Mỹ nói Hàn Quốc đủ giàu để trả thêm tiền cho lính Mỹ bảo vệ
Tại Seoul, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nói đồng minh lâu năm Hàn Quốc của họ đủ giàu để có thể chia sẻ thêm chi phí cho việc duy trì binh lính Mỹ trên lãnh thổ nước này.
“Chúng ta có một liên minh rất vững mạnh, nhưng Hàn Quốc là một quốc gia giàu có và có thể và nên trả nhiều hơn để giúp bù đắp chi phí phòng thủ,” ông Esper nói trong một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Hàn Quốc, Jeong Kyeong-doo.
“Điều rất quan trọng là chúng ta hoàn tất thỏa ước quốc phòng với vấn đề chia sẻ gánh nặng với Cộng hòa Hàn Quốc trước cuối năm nay”.
Ông Esper nói rằng mặc dù Hàn Quốc đã cung cấp “sự hỗ trợ khá đủ trong quá khứ,” nhưng điều quan trọng cần chỉ ra là “phần lớn số tiền đó vẫn ở đây tại đất nước này – hơn 90% số tiền đó vẫn ở lại Hàn Quốc, Nó không đến Mỹ.”
Số tiền mà Hàn Quốc chi trả cho sự bảo vệ của khoảng 28.000 binh lính Mỹ thay đổi qua các năm. Năm 2019, con số này là gần 1 tỷ đôla. Ông Esper không tiết lộ về số tiền mà Mỹ đang đòi hỏi Hàn Quốc chi trả, nhưng nguồn tin từ truyền thông Hàn Quốc nói chính quyền Trump đang đòi tăng gấp năm lần, lên khoảng 4,7 tỷ đôla cho năm 2020. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc từ chối xác nhận con số này, nói Hàn Quốc sẵn sàng trả một khoản “công bằng và hợp lý.”
Trong cuộc họp báo, Esper cho biết các đòi hỏi của Mỹ về việc gánh thêm chi phí quốc phòng hơn không chỉ áp dụng với Hàn Quốc mà còn các đồng minh và đối tác trên toàn cầu.
Trước đó, truyền thông loan tin rằng Washington đang yêu cầu Tokyo tăng gấp 4 lần chi phí trả cho 54.000 lính Mỹ đang đồn trú tại Nhật, số tiền sẽ lên tới khoảng 8 tỷ USD.
Các cuộc thương thuyết về chi phí với đồng minh là vấn đề gây khó chịu và gây nhiều tranh cãi trong những liên minh của Mỹ. Chính quyền Trump thẳng thừng yêu cầu các nước trong liên minh từ Âu đến Á phải chi trả nhiều hơn cho việc phòng thủ của mình chứ không được tiếp tục phụ thuộc vào Mỹ.
Trong khi đó, nhằm thúc đẩy tiến trình đàm phán hòa bình với Bắc Hàn, Hoa Kỳ và Hàn Quốc hôm 17/11 tuyên bố hoãn cuộc tập trận sắp tới.
Bộ trưởng Esper bác bỏ ý kiến rằng quyết định này là một sự nhượng bộ đối với Bắc Triều Tiên.
“Tôi không coi đây là một sự nhượng bộ. Tôi coi đây là một nỗ lực thiện chí nhằm thúc đẩy hòa bình”, ông Esper nói với các phóng viên, với người đồng nhiệm Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo đứng bên.
“Tôi nghĩ rằng việc tạo ra thêm không gian để các nhà ngoại giao của chúng tôi đạt được một thỏa thuận về việc phi hạt nhân hóa bán đảo là điều rất quan trọng”.
Đức Trí (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa Hàn Quốc Bắc Hàn chi phí quốc phòng