Hôm thứ Bảy, Bộ trưởng Ngoại giao Mexico Marcelo Ebrard bày tỏ mong muốn mở lại quan hệ với Triều Tiên sau khi chính phủ của ông lên tiếng ủng hộ chính phủ Cuba trong bối cảnh diễn ra các cuộc biểu tình quy mô lớn ở đảo quốc Caribe.

Embed from Getty Images

(Ảnh: Bộ trưởng Ngoại giao Mexico Marcelo Ebrard)

Sự ủng hộ của Mexico đối với chính phủ Cuba, cũng như mong muốn mở lại quan hệ với Triều Tiên, khiến nước này trở nên đối đầu với các nhà lãnh đạo ở Washington. Mỹ đã có quan hệ căng thẳng với chế độ cộng sản Cuba trong nhiều thập kỷ, trong khi về mặt kỹ thuật vẫn tiếp tục tình trạng “chiến tranh” với Triều Tiên bất chấp cuộc xung đột kết thúc không chính thức vào năm 1953. 

Ông Ebrard nói với các phóng viên bên lề cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc: “Chúng tôi có quan điểm không can thiệp trên toàn thế giới, chúng tôi tôn trọng tất cả các chính phủ và chúng tôi muốn mở lại mối quan hệ với Triều Tiên, giống như bất kỳ quốc gia nào khác,” Bloomberg đưa tin.

Đầu tuần này, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador đã đổ lỗi cho lệnh cấm vận của Hoa Kỳ đối với Cuba là nguyên nhân gây ra những thảm họa kinh tế của quốc gia này, vốn đã khuấy động các cuộc biểu tình quy mô lớn chống lại chính quyền cộng sản của quốc đảo. “Họ đang phải trải qua một tình huống khó khăn mà về cơ bản tôi cho rằng đó là do bị phong tỏa”, ông Lopez Obrador nói, Reuters đưa tin.

Ông Ebrard bày tỏ mong muốn làm “những gì có thể thay mặt cho toàn thể cộng đồng” ở Cuba trong bối cảnh các cuộc biểu tình.

Triều Tiên cũng bày tỏ sự ủng hộ trung thành đối với chính phủ độc tài Cuba. “Các cuộc biểu tình chống chính phủ xảy ra ở Cuba là kết quả của sự thao túng hậu trường của các thế lực bên ngoài, cùng với âm mưu phong tỏa dai dẳng chống Cuba nhằm xóa sổ chủ nghĩa xã hội và cuộc cách mạng”, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao nước này  cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu (16/7).

Hoa Kỳ đã duy trì lệnh cấm vận đối với Cuba kể từ những năm 1950, ngăn chặn hầu hết các công ty Hoa Kỳ kinh doanh với hòn đảo này. Lệnh cấm vận không ngăn cản các quốc gia khác buôn bán hoặc làm ăn ở Cuba; tuy nhiên, nó khuyến khích các thực thể này tránh các mối quan hệ kinh doanh ở đó. Những người chỉ trích lệnh cấm vận của Hoa Kỳ, bao gồm cả một số nhà lập pháp cấp tiến trong Quốc hội, cho rằng chính sách này là nhân tố chính đằng sau cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại đã dẫn đến việc hàng nghìn người xuống đường phản đối chính phủ.

Tổng thống Joe Biden đã bày tỏ sự ủng hộ đối với những người biểu tình chống chính phủ ở Cuba trong tuần qua.

“Chúng tôi sát cánh với người dân Cuba và lời kêu gọi khẩn thiết của họ đòi tự do và giải thoát khỏi sự kìm kẹp do đại dịch và nỗi thống khổ về kinh tế mà họ phải chịu bởi chế độ độc tài của Cuba. Nhân dân Cuba đang dũng cảm khẳng định những quyền cơ bản mà họ đáng được hưởng,” ông Biden cho biết trong một tuyên bố chính thức hôm thứ Hai.

“Các quyền đó, bao gồm quyền biểu tình hòa bình và quyền tự do xác định tương lai của mình, phải được tôn trọng. Hoa Kỳ kêu gọi chế độ Cuba lắng nghe người dân của họ và phục vụ nhu cầu của họ vào thời điểm quan trọng này hơn là làm giàu cho bản thân,” ông kêu gọi.

Cựu TT Donald Trump cũng bày tỏ sự ủng hộ với người biểu tình Cuba. Ông Trump đã thẳng thừng chỉ ra rằng chính chế độ cộng sản độc tài là nguyên nhân gây ra mọi sự bất bình và hỗn loạn ở Cuba.

Đối với vấn đề Triều Tiên, trong Chiến tranh Triều Tiên, Mỹ đã hậu thuẫn Hàn Quốc chống lại các nhà lãnh đạo độc tài của Triều Tiên vốn được Trung Quốc và Liên Xô (cũ) ủng hộ. Mặc dù xung đột kết thúc không chính thức vào năm 1953, nhưng không có thỏa thuận hòa bình chính thức nào đạt được và Mỹ duy trì khoảng 28.000 quân ở Hàn Quốc để củng cố lực lượng của đồng minh chủ chốt của mình.

Cựu Tổng thống Donald Trump đã cố gắng cải thiện quan hệ với Triều Tiên trong nỗ lực đưa quốc gia này trở thành phi hạt nhân hóa. Ông Trump trở thành tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên đặt chân đến đất nước này và gặp gỡ Nhà lãnh đạo tối cao Kim Jong Un nhiều lần, một bước đi ngoại giao táo bạo và đã kiềm chế được phần nào chính quyền Bình Nhưỡng. Trong khi đó, chính quyền Biden dường như đã quay trở lại chính sách truyền thống hơn của Hoa Kỳ đối với Triều Tiên.

Đông A (theo Newsweek)

Xem thêm: