Mỹ muốn thắt chặt kiểm soát xuất khẩu chip sang Trung Quốc
- Lâm Phong
- •
Nhân kỷ niệm một năm chính quyền Biden ban hành các biện pháp kiểm soát toàn diện nhằm hạn chế xuất khẩu chip tiên tiến và công nghệ sản xuất chất bán dẫn sang Trung Quốc, Washington đang lên kế hoạch hoàn thiện hơn nữa các biện pháp này, bao gồm hạn chế xuất khẩu chip và thiết bị trí tuệ nhân tạo (AI) sang Trung Quốc. Các nhà phân tích chỉ ra rằng các biện pháp mới sẽ gây khó khăn hơn cho ngành công nghiệp chip nội địa của Trung Quốc, cùng với tác động của suy thoái kinh tế trong nước, ngay cả việc huy động vốn mà trước đây vẫn hoạt động tốt cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức rất lớn.
Mỹ sẽ tăng cường kiểm soát xuất khẩu chip sang Trung Quốc
Theo Reuters, chính quyền Biden đã thông báo cho Bắc Kinh về việc cập nhật một phần các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip đối với Trung Quốc được ban hành vào tháng 10 năm ngoái. Báo cáo dẫn lời các nguồn tin cho biết, các biện pháp mới nhằm phù hợp với các quy định liên quan do Hà Lan và Nhật Bản đưa ra, hạn chế xuất khẩu thêm thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc, đồng thời khắc phục một số lỗ hổng trong các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip trí tuệ nhân tạo.
Ông Paul Triolo, đối tác liên kết phụ trách chính sách Trung Quốc và công nghệ tại Tập đoàn Albright Stone, nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) rằng nội dung mà chính quyền Biden thông báo cho Trung Quốc chủ yếu dựa trên việc điều chỉnh chính sách của chính họ, căn cứ vào các ý kiến do Bộ Thương mại Mỹ thu thập kể từ khi đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip đối với Trung Quốc vào ngày 7/10 năm ngoái, cũng như bổ sung một số hạn chế đối với thiết bị sản xuất chip dựa trên các quy định liên quan do Hà Lan và Nhật Bản đưa ra. Trong khi đó, một phần khác liên quan đến các biện pháp kiểm soát mới đối với chip (GPU) AI vẫn đang được thảo luận, và khó có thể được công bố trong thời gian ngắn, nhằm tránh làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc trong lĩnh vực này.
“Chủ đề riêng biệt về các ngưỡng mới tiềm năng đối với giấy phép GPU tiên tiến vẫn đang được thảo luận, trong ngắn hạn có thể không được đưa vào bất kỳ cập nhật chính sách nào… Ngoài ra, một số cơ quan của Mỹ đang cảnh giác với vấn đề cạnh tranh công nghệ leo thang (với Trung Quốc), họ cho rằng việc tăng cường hạn chế đối với các công ty Trung Quốc như Huawei và SMIC chẳng có giá trị gì nhiều vào thời điểm này,” ông Paul Triolo nói trong email gửi VOA.
Chính quyền Biden vẫn chưa tiết lộ bất kỳ chi tiết nào về liên lạc của họ với Bắc Kinh trên các biện pháp này. Nhưng nhìn chung, việc báo cho Trung Quốc về các quy định cấm xuất khẩu là một phần trong nỗ lực của chính quyền Biden nhằm ổn định quan hệ Mỹ – Trung. Vào tháng 2 năm nay, Mỹ đã bắn hạ một khinh khí cầu do thám tầm cao của Trung Quốc do xâm phạm không phận Mỹ, khiến căng thẳng giữa hai nước leo thang nghiêm trọng. Để xoa dịu bầu không khí, hai bên thận trọng tiến hành các cuộc tiếp xúc ở nhiều cấp độ.
Hiện nay, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang có dấu hiệu tan băng. Chính quyền Biden cũng đang tiếp xúc với Bắc Kinh để đảm bảo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) vào tháng tới tại San Francisco (Mỹ) và cuộc gặp song phương với Tổng thống Biden. Ông Paul Triolo của Tập đoàn Albright Stone cho rằng các quan chức Mỹ hiện muốn đảm bảo rằng ông Biden và ông Tập Cận Bình có thể gặp nhau suôn sẻ tại APEC, điều này có thể ảnh hưởng đến thời điểm ban hành các quy định kiểm soát xuất khẩu mới.
