khác (làm việc cho một công ty đa quốc gia lớn) cho biết, các quản lý cấp cao người Đài Loan của công ty ông thường xuyên sang Trung Quốc công tác. Công ty đã họp thường xuyên với các quản lý cấp cao để đánh giá rủi ro và liệu có nên rút nhân sự làm việc tại Trung Quốc hay không. Người này nói: “Chưa đến mức chúng tôi quyết định không cho nhân sự Đài Loan đi Trung Quốc, nhưng mỗi ngày chúng tôi đang xem xét và đánh giá rủi ro [để sẵn sàng cho quyết định đó]”.
Nhà nghiên cứu Wen-Ti Sung tại Trung tâm Trung Quốc Toàn cầu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương (một tổ chức nghiên cứu của Mỹ) chia sẻ, các quy định của Bắc Kinh sẽ buộc các công ty nước ngoài “hoặc chuyển hoàn toàn hoạt động ra khỏi đất nước để giữ chân nhân tài Đài Loan, hoặc ngừng tuyển dụng nhân tài Đài Loan”.
Wen-Ti Sung chỉ ra rằng điều này có nghĩa là “sẽ có ít người Đài Loan làm việc hoặc sinh sống ở Trung Quốc hơn, khiến nỗ lực của Bắc Kinh nhằm chiếm được tình cảm của người Đài Loan trở nên khó khăn hơn”.
ĐCSTQ lên án tân Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức là “kẻ ly khai”, họ đã tổ chức các cuộc tập trận răn đe ngay sau khi ông nhậm chức vào tháng 5. Kể từ khi ông Lại Thanh Đức giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 1, Đài Loan đã phàn nàn về áp lực gia tăng từ Trung Quốc, bao gồm các hành động quân sự liên tục, các lệnh trừng phạt thương mại và tuần tra bảo vệ bờ biển xung quanh các đảo do Đài Loan kiểm soát gần Trung Quốc.
Ông Lại Thanh Đức nhiều lần đề nghị đàm phán với Trung Quốc nhưng bị từ chối.
Từ khóa Quan hệ Trung Quốc - Đài Loan Đài Loan