Nga đe dọa ngừng đường ống khí đốt từ Nga sang Đức, cảnh báo giá dầu có thể lên tới 300 USD/thùng
- Xuân Lan
- •
Lo ngại về một cuộc chiến tranh năng lượng giữa Nga và phương Tây đã tăng lên vào thứ Ba (8/3) sau khi Hoa Kỳ thúc đẩy các đồng minh của mình xem xét cấm nhập khẩu dầu của Nga như một sự trừng phạt đối với cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine, nơi các cuộc đàm phán về hành lang nhân đạo đạt được rất ít tiến triển.
Nga cảnh báo có thể ngừng dòng khí đốt qua các đường ống từ Nga sang Đức để đáp lại quyết định của Berlin vào tháng trước về việc đình chỉ đường ống Nord Stream 2. Nga cung cấp 40% khí đốt cho châu Âu.
“Chúng tôi có mọi quyền để đưa ra quyết định phù hợp và áp đặt lệnh cấm vận đối với hoạt động bơm khí qua đường ống dẫn khí Nord Stream 1”, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết hôm thứ Hai.
Ông Novak cũng cảnh báo rằng giá dầu có thể tăng gấp đôi lên 300 USD/thùng nếu Hoa Kỳ và các đồng minh cấm nhập khẩu dầu của Nga. Hiện dầu và khí đốt vẫn là nguồn thu quan trọng của Nga sau khi nước này bị đóng băng khỏi thị trường tài chính phương Tây.
Các nhà phân tích tại Bank of America cho rằng nếu phần lớn lượng dầu xuất khẩu của Nga bị cắt giảm, có thể sẽ gây nên thiếu hụt từ 5 triệu thùng/ngày trở lên, đẩy giá lên tới 200 USD.
Giá dầu đã lên mức cao nhất trong 14 năm vào thứ Ba, với giá dầu Brent giao sau tăng 1,06 USD, tương đương 0,9%, lên 124,27 USD/thùng lúc 02:23 GMT.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã tổ chức một cuộc họp video với các nhà lãnh đạo của Pháp, Đức và Anh vào thứ Hai, gợi ý các nước cấm nhập khẩu dầu của Nga. Tuy vậy, cho đến nay, các nước phương Tây thiếu đồng thuận trong việc này.
Phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết hôm thứ Hai (7/3) rằng bất kỳ lệnh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt nào của Nga trong bối cảnh cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine nên được nhìn nhận “qua một lăng kính khác” so với các biện pháp trừng phạt khác.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết nhập khẩu năng lượng của Nga là “thiết yếu” đối với cuộc sống hàng ngày của người dân châu Âu và rằng lệnh cấm khai thác dầu khí của Nga có thể khiến an ninh năng lượng của châu Âu gặp rủi ro.
Cuộc xâm lược của Nga – cuộc tấn công lớn nhất vào một quốc gia châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai – đã khiến 1,7 triệu người phải chạy tị nạn. Phương Tây đã áp dụng một loạt các lệnh trừng phạt chưa từng có đối với Moscow, nhưng vẫn tiếp tục mua dầu của Nga.
Hành lang nhân đạo
Các cuộc bao vây và đánh bom tiếp tục diễn ra khi Kyiv từ chối các hành lang nhân đạo dẫn tới… Nga và Belarus. Một nhà đàm phán Ukraine cho biết mặc dù đã đạt được những tiến bộ nhỏ trong việc thỏa thuận hậu cần cho việc sơ tán dân thường, nhưng mọi thứ vẫn không thay đổi.
Các hãng thông tấn Nga đưa tin, Moscow sẽ cho người dân các thành phố Sumy và Mariupol của Ukraine lựa chọn chuyển đến nơi khác ở Ukraine vào thứ Ba.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với Reuters rằng Moscow sẽ ngừng các hoạt động nếu Ukraine ngừng giao tranh, sửa đổi hiến pháp để tuyên bố trung lập và công nhận việc Nga sáp nhập Crimea và độc lập của các khu vực do lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn nắm giữ.
Ukraine hôm 7/3 cho biết, một cuộc tấn công của Nga nhằm vào một nhà máy sản xuất bánh mì ở thị trấn Makariv thuộc vùng Kyiv đã khiến 13 người thiệt mạng. Nga phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường.
Tại thành phố cảng phía nam Mariupol, hàng trăm nghìn người vẫn bị mắc kẹt mà không có thức ăn và nước uống dưới các đợt bắn phá thường xuyên.
Tại thành phố phía đông Kharkiv, cảnh sát cho biết số người chết vì cuộc pháo kích của Nga là 143 người kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược.
Các con số thương vong đều không được xác minh một cách độc lập.
Ukraine hôm thứ Hai cho biết các lực lượng của họ đã giành lại quyền kiểm soát thị trấn Chuhuiv ở phía đông bắc sau các trận giao tranh ác liệt và sân bay Mykolayiv chiến lược ở phía nam.
Xuân Lan (theo Reuters)
Từ khóa giá dầu thế giới Chiến tranh Nga - Ukraine