Mỹ và Canada từ chối nhập cảnh nhiều sinh viên Trung Quốc
- Bình Minh
- •
Mới đây, 11 nữ sinh viên Trung Quốc đã bị từ chối nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Sự việc tương tự đã xảy ra ở Canada. Một số nhà bình luận cho rằng điều này báo hiệu một “cơn bão lớn” đang ập đến.
Theo truyền thông trong nước đưa tin, sinh viên Trung Quốc Mạnh Phi đã bay từ Bắc Kinh đến Washington, và hạ cánh vào ngày 19/12/2023 theo giờ địa phương.
Mạnh Phi bị Hải quan Hoa Kỳ giam giữ tại sân bay, bị đưa vào phòng tối trong 8 giờ và bị giam giữ trong một phòng biệt giam trong 12 giờ. Khi bay đến Los Angeles, trong khi chờ chuyến bay nối chuyến, cô lại bị giam giữ trong 5 giờ, sau đó bị đưa trở lại Bắc Kinh.
Ngày 24/11/2023, Ngụy Na từ Đại học Johns Hopkins, Hoa Kỳ và bạn cùng phòng của cô cũng bị nhốt trong phòng tối. Trong thời gian ghi hình chính thức, họ được hỏi liệu họ có gia nhập quân đội Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), có liên hệ gì với Bộ Giáo dục và có nhận được tài trợ của nhà nước từ Trung Quốc hay không.
Mặc dù các câu trả lời của cô đều là phủ định, nhưng viên thanh tra vẫn tuyên bố, thị thực F1 và B1/B2 của cô không còn hiệu lực và cô không được phép nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Họ sẽ đưa cô trở lại Trung Quốc trên chuyến bay sớm nhất có thể. Cô ấy sẽ phải xin thị thực mới để nhập cảnh lại.
Tháng 8/2023 cũng có thêm nhiều sinh viên Trung Quốc bị trục xuất. Một trong những sinh viên quốc tế đã bị các quan chức thực thi pháp luật Hoa Kỳ trục xuất vì tin nhắn của anh ta trong cuộc trò chuyện nhóm phần mềm xã hội ủng hộ việc Nga xâm chiếm Ukraine. Một sinh viên quốc tế khác đã bị trục xuất vì che giấu kinh nghiệm làm việc của mình trong tài liệu xin thị thực.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Năm (4/1), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân trả lời câu hỏi của các phóng viên rằng trong những tháng gần đây, hàng chục nhân viên Trung Quốc, bao gồm cả sinh viên quốc tế, đến Hoa Kỳ đã bị chính quyền Hoa Kỳ giam giữ. Trung Quốc không hài lòng với điều này và gọi việc chính quyền Trump thực thi Sắc lệnh 10043 là một “sai lầm”.
Thông tin công khai cho thấy, Sắc lệnh hành pháp số 10043 là sắc lệnh của tổng thống, được Tổng thống Mỹ Trump ký vào ngày 29/5/2020, nhằm mục đích cấm sinh viên Trung Quốc có quan hệ với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc lấy thị thực F hoặc thị thực J. Lệnh hành chính này có hiệu lực từ ngày 1/6/2020 cho đến ngày nay.
Thông cáo Tổng thống viết: “Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động rộng lớn sử dụng nhiều nguồn lực để có được công nghệ nhạy cảm và sở hữu trí tuệ của Mỹ, một phần là để tăng cường hiện đại hóa và năng lực quân đội của mình. Điều này là một sự đe dọa đối với sức sống lâu dài của kinh tế quốc gia chúng ta cũng như sự an toàn và đảm bảo của người Mỹ.”
Tất cả những sinh viên hoặc nghiên cứu viên Trung Quốc hiện tại có mối liên hệ hoặc từng có mối liên hệ với quân đội ĐCSTQ, rất có khả năng bị chính quyền ĐCSTQ lợi dụng hoặc tuyển chọn, điều này khiến cho Chính phủ Hoa Kỳ đặc biệt chú ý.
Ngày 10/9/2020, Reuters đưa tin thị thực của hàng nghìn công dân Trung Quốc đã bị thu hồi. Tháng 6/2021, trong một cuộc khảo sát về việc từ chối cấp thị thực với 310 sinh viên, hầu hết các sinh viên bị từ chối đều đã theo học tại “7 trường Quốc phòng” và Đại học Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh khi còn là sinh viên, hoặc được Ủy ban Quỹ Du học Quốc gia tài trợ.
