NATO “bật đèn xanh” cho Đức chuyển tên lửa Patriot tới Ukraine
- Thiện Chính
- •
Đức thảo luận với đồng minh về triển khai tên lửa Patriot tại Ukraine: NATO bật đèn xanh; Tổng thống Putin nói “chia sẻ nỗi đau mất con” và đừng tin “tin giả” khi gặp 17 bà mẹ các binh sĩ thiệt mạng ở Ukraine; Nga tăng cường dội tên lửa xuống Kherson, Ukraine báo cáo 10 dân thường thiệt mạng; Tổng thống Zelensky đề xuất áp giá dầu Nga 30 USD/thùng; Đức chuẩn bị tuyên bố Holodomor – nạn đói Ukraine gây ra bởi Stalin – là cuộc diệt chủng; Người hâm mộ Iran khóc nức nở và đám đông la ó khi các cầu thủ hát quốc ca… là các tin tức nổi bật trong Bản tin sáng 26/11 của Trí Thức VN.
Đức thảo luận với đồng minh về triển khai tên lửa Patriot tại Ukraine
Ngày 25/11, Đức cho biết đang thảo luận với đồng minh về việc triển khai tên lửa phòng không Patriot của họ tới Ukraine, do Ba Lan đề xướng.
“Chúng tôi đang thảo luận với các đồng minh của mình về cách xử lý đề xuất của Ba Lan”, người phát ngôn của chính phủ Đức cho biết hôm thứ Sáu, đề cập tới đề xuất của Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak rằng Đức nên chuyển hệ thống tên lửa phòng không Patriot tới Ukraine thay vì Ba Lan.
Berlin hồi đầu tuần đã đề nghị cung cấp cho Warsaw hệ thống Patriot để giúp bảo vệ không phận, sau khi một tên lửa đi lạc rơi xuống lãnh thổ Ba Lan khiến 2 người thiệt mạng vào tuần trước. Ba Lan ban đầu chấp nhận đề xuất triển khai tên lửa Patriot của Đức, nhưng sau đó đề nghị bố trí chúng tại Ukraine.
NATO “bật đèn xanh”
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết việc triển khai [các tổ hợp tên lửa phòng thủ] như vậy nên là “quyết định của từng quốc gia”.
“Đôi khi có thỏa thuận đối với người dùng cuối và những điều khác nên họ phải tham khảo ý kiến với các đồng minh. Tuy vậy, cuối cùng thì (quyết định) phải được chính phủ các quốc gia đó đưa ra”, ông Stoltenberg nói.
Patriot là hệ thống tên lửa đánh chặn đất đối không, do công ty Raytheon của Hoa Kỳ sản xuất.
Tổng thống Zelensky kêu gọi áp giá dầu Nga 30 USD/thùng
Trong bối cảnh chính phủ các nước EU và G7 chưa thống nhất về mức giá trần đối với dầu của Nga, Tổng thống Ukraine Zelensky cho rằng mức 30 USD/thùng là hợp lý.
“Chúng tôi đã nghe về đề xuất áp mức giá trần khoảng 60-70 USD/thùng. Điều đó giống sự nhượng bộ [đối với Nga]”, ông Zelensky nói trong một bài phát biểu qua video tại một hội nghị ở Litva hôm thứ Sáu. “Tôi biết ơn đồng nghiệp của chúng tôi tại các nước Baltic và Ba Lan về đề xuất của họ. Mức 30 USD/thùng dường như là một đề xuất tốt hơn”.
Các nước G7 hiện đang cân nhắc mức trần đối với dầu được vận chuyển bằng đường biển của Nga ở mức 65 đến 70 USD/thùng.
Giá trần sẽ là cơ sở cho lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 5/12, theo đó cấm các công ty vận chuyển hoặc cung cấp bảo hiểm cho các lô hàng dầu Nga được bán trên mức giá cố định. Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ và đồng minh vạch lộ trình cụ thể cho biện pháp áp trần giá dầu Nga.