Nguồn tin được Reuters trích dẫn cho biết, các quan chức Mỹ đã cố gắng tránh công bố các quy định trước khi diễn hội nghị thượng đỉnh vì họ cho rằng nó có thể ảnh hưởng đến sự tham dự của ông Tập Cận Bình tại cuộc họp. Họ lưu ý rằng bất kỳ quy tắc nào chưa sẵn sàng để công bố vào đầu tháng 10 có thể sẽ được giữ nguyên cho đến sau hội nghị thượng đỉnh để tránh tạo sự đối lập với Trung Quốc.
Ông Paul Triolo cho rằng nếu Mỹ thay đổi ngưỡng kỹ thuật đối với giấy phép xuất khẩu GPU, tức chip dùng cho trí tuệ nhân tạo, Chính phủ Trung Quốc dự kiến sẽ thực hiện các biện pháp trả đũa, có thể gây ra những căng thẳng mới cho mối quan hệ Mỹ – Trung hiện đang tan băng.
Các biện pháp đối phó của Trung Quốc còn hạn chế
Vào tháng 7 năm nay, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ – ông Tạ Phong, cảnh báo rằng Mỹ có thể thắt chặt hơn nữa lệnh cấm xuất khẩu chip sang Trung Quốc. Ông nói khi tham dự Diễn đàn An ninh Aspen: “Trung Quốc chắc chắn sẽ đáp trả”. Hồi tháng 8, Chính phủ Trung Quốc lấy lý do an ninh quốc gia để áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với hai dự án khoáng sản gali và germani dùng trong sản xuất chất bán dẫn; trước đó, Trung Quốc cũng tuyên bố cấm cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng trong nước mua các sản phẩm chip từ ‘gã khổng lồ’ bán dẫn Micron của Mỹ.
Nhưng những biện pháp đối phó này của Bắc Kinh được coi là có hiệu quả hạn chế. Các chuyên gia từ Viện Khoáng sản Quan trọng của Mỹ mô tả các biện pháp kiểm soát xuất khẩu gali và gecmani của Bắc Kinh là “con hổ giấy”. Ông Jack Lifton, đồng chủ tịch viện, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trước đó với VOA rằng tất cả các nước đều biết cách tinh chế và chế biến gali và germani. Mỹ không có ngành này vì mua từ Trung Quốc rẻ hơn, và nếu Trung Quốc một khi cắt đứt xuất khẩu, thì Mỹ hoàn toàn có khả năng thiết lập dây chuyền sản xuất germanium trong vòng 6 tháng.
Ngoài ra, đối sách của Chính phủ Trung Quốc là tăng cường đầu tư và nghiên cứu phát triển toàn bộ chuỗi công nghệ, thiết bị chip bán dẫn, trong nỗ lực “phi Mỹ hóa” hoàn toàn ngành công nghiệp chip bán dẫn, bước đi con đường “tự lực cánh sinh”, định hình lại hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) của ngành công nghiệp chip Trung Quốc.
Vào tháng 9, ‘gã khổng lồ’ thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei đã ra mắt điện thoại thông minh cao cấp được trang bị chip sản xuất tại Trung Quốc, có chức năng 5G, được coi là đã đạt được bước đột phá công nghệ nhất định.
Tech Insights, một tổ chức đánh giá khả năng tháo rời thiết bị (có trụ sở ở Canada), đã tiến hành tháo rời và phân tích điện thoại di động của Huawei vào ngày 4/9, cuối cùng họ kết luận rằng điện thoại di động này sử dụng chip 7 nanomet Kiri 9000s do SMIC sản xuất. Ông Dan Hutchesen, phó chủ tịch công ty này cho biết trong một tuyên bố: “Điều này cho thấy ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc có thể đạt được tiến bộ công nghệ mà không cần các công cụ in thạch bản EUV.”
Tuy nhiên, nếu không có công cụ sản xuất chip tiên tiến, bước đột phá công nghệ còn hạn chế này dường như đã đi đến hồi kết. Để đạt được trình độ xử lý chip 7 nanomet, SMIC sử dụng thế hệ thiết bị sản xuất chip trước đó, nhược điểm chí mạng của nó là chi phí cao, năng suất thấp và khó đạt được sản xuất hàng loạt.
