Mỹ nói về nguyên nhân Nga không thể ngăn chặn dòng vũ khí viện trợ Ukraine
- Trình Văn
- •
Dòng vũ khí phương Tây tràn vào đã giúp Ukraine làm suy yếu giai đoạn tấn công đầu tiên của Nga, và sắp tới là ở Donbas miền đông Ukraine – trận chiến được cho là đóng vai trò mang tính quyết định. Vì sao quân Nga không thể ngăn chặn được hoạt động hỗ trợ vũ khí này?
Có thể thấy số lượng vũ khí hỗ trợ cho Ukraine ngày càng tăng và đến từ hàng chục nước. Chỉ riêng viện trợ của Mỹ cho Ukraine cũng đang không ngừng tăng lên: hơn 12.000 vũ khí để đánh bại xe bọc thép, khoảng 1.400 tên lửa Stinger vác vai để bắn hạ máy bay, hơn 50 triệu viên đạn…
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói với hãng tin AP vào thứ Ba (12/4) rằng chính quyền Tổng thống Biden đang chuẩn bị một gói hỗ trợ quân sự khác đa dạng hơn, tổng cộng có thể đến 750 triệu đô la và có thể được công bố trong những ngày tới. Quan chức giấu tên cho biết khoản viện trợ quân sự bổ sung cho thấy ý định của chính quyền Biden trong việc tiếp tục mở rộng hỗ trợ cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine nhằm chống lại cuộc xâm lược của Nga.
Sự hỗ trợ vũ trang từ Mỹ và phương Tây đã giúp quân đội Ukraine vốn thiếu thốn vũ trang nhưng đã đánh tan huyền thoại Nga: từng nghĩ quân đội Ukraine sẽ sớm đầu hàng và quân Nga sẽ sớm chiếm được thủ đô Kyiv của Ukraine và dựng lên một chính phủ bù nhìn thân Nga tại Ukraine. Nhưng diễn biến của cuộc chiến đã cho thấy sai lầm của những dự đoán trước đó, cả thế giới nhìn quân đội Ukraine với sự ngưỡng mộ, chiều ngược lại là quá bất ngờ về thực lực của quân đội Nga. Điều này được minh chứng rõ khi Tổng thống Nga Putin ra lệnh cho quân đội của ông ta từ bỏ mục tiêu quân sự chiếm Kyiv, ít nhất là cho đến lúc này.
Các quan chức và nhà phân tích của Mỹ đã đưa ra nhiều lời giải thích cho lý do tại sao Nga không thành công trong việc ngăn chặn việc vận chuyển vũ khí phương Tây qua đường bộ từ các nước láng giềng, bao gồm cả Ba Lan. Trong những lý do có thể như: Nga không kiểm soát được hoàn toàn bầu trời Ukraine đã hạn chế việc quân đội Nga sử dụng sức mạnh không quân; chính người Nga cũng gặp khó khăn trong việc vận chuyển vũ khí và vật tư cho quân đội của họ ở Ukraine.
Có ý kiến cho rằng các vấn đề của Nga trên chiến trường Ukraine cũng bắt nguồn từ các vấn đề trong nước của nước này. Theo hãng tin AP, Đô đốc Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu là James Stavridis, người từng là chỉ huy hàng đầu của NATO cho quân đội Mỹ ở châu Âu từ năm 2009 – 2013, cho biết: “Câu trả lời ngắn gọn cho câu hỏi này là họ là một đội quân quá yếu kém, tình trạng bất tài lãnh đạo nghiêm trọng từ cấp cao nhất”.
Ngoài ra, người Nga cũng phải đối mặt với những trở ngại thực tế khác, như Robert G.Bell, một quan chức NATO lâu năm và hiện là giáo sư quan hệ quốc tế tại Viện Sam Nunn (Sam Nunn School of International Affairs) Học viện Công nghệ Georgia (Mỹ) cho rằng những lô hàng vũ khí này có thể dễ dàng được che giấu hoặc ngụy trang theo những cách để người Nga khó nắm bắt, do quân Nga không có mạng lưới gián điệp tại hiện trường và không thể xác định chính xác chuyển động của đoàn xe chở vũ khí.
Thêm nữa, những xe tải chở đầy vũ khí mà người Nga muốn ngăn chặn chỉ là một phần nhỏ của luồng hàng hóa và thương mại lớn hơn qua Ba Lan vào Ukraine, cũng như ở các khu vực biên giới. Giáo sư Stephen Biddle chuyên về các vấn đề quốc tế và cộng đồng tại Đại học Columbia cho biết: “Việc ngăn chặn dòng viện trợ (vũ khí) này không hề dễ dàng như người ta tưởng. Những thứ như đạn dược và tên lửa vác vai có thể được vận chuyển trong những chiếc xe tải trông giống như bất kỳ chiếc xe tải thương mại nào khác”; “Vì người Nga phải tìm đúng xe chở vũ khí đạn dược trong dòng vận chuyển chung rất lớn này để từ đó mới nhắm mục tiêu phá hủy, họ không thể lãng phí đạn dược vốn khan hiếm để có thể nhắm thoải mái vào những chiếc xe tải đầy giấy in hoặc tã trẻ em hoặc không biết được đang chở gì”.
Hiển nhiên [có thể người Nga cũng nghĩ] ngay cả khi có sự hỗ trợ quân sự mạnh mẽ của phương Tây thì Ukraine cuối cùng khó có thể đánh bại được quân đội hùng mạnh của Nga. Chính quyền Biden đã đưa ra các giới hạn để ngăn quân đội Mỹ tham chiến. Thay vào đó, Tổng thống Biden đã lựa chọn phối hợp các biện pháp trừng phạt kinh tế và lên án của quốc tế đối với Nga, cung cấp cho Ukraine thông tin tình báo và vũ khí, đồng thời hỗ trợ các thành viên sườn phía đông của NATO ngăn chặn leo thang chiến tranh với Nga.
Hồi giữa tháng Ba, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cảnh báo rằng các chuyến hàng vũ khí từ phương Tây đến Ukraine sẽ là mục tiêu của quân đội Nga. Ông ta nói trong một bài phát biểu trên truyền hình: “Chúng tôi cảnh báo Mỹ rằng việc chuyển giao vũ khí từ nhiều nước tới Ukraine không chỉ là một động thái nguy hiểm mà còn là một hoạt động nhằm biến các đoàn xe tương ứng của họ thành các mục tiêu (tấn công) hợp pháp”.
Cho đến nay đã qua khoảng 7 tuần kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào ngày 24/2, nhưng dường như quân Nga không ưu tiên đánh chặn vũ khí, có thể là do lực lượng không quân của họ phải ứng phó hệ thống phòng không của Ukraine và phải thận trọng trong tìm kiếm xe tiếp tế đang di chuyển. Quân đội Nga đã tấn công một số địa điểm cố định, bao gồm các kho vũ khí và các địa điểm lưu trữ nhiên liệu ở Ukraine, nhưng hiệu quả có được là hạn chế.
Hôm thứ Hai (11/4), phía Nga cho biết họ đã phá hủy 4 bệ phóng tên lửa đất đối không S-300 của Ukraine do một nước châu Âu nào chưa rõ cung cấp cho Ukraine. Slovakia, một thành viên NATO có biên giới với Ukraine, chỉ tặng một hệ thống phòng không S-300 cho Ukraine vào tuần trước, trong khi Slovakia phủ nhận đã bị phá hủy. Hôm thứ Ba (12/4), Bộ Quốc phòng Nga cho biết tên lửa tầm xa của quân đội Nga đã bắn trúng hai kho đạn của Ukraine.
Khi giao tranh gia tăng ở khu vực Donbas miền đông Ukraine, có lẽ dọc theo hành lang ven biển đến bán đảo Crimea do Nga sáp nhập, có thể ông Putin cảm thấy buộc phải trấn áp các tuyến vũ khí ở đó, trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng lối đi này rất quan trọng đối với sự tồn vong của Ukraine.
Nhưng đồng thời, hầu như mỗi ngày đều có nguồn vật tư chiến tranh chuyển đến Ukraine ở mức độ rất lớn.
Thư ký báo chí John Kirby của Lầu Năm Góc – Bộ Quốc phòng Mỹ lưu ý rằng tổng số lượng vũ khí và các khoản viện trợ khác mà chính quyền Tổng thống Biden cung cấp cho Ukraine đã lên tới khoảng 2,5 tỷ USD, tương đương hơn một nửa ngân sách quốc phòng thông thường của Ukraine. Ông cho biết: “Phạm vi và tốc độ hỗ trợ của chúng tôi để đáp ứng nhu cầu quốc phòng của Ukraine là chưa từng có trong thời hiện đại”.
Lầu Năm Góc cho biết họ đã cung cấp cho Ukraine hơn 5.000 tên lửa Javelin, một trong những vũ khí hiệu quả nhất thế giới để chống lại xe tăng và các phương tiện bọc thép khác, thậm chí có thể bắn hạ một máy bay trực thăng bay thấp. Tên lửa Javelin có hình dạng giống như một quả tạ tay cồng kềnh, nặng 50 pound (23 kg), chỉ cần một người lính để bắn và bay ở một góc dốc từ ống phóng trước khi hạ xuống mục tiêu, đánh trúng đầu điểm yếu nhất của xe tăng, đây được gọi là cách bắn bóng đường cong.
Vì lý do an ninh, các tuyến đường cụ thể của viện trợ quân sự từ Mỹ và các nước phương Tây khác vào Ukraine được giữ bí mật, nhưng quy trình viện trợ quân sự cơ bản thì không. Lầu Năm Góc cho biết, chỉ trong tuần này, hai máy bay chở hàng quân sự của Mỹ đã đến Đông Âu với nguồn cung cấp từ súng máy và đạn dược cỡ nhỏ cho đến áo giáp và lựu đạn.
Cũng có những chuyến giao hàng tương tự vào cuối tuần này để hoàn thành khoản viện trợ quân sự 800 triệu USD cho Ukraine đã được Tổng thống Biden phê duyệt một tháng trước. Vận chuyển thực hiện theo cách binh sĩ Ukraine dỡ vũ khí và thiết bị từ máy bay chở hàng của quân đội Mỹ rồi chất lên xe tải và lái xe trở về Ukraine. Ông Kirby cho biết, sau khi vào Ukraine thì các nguồn cung cấp đôi khi chỉ trong vòng 48 tiếng là được đưa tới quân đội Ukraine trên chiến trường.
Từ khóa Dòng sự kiện Nga xâm lược Ukraine Chiến tranh Nga - Ukraine Mỹ viện trợ cho Ukraine viện trợ vũ khí cho Ukraine