Mục đích phía sau hàng loạt động thái ngoại giao của Bắc Triều Tiên
- Dương Mịch
- •
Khởi đầu với chuyến thăm Trung Quốc vào cuối tháng Ba, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đang bắt đầu một loạt hoạt động ngoại giao “tích cực”. Có phân tích cho rằng, Bắc Triều Tiên muốn xây dựng hình ảnh một quốc gia bình thường trước các hội nghị thượng đỉnh với Mỹ và Hàn Quốc để xua tan tâm lý cảnh giác của cộng đồng quốc tế.
Bắc Triều Tiên muốn thay đổi hình ảnh?
Theo Nikkei của Nhật Bản đưa tin, tối 01/4 ông Kim Jong-un và vợ Ri Sol-ju đã cùng nhau xem buổi biểu diễn của đoàn nghệ thuật Hàn Quốc, ông Kim Jong-un cũng cảm ơn vì đã hát ca khúc mà người cha Kim Jong Il của ông ta rất yêu thích.
Ngày 2/4, Phó Chủ tịch đảng Lao động Bắc Triều Tiên Kim Yong-chol đã xin lỗi phóng viên Hàn Quốc. Lý do là hầu hết các phóng viên Hàn Quốc không được phép đến thăm địa điểm buổi diễn vào ngày 1/4.
Tờ Nikkei có phân tích cho rằng, đây là cách để Bắc Triều Tiên tăng cường không khí hòa giải trước Hội nghị thượng đỉnh hai miền Triều Tiên ngày 27/4.
Ngoài ra, ngày 30/3 ông Kim Jong-un cũng hội đàm với Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) là Thomas Bach ngay tại Bắc Triều Tiên, bày tỏ hy vọng được tham gia Olympics Tokyo vào năm 2020 và Olympic Mùa đông Bắc Kinh 2022.
Có phân tích cho rằng, Bắc Triều Tiên đang hy vọng làm nổi bật hình ảnh một “đất nước bình thường” với cộng đồng quốc tế trước Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Bắc Triều Tiên. Việc ông Kim Jong-un và vợ tăng cường tham gia các sự kiện ngoại giao là xuất phát từ logic này.
Đồng thời, kết hợp với các hoạt động của ông Kim Jong-un, các hoạt động của Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên cũng trở nên sôi động hơn. Ngày 31/3, Thứ trưởng Ngoại giao Bắc Triều Tiên cũng đến thăm Singapore, các quan chức Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên cũng lên kế hoạch gặp các quan chức EU, có thể nhằm kêu gọi nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế. Ngoài ra, Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong-ho cũng đã có kế hoạch thăm Nga vào giữa tháng Tư này.
Nhiều nhận định chỉ ra, thay đổi thái độ của Kim Jong-un là hệ quả từ những trừng phạt kinh tế của cộng đồng quốc tế chống lại Bắc Triều Tiên.
Hay vì đang rơi vào cảnh khốn cùng?
Sau khi phóng viên của Tạp chí Phố Wall (Wall Street Journal) đi khảo sát thực tế dọc theo biên giới Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đã chỉ ra, lệnh trừng phạt làm nhiều nơi tại Bắc Triều Tiên bị cắt điện, giá cả leo thang, một số nhà máy ngừng hoạt động làm nhiều công nhân thất nghiệp, rõ ràng gây tác động không nhỏ cho nền kinh tế địa phương.
Giáo sư kinh tế Kim Byung-yeon tại Đại học Quốc gia Seoul thậm chí còn nói, kể từ tháng 3/2017, thâm hụt thương mại của Bắc Triều Tiên đã vào khoảng 1,5 tỷ Đô la Mỹ, nếu tình hình xuất khẩu không cải thiện, tiếp tục chi tiêu nguồn tiền mặt dự trữ, trường hợp sớm nhất là nền kinh tế Bắc Triều Tiên sẽ rơi vào thảm họa ngay trong năm nay.
Trước đó, Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Steven Mnuchin cho biết, một trong những lý do lớn nhất khiến Bắc Triều Tiên xuất hiện tại bàn đàm phán là các biện pháp chế tài kinh tế. Mỹ sẽ tiếp tục áp đặt lệnh trừng phạt lên Bắc Triều Tiên cho đến khi việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên được thực hiện hoàn toàn.
Không lâu sau khi ông Kim Jong-un thăm Trung Quốc, hôm thứ Sáu tuần trước (30/3) Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tuyên bố vẫn tiếp tục áp dụng biện pháp trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên. Trong đó đối tượng của lệnh trừng phạt gồm có 21 công ty vận tải biển và 27 tàu buôn lậu dầu và than bằng đường biển để giúp Bắc Triều Tiên tránh lệnh trừng phạt quốc tế.
Mặt khác, trả lời SCMP (South China Morning Post) tại Hồng Kông, cựu Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se cho biết, chuyến thăm của Kim Jong-un tới Trung Quốc và tuyên bố sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân có thể là một chiến thuật tranh thủ thời kéo dài gian. Ông nhắc nhở cộng đồng quốc tế, trước khi Bắc Triều Tiên không có hành động cụ thể gì, chớ nhượng bộ để lại rơi vào bẫy của Kim Jong-un.
Dương Mịch
Xem thêm:
Từ khóa Kim Jong Un Bắc Hàn Bắc Triều Tiên