Trong khi đó, Moscow tuyên bố sẽ không cung cấp dầu, khí đốt cho những nước áp giá trần, nhưng nói thêm rằng sẽ đưa ra quyết định cuối cùng sau khi phân tích tất cả số liệu.
Nga tăng cường dội tên lửa xuống Kherson; Ukraine báo cáo 10 dân thường thiệt mạng
Hôm thứ Sáu, một loạt tên lửa đã dội xuống thành phố Kherson, đánh dấu đợt tấn công leo thang rõ rệt kể từ khi các lực lượng Nga rút khỏi thành phố này hai tuần trước.
Thống đốc Kherson Yaroslav Yanushevych cho biết các cuộc tấn công bằng pháo kích của Nga đã giết chết 10 dân thường và làm bị thương 54 người khác.
“Người Nga nhắm mục tiêu vào các tòa nhà và căn hộ cá nhân, xưởng đóng tàu, một dãy trường học và đường ống dẫn khí đốt. Kẻ thù cũng đã bắn phá các khu định cư sau trong quận: Zelenivka, Chornobayivka và Stepanivka,” ông Yanushevych nói trên Telegram hôm thứ Sáu. “Thật không may, chúng ta có nạn nhân là thường dân. Quân Nga đã giết chết 10 cư dân của vùng Kherson và 54 người khác bị thương ở các mức độ nghiêm trọng khác nhau”.
Việc Nga nã pháo vào các khu vực Kherson vừa được quân đội Ukraine tái chiếm đã buộc chính quyền phải chuyển bệnh nhân đến các khu vực khác. Một số trẻ em đã được đưa đến thành phố Mykolayiv ở miền nam, và một số bệnh nhân tâm thần đã đến cảng Odessa ở Biển Đen, ông Yanushevych viết trên Telegram.
Ukraine “băng giá” dần khôi phục điện sau khi tái kết nối bốn nhà máy hạt nhân vào lưới điện
Ukraine đã dần khôi phục điện cho hàng triệu người đang trải qua những ngày khó khăn trong bóng tối lạnh giá, sau các cuộc không kích tàn khốc nhất của Nga cho đến nay, với việc tái kết nối bốn nhà máy hạt nhân của nước này vào lưới điện.
Nhà điều hành lưới điện quốc gia Ukrenergo cho biết, tính đến 7 giờ tối (giờ địa phương), 30% nguồn cung cấp điện vẫn chưa được khôi phục và đề nghị người dân sử dụng năng lượng tiết kiệm.
“Việc khôi phục hệ thống điện theo từng giai đoạn đang được tiếp tục. Các đội sửa chữa đang làm việc suốt ngày đêm”, công ty cho biết trong một tuyên bố trên Telegram.
Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đến thị trấn Vyshhorod ở phía bắc Kyiv vào thứ Sáu để xem xét một tòa nhà bốn tầng bị hư hại bởi tên lửa của Nga. Ông Zelensky cũng đến thăm một trong hàng nghìn trung tâm khẩn cấp mà Kyiv gọi là “bất khả chiến bại”, được thành lập để cung cấp nước, điện, nhiệt sưởi ấm và dịch vụ internet cho người dân.
“Cùng nhau, chúng ta sẽ có thể đi qua con đường khó khăn này cho đất nước của chúng ta. Chúng ta sẽ vượt qua mọi thử thách và chúng ta chắc chắn sẽ giành chiến thắng”, ông Zelensky nói trong một tuyên bố video.
Ông Zelensky chỉ trích thị trưởng Kyiv về các trung tâm khẩn cấp
Tuy vậy, Tổng thống Ukraine cho biết Thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko đã làm không tốt trong việc thiết lập những nơi trú ẩn khẩn cấp cho những cư dân không có điện và nhiệt sưởi.
“Thật không may, chính quyền địa phương đã không hoạt động tốt ở tất cả các thành phố. Đặc biệt, có rất nhiều lời phàn nàn ở Kyiv… Nói một cách nhẹ nhàng, cần phải làm nhiều việc hơn nữa,” ông Zelensky nói. “Hãy chú ý – người dân Kyiv cần được hỗ trợ nhiều hơn… rất nhiều người đã bị mất điện trong 20 hoặc thậm chí 30 giờ. Chúng tôi mong đợi công việc có chất lượng từ văn phòng thị trưởng.”
