Các thành viên NATO hôm thứ Ba (14/1) cho biết họ sẽ triển khai trên biển Baltic tàu hộ vệ, máy bay tuần tra và máy bay không người lái để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng như cáp ngầm, để ngăn chặn bất kỳ hành động phá hoại nào trong tương lai. Trung Quốc và Nga luôn bị nghi ngờ là kẻ đứng sau các hành động phá hoại như vậy.

r shutterstock 1156844725
Cáp ngầm dưới biển (Ảnh: Norimoto/Shutterstock)

Sau cuộc chiến Nga – Ukraine vào tháng 2/2022, một loạt vụ phá hoại cáp điện, cáp thông tin và đường ống dẫn khí đốt ở biển Baltic đã xảy ra. Những sự kiện này khiến chính quyền châu Âu phải đặt trong tình trạng báo động cao. Để giải quyết vấn đề này, NATO đã có hành động gọi là ‘Lính gác Baltic’ (Baltic Sentry).

Triển khai hạm đội máy bay không người lái

Trong một cuộc họp báo, Tổng thư ký NATO Mark Rutte cho biết rằng nhiệm vụ này sẽ tăng cường sự hiện diện của liên minh NATO ở các khu vực biên giới; nhiệm vụ triển khai để tăng cường giám sát bao gồm các tàu hộ vệ, máy bay tuần tra trên biển, tàu ngầm, máy bay điều khiển từ xa, và một hạm đội hải quân nhỏ trang bị máy bay không người lái.

Ông Rutte chia sẻ rằng NATO sẽ làm việc với các đồng minh để tổng hợp các tài sản cần giám sát và đáp ứng cần thiết, cũng làm việc với ngành công nghiệp liên quan để tìm hiểu thêm các cách bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng và tăng khả năng phục hồi của các tài sản dưới nước. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi luật pháp, rằng Phần Lan đã chứng minh rằng có thể có hành động kiên quyết trong khuôn khổ luật pháp.

“Các thuyền trưởng cần nhận thức việc gây vấn đề tiềm tàng đối với cơ sở hạ tầng của chúng ta sẽ phải chịu hậu quả như thế nào, bao gồm khả năng bị cơ quan chức năng lên tàu, kiểm soát và bắt giữ”, ông Rutte nói.

Không thể là vấn đề trùng hợp ngẫu nhiên

Tháng 11 năm ngoái, 2 tuyến cáp dưới đáy biển Baltic đã bị đứt. Vụ việc xảy ra sau khi tàu vận chuyển Yipeng 3 của Trung Quốc tắt hệ thống nhận dạng tự động của tàu và kéo neo tàu hơn 100 dặm, do đó bị cáo buộc đã lần lượt cắt đứt cáp liên lạc giữa Thụy Điển và Lithuania, giữa Đức và Phần Lan.

Công ty chủ tàu Yipeng 3 được đăng ký tại Ninh Ba – Trung Quốc, có thuyền trưởng là công dân Trung Quốc và có thành viên thủy thủ đoàn là công dân Nga, khởi hành từ cảng Steluga của Nga mang theo phân bón hóa học của Nga để chuẩn bị đến Trung Quốc.

Yipeng 3 sau đó đã bị hải quân Đan Mạch chặn lại và neo đậu trên biển, đồng thời các nhà chức trách quốc tế bắt đầu điều tra vấn đề này.

Một sự kiện tương tự khác vào tháng trước khi cảnh sát Phần Lan bắt giữ một tàu chở dầu của Nga, cho biết họ nghi ngờ tàu chở dầu này cố tình kéo neo làm hỏng dây cáp điện Estlink 2 và 4 liên lạc giữa Phần Lan và Estonia.

Mặc dù Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb nói rằng còn quá sớm để kết luận, nhưng ông tin vụ phá hoại xảy ra vào ngày 25/12 năm ngoái có liên quan đến Nga. Ông Stubb nói với Reuters: “Con tàu này là một phần ‘hạm đội bóng tối’ của Nga. Chúng tôi cũng biết rằng rất nhiều hàng hóa trên tàu đến từ Nga. Chắc chắn có liên quan”.

Những sự cố này rất giống với một sự cố khác vào tháng 10/2023, khi đó tàu “gấu Bắc Cực mới” (NewNew Polar Bear) bị phát hiện đang kéo neo hơn 100 dặm, làm hỏng đường ống dẫn khí đốt quan trọng nối Estonia và Phần Lan và 2 dây cáp liên lạc ở Biển Baltic.

Bà Kaja Kolas – đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU – nói với Fox News: “Nga không phải thách thức duy nhất mà chúng tôi phải đối mặt… Tàu Trung Quốc được cho là có liên quan đến việc gần đây phá hủy tuyến cáp biển Baltic, điều mà chúng tôi đã thấy ở eo biển Đài Loan trong nhiều năm qua…. Xem xét ủng hộ mạnh mẽ mà Trung Quốc dành cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraine, rất khó để coi những sự kiện này chỉ là vấn đề trùng hợp ngẫu nhiên”.

Nhà chức trách Đài Loan đã nhiều lần cáo buộc tàu Trung Quốc cố ý kéo neo để cắt dây cáp ngầm ở eo biển Đài Loan. Sự cố mới nhất xảy ra vào ngày 3/1 năm nay. Thời điểm đó cơ quan tuần tra biển Đài Loan cho biết, tàu hàng có tên Shunxing39 của Trung Quốc dự kiến sẽ đi đến Busan – Hàn Quốc, nhưng đã ngừng truyền thông tin vị trí trên biển cả, nghi ngờ họ kéo neo qua cáp ngầm quốc tế ở vùng biển phía đông bắc Đài Loan. Dù đội tuần tra biển Đài Loan đã tạm giữ tàu trong thời gian ngắn, nhưng do tình hình biển vào thời điểm đó quá xấu khiến nhân viên tuần tra biển Đài Loan không thể lên tàu. Sau đó họ đã yêu cầu chính quyền Hàn Quốc hỗ trợ điều tra.

NATO xem xét thêm cách xử lý “hạm đội bóng tối” của Nga

Phát biểu sau hội nghị thượng đỉnh NATO, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, các nước thành viên NATO sẽ xem xét trừng phạt “hạm đội bóng tối” (shadow fleet) của Nga nhằm bảo vệ các cơ sở quan trọng dưới đáy biển.

Ông Scholz cho rằng cần phải nghiên cứu thêm biện pháp để có những hành động với các tàu khả nghi mà không ảnh hưởng xấu đối với tự do hàng hải. “Chúng tôi sẽ tiếp tục hành động đối với ‘hạm đội bóng tối’ của Nga, ngoài các biện pháp trừng phạt đã được thực hiện sẽ có hành động tăng cường, như xác định mục tiêu cụ thể các tàu và công ty vận chuyển gây ra mối đe dọa”.