LS Ellis: Các nghị viện bang đóng vai trò quan trọng trên con đường chiến thắng của TT Trump
- Đức Thiện
- •
Bà Jenna Ellis, luật sư của Tổng thống Donald Trump, hôm 16/12 nói với The Epoch Times rằng con đường chiến thắng trong cuộc bầu cử 2020 của Tổng thống Donald Trump chạy qua nghị viện của các tiểu bang Pennsylvania, Georgia, Michigan, Wisconsin, Nevada, và Arizona.
Trao đổi với chương trình ‘American Thought Leaders’ của The Epoch Times hôm 16/12, luật sư Ellis sử dụng bang Pennsylvania làm ví dụ. Cô nói rằng cơ quan lập pháp của bang này đã đệ trình bản “thân hữu tòa án” lên Tối cao Pháp viện để ủng hộ bang Texas kiện 4 bang khác có bất thường và gian lận bầu cử.
“Một trong những điều tuyệt vời xuất phát từ vụ kiện [của Texas] là Cơ quan Lập pháp bang Pennsylvania, lãnh đạo của cả Hạ viện và Thượng viện, đã đệ trình một bản ‘thân hữu tòa án’ lên Tối cao Pháp viện và nói với Tối cao Pháp viện rằng họ đồng ý với bang Texas rằng các bộ luật của tiểu bang họ về việc điều hành cuộc bầu cử 2020 đã không được tuân thủ”, cô Ellis nói.
“Điều đó cho phép họ cơ bản thông qua các cuộc điều tra của họ, các hồ sơ của họ, tất cả lời khai chứng và bằng chứng mà thị trưởng [Giuliani] và cá nhân tôi đã trình bày tại buổi khai chứng, để [Cơ quan Lập pháp] Pennsylvania giành lại quyền lực theo Điều II Khoản 1.2 của Hiến pháp Hoa Kỳ, họ có thể giành lại quyền chọn danh sách cử tri đoàn”, cô Ellis nói thêm.
“Và do đó họ có mọi cơ hội để triệu tập một phiên họp về cử tri đoàn nhằm mục đích bỏ phiếu chọn danh sách cử tri đoàn nào mà họ sẽ gửi đi [tới Quốc hội liên bang]. Vì vậy, đó là những gì nên xảy ra tại mỗi bang trong 6 bang này trước ngày 6/1”, cô Ellis nhấn mạnh.
Luật sư Ellis đưa ra phát biểu nêu trên để phản hồi cho câu hỏi rằng chiến dịch Trump hình dung mọi việc sẽ diễn ra thế nào sau khi Cử tri đoàn vào ngày 14/12 đã bỏ phiếu bầu tổng thống. Cô Ellis nhấn mạnh rằng các đại cử tri của Đảng Cộng hòa tại 6 bang chiến địa và bang New Mexico cũng đã tổ chức bỏ phiếu và họ bầu cho Tổng thống Trump. Như vậy, trong cuộc bầu cử 2020 lần này, 7 tiểu bang có hai cuộc bỏ phiếu của hai nhóm cử tri đoàn, bầu cho hai ứng viên khác nhau. Đây là kịch bản bầu cử lần đầu tiên xảy ra trong nhiều thập kỷ qua.
Các thống đốc của 7 tiểu bang nêu trên đã xác thực các cử tri đoàn bầu cho ứng viên Biden. Nhưng các cơ quan lập pháp của các tiểu bang này hoàn toàn có thể triệu tập các phiên họp lập pháp đặc biệt để chứng thực cho các lá phiếu cử tri đoàn đã bầu cho Tổng thống Trump.
“Tôi biết rằng Georgia đang xem xét điều này rất sát. Michigan, Arizona và Wisconsin cũng vậy”, cô Ellis nói.
Luật sư của Tổng thống Trump tự tin khẳng định: “Tôi cho rằng một khi một bang thực sự triệu tập phiên họp đặc biệt về cử tri đoàn và sẵn sàng bỏ phiếu với đa số tối thiểu để thông qua nghị quyết [giành quyền chọn cử tri đoàn], và nói, ‘chúng tôi sẽ không cho phép các xác nhận sai trái và lũng đoạn thắng thế về cách chúng ta lựa chọn cử tri đoàn’… Nếu một tiểu bang sẵn sàng làm thế, tôi tin những bang khác sẽ làm theo”.
Vào ngày 6/1 tới đây, Hạ viện và Thượng viện liên bang sẽ tổ chức phiên họp hỗn hợp đặc biệt do Phó Tổng thống Mike Pence chủ trì để kiểm và xác nhận phiếu đại cử tri được gửi đến từ 50 bang và Đặc khu Columbia, nơi đặt thủ đô Washington DC.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Kelly Loeffler (bang Georgia) – người đang phải tham gia vào cuộc bầu cử thượng viện vòng hai vào ngày 5/1 – hôm 16/12 đã xác nhận rằng bà để ngỏ việc phản đối các phiếu đại cử tri trong cuộc họp Quốc hội hỗn hợp vào ngày 6/1.
Bên cạnh bà Loeffler, các thượng nghị sĩ Cộng hòa khác như Josh Hawley (bang Missouri), Ron Johnson (bang Wisconsin), và Rand Paul (bang Kentucky) cũng nói rằng họ để ngỏ việc phản đối phiếu cử tri đoàn. Những phát ngôn viên của các thượng nghị sĩ Cộng hòa khác, kể các thượng nghị sĩ đắc cử, chưa đưa ra phản hồi khi được truyền thông hỏi về việc họ có ý định tham gia vào việc phản đối phiếu cử tri đoàn hay không. Trong khi, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitt Romney (bang Utah) – một người chống Tổng thống Trump – đã khẳng định ông không ủng hộ nỗ lực đảo ngược phiếu cử tri đoàn.
Theo The Epoch Times, ít nhất đã có 4 Dân biểu xác nhận sẽ đưa ra ý kiến phản đối phiếu cử tri đoàn trong cuộc họp ngày 6/1.
Dân biểu đắc cử Marjorie Taylor Greene (bang Georgia) tuần trước đã nói với The Epoch Times: “Tôi sống cả đời tại Georgia và tôi biết sự thực rằng Georgia đã không bầu ông Joe Biden làm tổng thống. Chúng tôi đã tái bầu Tổng thống Trump”.
Cùng với bà Marjorie Taylor Greene, các dân biểu đắc cử Bob Good (bang Virginia), Barry Moore (bang Alabama) và Mo Brooks (bang Alabama) cũng nói rằng họ sẽ phản đối các phiếu đại cử tri.
Trong phiên họp Quốc hội hỗn hợp hôm 6/1, các nhà lập pháp có thể đệ trình phản đối các phiếu đại cử tri. Những phản đối này phải được gửi bằng văn bản và ít nhất có một Dân biểu và một Thượng nghị sĩ ký tên. Nếu điều đó xảy ra, các nhà lập pháp tại hai viện sẽ tổ chức họp riêng để đánh giá các lý lẽ của đơn phản đối hoặc nhiều đơn phản đối.
Hai viện sau đó sẽ bỏ phiếu riêng rẽ về kiến nghị phản đối phiếu cử tri đoàn. Nếu đa số trong mỗi viện bỏ phiếu ủng hộ phản đối, thì kiến nghị phản đối có hiệu lực và các phiếu đại cử tri bị vô hiệu hóa.
Đức Thiện
Xem thêm:
Từ khóa Gian lận bầu cử bầu cử Mỹ 2020 Dòng sự kiện Jenna Ellis