Sau khi nhậm chức, tháng 5/2021, chính quyền Biden khôi phục việc cấp thị thực cho sinh viên Trung Quốc. Đồng thời, họ bắt đầu kiểm tra điện thoại di động của sinh viên Trung Quốc và hồi hương những sinh viên Trung Quốc có vấn đề.
Đại sứ quán Hoa Kỳ cũng xác nhận rằng Hoa Kỳ đã ngừng cấp thị thực cho vợ/chồng và con cái của các nhân viên tại ngũ tại Cục Di trú, Bộ An ninh và Bộ Công an của ĐCSTQ.
Canada nghi ngờ sinh viên Trung Quốc là “gián điệp tiềm năng”
Ngày 4/1, truyền thông Canada đưa tin, Tòa án Liên bang đã ra phán quyết rằng sinh viên khoa học và kỹ thuật Trung Quốc, Lý Được Khang (Yuekang Li) là “gián điệp tiềm năng” và bị cấm cảnh vào nhập học tại Đại học Waterloo ở Canada.
Một số nhà bình luận cho rằng, phán quyết này nêu bật việc Trung Quốc sử dụng sinh viên quốc tế để xâm nhập và đã làm dấy lên cảnh báo ở Canada. Trong tương lai, Canada có thể theo chân Hoa Kỳ ngăn chặn hành vi trộm cắp bí mật của Trung Quốc. Các trường đại học sẽ tăng cường xem xét lai lịch của sinh viên quốc tế Trung Quốc.
Đài Á Châu Tự do cũng phát hiện ra Lý Được Khang bị nghi đang theo học tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông. Sau sự việc trên, người này đã ngay lập tức xóa tài khoản Linked-in (trong đó có kinh nghiệm học tập của anh).
Chánh án Tòa án Liên bang Canada, ông Paul Crampton, cho biết Lý Được Khang phù hợp với định nghĩa về “gián điệp phi truyền thống”. Anh từng theo học đại học tại Đại học Bắc Kinh có quan hệ chặt chẽ với ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc. Lĩnh vực nghiên cứu của anh là vi lỏng, rất hữu dụng với ngành công nghiệp dược phẩm sinh học.
Trung Quốc được cho là nhắm mục tiêu vào các nhà khoa học và sinh viên để truyền tải thông tin thương mại và quân sự nhạy cảm.
Phán quyết cho biết, khi các chủ thể nhà nước thù địch ngày càng sử dụng các phương pháp phi truyền thống để lấy thông tin nhạy cảm ở Canada hoặc nước ngoài trái với lợi ích của Canada, sự hiểu biết của Tòa án về “hoạt động gián điệp” cần được tiếp tục phát triển.
Một báo cáo năm 2021 do “Globe and Mail” của Canada thu được cho thấy, do một số sinh viên bị cấm vào Hoa Kỳ, nên Bắc Kinh đang gửi một số sinh viên được nhận học bổng đến Canada, với mục đích thu được công nghệ cao quan trọng.
Chuyên gia: Có thể sắp xảy ra “bão lớn”
Cựu nhân viên truyền thông Trung Quốc, ông Triệu Lan Kiện, phân tích đây có thể là điềm báo trước cho một “cơn bão lớn”.
“2 tháng trước, ông Tập Cận Bình mời 50.000 sinh viên Mỹ sang Trung Quốc du học. Mỹ ngay lập tức tát vào mặt ông Tập, từ chối cho một số sinh viên Trung Quốc nhập cảnh. Phản ứng kích động như vậy hiếm khi xảy ra trong quan hệ quốc tế. Chắc hẳn quốc phòng Mỹ và cơ quan an ninh đã nhận thấy có nhiều hoạt động đáng ngờ hơn của Trung Quốc được triển khai tại Hoa Kỳ.”
Ông tin rằng động thái này của Hoa Kỳ nhằm leo thang hơn nữa mối quan hệ Trung-Mỹ theo các bước “đóng cửa Viện Khổng Tử”, “theo dõi Kế hoạch Ngàn Nhân tài”, “cấm các đồn cảnh sát Trung Quốc ở nước ngoài”, “truy tố các đặc vụ nước ngoài bất hợp pháp”, “hạn chế mua hàng tại những vùng đất nhạy cảm của Trung Quốc” và một loạt biện pháp hạn chế an toàn khác nhằm vào các du học sinh là những “tiểu phấn hồng” (thanh niên Trung Quốc yêu nước mù quáng).
Từ khóa sinh viên Trung Quốc du học sinh Trung Quốc