Moscow nói rằng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng cơ bản là hợp pháp về mặt quân sự và Kyiv có thể “chấm dứt sự đau khổ của người dân” nếu thuận theo các yêu cầu của Nga. Ukraine nói các cuộc tấn công nhằm gây đau khổ cho dân thường của Nga là tội ác chiến tranh.
Tổng thống Putin nói “chia sẻ nỗi đau mất con” và đừng tin “tin giả” khi gặp 17 bà mẹ các binh sĩ thiệt mạng ở Ukraine
Trong cuộc gặp với các bà mẹ của quân nhân Nga thiệt mạng, Tổng thống Putin nói rằng ông chia sẻ nỗi đau mất con của họ và nói họ đừng tin vào “tin giả” về cuộc chiến của Nga tại Ukraine.
Putin holds a meeting with the mothers of servicemen pic.twitter.com/rdFSgJtzTx
— ТРУХА⚡️English (@TpyxaNews) November 25, 2022
“Tôi muốn các bạn biết rằng, cá nhân tôi và toàn thể lãnh đạo đất nước – chúng tôi chia sẻ nỗi đau của các bạn,” ông Putin nói với 17 người phụ nữ trong dinh thự của mình ở Novo-Ogaryovo, phía tây Moscow, hôm thứ Sáu. “Chúng tôi hiểu rằng không gì có thể thay thế được việc mất mát một người con trai – đặc biệt là đối với một người mẹ.”
Tổng thống Putin nói với các bà mẹ có tang con rằng, ông không hối tiếc về việc phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga chống lại Ukraine; và nhắc họ đừng tin vào những gì đọc trên internet về cuộc chiến.
“Các bạn không thể tin bất cứ điều gì ở đó, có đủ loại tin giả, lừa dối, dối trá”, ông Putin nói.
Đức chuẩn bị tuyên bố Holodomor – nạn đói Ukraine gây ra bởi Stalin – là cuộc diệt chủng
Hạ viện Đức đang có kế hoạch thông qua một nghị quyết tuyên bố nạn đói đã giết chết hàng triệu người Ukraine dưới thời Joseph Stalin là một tội ác diệt chủng, một động thái mà các nghị sĩ hy vọng sẽ là “cảnh báo” tới Moscow khi Ukraine có thể đối mặt với một cuộc khủng hoảng đói vào mùa đông này .
Nghị quyết, sẽ được ba đảng cầm quyền và các nhà lãnh đạo phe đối lập bảo thủ cùng nhau đưa ra bỏ phiếu vào tuần tới, sẽ mô tả Holodomor 1932-1933 là một phần của “danh sách các tội ác vô nhân đạo của hệ thống toàn trị đã giết chết hàng triệu sinh mạng ở châu Âu trong nửa đầu thế kỷ 20”.
Nghị quyết sẽ nêu rõ: “Người dân trên khắp Ukraine, không chỉ ở các vùng sản xuất ngũ cốc, đã bị ảnh hưởng bởi nạn đói và đàn áp”. “Điều này đáp ứng định nghĩa lịch sử-chính trị từ quan điểm ngày nay về tội ác diệt chủng.”
Trước đó trong tuần, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã so sánh cuộc chiến của Nga ở Ukraine hiện tại với “nạn diệt chủng khủng khiếp” bằng nạn đói do nhà lãnh đạo Liên Xô Josef Stalin gây ra ở nước này cách đây 90 năm.
Xem thêm video: Holodomor và diệt chủng bằng nạn đói tại Ukraine dưới thời Liên Xô
Người hâm mộ Iran khóc nức nở và đám đông la ó khi các cầu thủ hát quốc ca
Khi quốc ca Iran cất lên ở trận đấu với xứ Wales chiều 25/11 (giờ VN), tại Sân vận động Ahmad Bin Ali của Qatar, và 11 cầu thủ đội tuyển Iran bắt đầu lặng lẽ hát, trên khán đài đã rộ lên những tiếng la ó và chế giễu từ CĐV nước này.
Theo Daily Mail, máy quay khi lia qua đám đông đã dừng lại trước hình ảnh một người đàn ông trung niên đang cầm cờ Iran, mắt nhắm lại và khóc nức nở – khi bài quốc ca được phát qua loa của sân vận động.
Hiện chưa rõ liệu người đàn ông này là một người hâm mộ Iran ủng hộ chính phủ hay một trong những người ủng hộ chống chế độ – và do vậy, anh ta đang khóc vì tự hào về đất nước của mình, vì những người hâm mộ đang chế nhạo, hay vì những cuộc đấu tranh đang diễn ra ở ở Iran.
Các tuyển thủ đội tuyển quốc gia Iran đã không hát quốc ca ở trận ra quân World Cup 2022 trước tuyển Anh; hành động được cho là để ủng hộ những người biểu tình tại quê nhà, liên quan đến cái chết của cô gái trẻ 22 tuổi Mahsa Amini. Cô Amini qua đời sau thời gian bị cảnh sát Iran giam giữ vì mang khăn trùm hijab không phù hợp luật Hồi giáo.
Chính phủ Iran sau đó phản ứng dữ dội, đe dọa toàn đội tuyển Iran sẽ phải đối mặt hậu quả nặng nề khi về nước nếu cương quyết hành động như vậy.
Chiến tranh công nghệ: Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản vượt lên dẫn đầu về chất bán dẫn tiên tiến trong khi Trung Quốc vẫn mắc kẹt với chip nút trưởng thành
Theo các nhà phân tích, khoảng cách công nghệ chip giữa Trung Quốc và phương Tây có thể sẽ ngày càng lớn hơn khi Mỹ, Đài Loan và Nhật Bản thúc đẩy các dự án tiên tiến trong khi các xưởng đúc của Trung Quốc đại lục vẫn bị mắc kẹt tại các nút trưởng thành do các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.
Nhà máy 5 nanomet ở Arizona do Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) phát triển dự kiến sẽ tổ chức lễ khai trương chính thức vào tháng tới. Người sáng lập TSMC, ông Morris Chang, cho biết trong tuần này rằng việc mở rộng sang quy trình 3nm tiên tiến hơn đã được lên kế hoạch cho nhà máy ở Arizona.
Tại Đài Loan, quy trình 3nm thế hệ tiếp theo của TSMC dự kiến sẽ bắt đầu được sản xuất hàng loạt tại Đài Nam, miền nam đảo quốc, vào nửa cuối năm nay.
TSMC đang phát triển quy trình 2nm tinh vi hơn ở Hsinchu, nơi đặt trụ sở chính của họ, trong khi quy trình 1nm đang tập trung vào một cơ sở ở Đào Viên, phía bắc Đài Loan.
Một cách độc lập, các đối thủ Nhật Bản bao gồm Toyota Motor, Tập đoàn Sony và gã khổng lồ viễn thông NTT đã thành lập một công ty đảm nhận việc chế tạo chip 2nm trong vòng 5 năm tới.
Xem thêm video: TSMC: Nỗi khao khát và lo lắng của Trung Quốc
Trong khi đó, nhà máy đúc hàng đầu của Trung Quốc, Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế (SMIC), chỉ có thể sản xuất hàng loạt chip 14 nm – phù hợp với ô tô và thiết bị gia dụng – khi phải vật lộn với những thách thức do lệnh trừng phạt mới nhất của Hoa Kỳ.
Arisa Liu, nhà nghiên cứu chất bán dẫn cấp cao tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, cho biết: “Phản ứng của Trung Quốc đối với các lệnh trừng phạt mới nhất của Hoa Kỳ trong lĩnh vực sản xuất chip có thể là tập trung thúc đẩy vào các nút trưởng thành hoặc chất bán dẫn thế hệ thứ ba”.
Từ khóa áp trần giá dầu Nga Zero-COVID Trung Quốc Tên lửa Patriot Chiến tranh Nga - Ukraine giới hạn giá dầu Nga Kherson Bản tin sáng Dòng thời sự