Trung Quốc gặp khó trong việc huy động vốn
Ông Charles Wessner, cố vấn cấp cao của “Dự án Phục hưng Sáng tạo Mỹ” tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói với VOA rằng Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào sản xuất chất bán dẫn đồng thời cung cấp cho các công ty những khoản trợ cấp và ưu đãi thuế khổng lồ. “Theo một số nguồn tin, họ (Trung Quốc) đã cung cấp 150 tỷ USD trợ cấp chip vào năm 2022. Vào ngày 19/9, họ đã tăng tín dụng thuế đầu tư bán dẫn lên 20%. Có lẽ đến một lúc nào đó, họ sẽ đạt được thành công,” ông nói.
Reuters đưa tin vào ngày 5/9 rằng Trung Quốc đang tung ra một quỹ đầu tư mới do nhà nước hậu thuẫn nhằm huy động 300 tỷ nhân dân tệ (khoảng 41 tỷ USD) để hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn của nước này. Quỹ này là giai đoạn thứ ba của “Quỹ đầu tư công nghiệp vi mạch tích hợp Trung Quốc” (gọi tắt là Quỹ lớn). Những người quen thuộc với vấn đề này cho biết, giai đoạn thứ ba của quỹ này đã được chính quyền Trung Quốc phê duyệt vài tháng trước, lĩnh vực đầu tư chính sẽ là thiết bị chế tạo chip.
Tuy nhiên, ông Charles Wessner cho rằng Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài trước khi đạt được mục tiêu tự cung cấp chip cao cấp, trong trường hợp không có công nghệ và thiết bị sản xuất tiên tiến, việc đầu tư số tiền lớn sẽ không đảm bảo ngành bán dẫn của Trung Quốc có thể bắt kịp, chỉ có thể làm nhiễu loạn thị trường quốc tế.
“Họ vẫn còn rất lạc hậu, thiếu thiết kế tiên tiến, họ không có quy trình sản xuất tiên tiến nhất ở các tiết điểm (quy trình sản xuất chip) thấp hơn, nhưng họ có thể sẽ đầu tư mạnh vào cái mà chúng tôi gọi là các tiết điểm truyền thống hoặc các tiết điểm trên 20 nanomet,” ông nói “Nếu họ đầu tư quá mức như họ vẫn thường làm, điều này có thể dẫn đến làn sóng chip tiết điểm cao được trợ cấp tràn ngập thị trường và làm nhiễu loạn thương mại.” ông nói.
Giờ đây, bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, Trung Quốc dường như đang gặp phải sự cản trở trong việc huy động vốn, thế mạnh truyền thống của nước này. Theo Financial Times, giai đoạn thứ ba của kế hoạch “Quỹ lớn”, vòng tài trợ tham vọng nhất mà Trung Quốc đưa ra để hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn, cho đến nay, đã phải vật lộn để đạt được mục tiêu tài chính trong giai đoạn đầu. Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc, cơ quan chủ trì kế hoạch tài trợ, đã gặp khó khăn trong việc huy động nguồn vốn mục tiêu mới từ chính quyền địa phương và các doanh nghiệp nhà nước khi họ gặp khó khăn trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Ngoài ra, những người trong ngành và các nhà phân tích cũng cho biết, trước những hạn chế của Mỹ đối với việc tiếp cận công nghệ tiên tiến của ngành, cộng đồng doanh nghiệp không tình nguyện đầu tư lớn vào ngành này.
Tuy nhiên, ông Gary Hufbauer, một thành viên cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nói với VOA rằng chính quyền trung ương Trung Quốc có thể giúp đỡ khi thời cơ đến, nhưng điều này cũng có thể gây ra những vấn đề khác.
“Tôi có thể tưởng tượng họ gặp khó khăn trong việc huy động vốn và chính quyền trung ương bằng cách nào đó buộc các ngân hàng phải hỗ trợ công ty. Hay nói cách khác, cung cấp vốn theo cách nào đó vì họ cho rằng đó là một khoản chi phí hữu ích và vì không có hạn chế chính trị nào về số vốn mà họ lựa chọn rót vào, họ có thể lãng phí rất nhiều tiền trong quá trình đó, giống như họ đã làm với ngành thép trước đây,” ông nói.
Từ khóa Huawei chip Trung Quốc Ngành chip Trung Quốc công ty chip Trung Quốc