Mỹ bán tên lửa đất đối không cho Đài Loan, gửi tín hiệu đến Trung Quốc
- Gia Huy
- •
Việc Nhà Trắng chuẩn thuận hợp đồng 5 tỷ USD bán vũ khí hiện đại cho Đài Loan vào tuần trước, bao gồm tên lửa đất đối không, máy bay không người lái và hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển, là dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ đang tăng cường hỗ trợ mạnh mẽ cho năng lực quốc phòng của đảo quốc chống lại nguy cơ Trung Quốc xâm lược. Theo các nhà phân tích, những vũ khí này sẽ lập tức tăng cường khả năng của Đài Loan chống lại các kịch bản tấn công của Trung Quốc.
Lưỡng đảng trong quốc hội Mỹ đều gần như ủng hộ chính thức đối với việc bảo vệ Đài Loan. Nếu Quốc hội Mỹ thông qua giao dịch này, Hoa Kỳ sẽ bán tổng cộng khoảng 17,5 tỷ USD vũ khí cho Đài Loan trong bốn năm cầm quyền của Tổng thống Donald Trump.
Theo các chuyên gia quân sự, những gói vũ khí đa dạng mà Mỹ bán cho Đài Loan giúp quốc đảo sẵn sàng tấn công đã cho thấy sự thay đổi trong chiến lược quân sự của Hoa Kỳ, đồng thời có thể khiêu khích Trung Quốc nhiều hơn thông thường.
Mặc dù Hoa Kỳ hiện vẫn từ chối tiết lộ công khai liệu họ có hỗ trợ quân sự cho Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc xâm lược hòn đảo này hay không, nhưng nhiều quan chức Nhà Trắng đã thảo luận nội bộ về việc chấm dứt chính sách “không rõ ràng” của Washington.
Tuy nhiên, việc bán vũ khí tự nó đã gửi một thông điệp. Tên lửa đất đối không SLAM-ER tầm xa do Boeing chế tạo có thể được sử dụng trong một cuộc phản công nhắm vào các mục tiêu ở Trung Quốc đại lục, hoặc về mặt lý thuyết, thậm chí ngay trong đợt tấn công đầu tiên.
Ông Dennis Weng, trợ lý giáo sư về khoa học chính trị của Đại học Sam Houston State, đồng thời là chuyên gia nghiên cứu quân sự Đài Loan, nói trên tờ Nikkei rằng: “Đó không phải là vũ khí phòng thủ. Hoa Kỳ đang cố gắng gửi một tín hiệu mạnh mẽ hơn.”
Washington có cam kết cung cấp vũ khí cho Đài Bắc như một phần trong Đạo luật Quan hệ Đài Loan đã được phê chuẩn sau khi Hoa Kỳ cắt đứt quan hệ ngoại giao với đảo quốc vào năm 1979.
Bà Yun Sun, giám đốc Chương trình Trung Quốc của Trung tâm Stimson, một tổ chức tư vấn chính phủ đặt tại Washington, mô tả những vũ khí bao gồm trong 5 thương vụ đã được phê chuẩn là “chính xác những gì Đài Loan sẽ cần trong một chiến lược phản công bất đối xứng chống lại Trung Quốc.”
Các quan chức và chuyên gia quân sự của cả Hoa Kỳ và Đài Loan từ lâu đã kêu gọi Đài Bắc phát triển năng lực quốc phòng để chống lại sự xâm lược của Trung Quốc. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien cho biết vào đầu tháng rằng Đài Loan nên giống như một “con nhím” quân sự và ông nói thêm rằng “sư tử nói chung không thích ăn nhím.”
Ông Su Tzu-yun, nhà phân tích của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia do chính phủ tài trợ, cho biết các tên lửa SLAM-ER và và tên lửa chống hạm đặt trên đất liền Harpoon do Boeing sản xuất có thể giúp Đài Loan “chiếm ưu thế trên không và trên biển một cách hạn chế” trong cuộc xung đột; trong khi đó máy bay không người lái MQ9 do General Atomics sản xuất sẽ “được sử dụng để quan sát chiến trường” trong trường hợp PLA phá hủy các radar của Đài Loan trong đợt tấn công đầu tiên.
Máy bay chiến đấu Trung Quốc trong hai tháng qua đã thường xuyên xâm phạm vùng nhận diện phòng không của Đài Loan trên Eo biển, dẫn đến cuộc tranh luận trong nội bộ Đài Loan về việc chuẩn bị quân sự sẵn sàng để đối phó với Trung Quốc.
Tuy vậy, vào ngày 10/10, vài ngày trước khi thương vụ bán vũ khí được công bố, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã có một bài phát biểu, trong đó bà từ chối sử dụng giọng điệu gây hấn và thay vào đó nhắc lại chính quyền của bà sẵn sàng đàm phán với chính quyền Bắc Kinh. Bài phát biểu được thực hiện vào ngày lễ quốc khánh của Đài Loan.
Theo chuyên gia Sun, đây là một hành động rất có tính toán của Đài Loan và là dấu hiệu quan trọng cho thấy Đài Loan không muốn điều này vượt khỏi tầm kiểm soát. “Không bên nào muốn gây chiến vào thời điểm này,” bà nhận định.
Gia Huy (theo Nikkei)
Xem thêm:
Từ khóa Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan Dòng sự kiện căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan