Nga kích hoạt cuộc tập trận quy mô khổng lồ; NATO dè chừng
- Yên Sơn
- •
Cuộc tập trận chung Nga – Belarus quy mô lớn 4 năm một lần đã bắt đầu từ hôm thứ Năm (14/9) dọc theo biên giới với các nước Baltic. Động thái này của Moscow thu hút sự chú ý mạnh mẽ của phương Tây và bùng phát nỗi lo lắng cho các nước láng giềng nhỏ bé ở phía tây nước Nga.
Nga và Belarus tập trận chung vào tháng 4/2017
Giới chức Nga hôm thứ Năm (14/9) cho biết các Lữ đoàn tăng của quân đội nước này đang di chuyển tới Belarus để tham gia cuộc tập trận chung.
Moscow gọi cuộc tập trận năm nay là Zapad 2017 (Zapad trong tiếng Nga nghĩa là “phương Tây”) và khẳng định đây là các cuộc tập trận đã được lên kế hoạch dài hạn với mục đích phòng thủ và quy mô nhỏ, chỉ có khoảng hơn 12.000 quân tham gia.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ và NATO cho rằng số lượng binh lính thực sự có lẽ cao hơn rất nhiều con số mà Nga thông báo. Washington ước tính số quân tham gia cuộc tập trận dọc biên giới Nga giáp với phương Tây, kéo đến Bắc Cực vào khoảng 100.000 quân.
Nếu số quân tham gia thực sự lớn như vậy, đây là cuộc tập trận chiến tranh lớn nhất mà Nga từng thực hiện kể từ sau thời kỳ Soviet. Sự khác biệt quá lớn trong các báo cáo về quy mô cuộc tập trận đã đặt ra mối quan ngại về mục đích thực sự của Điện Kremlin trong đợt diễn tập này, thậm chí có những lo lắng về việc có thể có cuộc xâm lược bất ngờ, giống như những gì Nga đã làm khi sáp nhập Crimea của Ukraine năm 2014.
Trung tướng Quân đội Hoa Kỳ Ben Hodges, chỉ huy quân lực Mỹ tại Châu Âu, hồi tháng 7 vừa qua đã trao đổi với hãng tin Reuters về những lo ngại xung quanh các bài diễn tập chiến tranh của người Nga. Tướng Hodges cho hay: “Họ nói, ‘Chúng tôi chỉ đang diễn tập’, và sau đó tất cả đều bất ngờ, họ đã chuyển tất cả quân đội và thiết bị vũ trang tới một khu vực nào đó”.
Tuy nhiên, tướng Hodges và các quan chức Hoa Kỳ và Châu Âu khác đã nhấn mạnh rằng các cuộc tập trận lần này của Nga có lẽ chỉ là những bài diễn tập mà thôi.
Ông Kurt Volker, đặc phái viên Hoa Kỳ về xung đột Ukraine hôm thứ Năm (14/9) nói với BBC rằng: “[Cuộc tập trận] diễn ra ở một nơi mang tính khiêu khích và với quy mô khiêu khích, nhưng tôi nghĩ tất cả chúng ta hiểu rằng đội quân của họ sẽ chỉ tiến hành các bài diễn tập quân sự”.
Phía Nga cũng đã lên tiếng bác bỏ tuyên bố của NATO rằng có hàng chục ngàn quân sẽ tham gia cuộc diễn tập Zapad 2017 này. Moscow khẳng định rằng họ sẽ tuân thủ Hiệp ước Vienna mà Nga đã ký kết với phương Tây, được Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu thông qua từ năm 1990 và cập nhật năm 2011. Văn bản này quy định nếu các cuộc tập trận của Nga có sự tham gia của hơn 13.000 quân hoặc hơn 300 xe tăng, sẽ cần phải mời các nhà quan sát phương Tây tới giám sát. Thực tế, Nga vẫn luôn tìm cách để không phải thực hiện quy định này và năm nay họ cũng tuyên bố chỉ có khoảng hơn 12.000 quân tham gia tập trận.
Các quan chức NATO nói rằng trước nay Nga vẫn luôn cung cấp các thông tin không chính xác về số lượng quân đội tham gia diễn tập. Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Margus Tsahkna chỉ ra một tài liệu cho thấy quân đội Nga đã trưng dụng hơn 4.000 xe lửa tham gia vận chuyển cho cuộc tập trận. Điều này cho thấy số lượng binh lính thực tế cao hơn rất nhiều so với con số hơn 12.000 lính mà Moscow công bố.
Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania Raimundas Karoblis nói với Reuters rằng: “Chúng tôi không thể hoàn toàn bình tĩnh. Có một lực lượng đông đảo quân đội nước ngoài tập trung ngay sát lãnh thổ Lithuania”.
Các nước láng giềng Baltic của Nga càng thêm lo lắng hơn khi một trong những kịch bản cuộc tập trận năm nay là: Phản ứng của Nga trước sự xâm lược của một quốc gia hư cấu do phương Tây hậu thuẫn. Vào tháng 8 vừa qua, Bộ Quốc phòng Belarus đã tiết lộ rằng quân đội nước này và lực lượng của Nga sẽ đẩy lùi lực lượng của một quốc gia hư cấu, được gọi là Veishnoriya – được sự hẫu thuẫn của các thế lực chưa xác định.
Theo tờ New York Times, quốc gia hư cấu, mà phía Nga và Belarus gọi là Veishnoriya, không hề tồn tại vì nó không có quân đội và công dân thực sự và chỉ được kêu gọi ủng hộ trên mạng internet. Một tài khoản Twitter châm biếm tự nhận là đại diện cho Bộ Ngoại giao Veishnoriya đã đưa ra thông báo hăm dọa, cảnh báo rằng họ đang xây dựng quân đội dọc theo biên giới với Belarus.
Các chiến lược gia phương Tây nhận định rằng cho dù Nga có thể sẽ không lặp lại hành động như đối với Ukraine năm 2014 với các nước Baltic, nhưng kịch bản khả dĩ nhất là hàng ngàn binh lính Nga và các trang thiết bị vũ trang tới Belarus tham gia tập trận lần này sẽ đồn trú dài hạn ngay vách tường biên giới của họ.
Cả hai chính phủ Nga và Belarus đều phản đối nhận định trên của phương Tây và khẳng định đây chỉ là một cuộc tập trận thuần túy theo thông lệ.
Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết ông không thể suy đoán về mục đích thực sự của Nga trong cuộc tập trận Zapad 2017 và nói rằng điều này sẽ trở nên rõ ràng khi nó kết thúc vào tuần tới. Đồng thời, ông Stoltenberg lưu ý, cuộc diễn tập này phù hợp với “khuôn mẫu của một nước Nga quyết đoán hơn“, “tập trận mang tính chất hiếu chiến hơn“. Tổng thư ký NATO nhấn mạnh rằng thông qua hành động của mình ở Crimea và phía đông Ukraine năm 2014, Moscow đã cho thấy rằng họ “sẵn sàng sử dụng quân đội chống lại các nước láng giếng“.
Yên Sơn
Xem thêm:
Từ khóa Quan hệ Mỹ - Nga NATO tập trận chung Baltic