Nga tuyên bố sẽ không có hòa bình ở Ukraine nếu không chấp nhận các vùng sáp nhập
- Lê Vy
- •
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết không thể có các cuộc đàm phán hòa bình thành công ở Ukraine trừ khi Kyiv và các đồng minh phương Tây chấp nhận việc Nga tuyên bố sáp nhập các vùng lãnh thổ Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia của Ukraine.
Sau 10 tháng chiến tranh, viễn cảnh cho đàm phán hòa bình ở cả hai bên còn xa vời. Ông Peskov hôm thứ Tư đã bác bỏ đề xuất của Ukraine về việc tổ chức một “hội nghị thượng đỉnh hòa bình” tại Liên Hợp Quốc vào tháng Hai.
“Đầu tiên, cho đến nay, không có bất kỳ ‘kế hoạch hòa bình’ nào của Ukraine,” ông Peskov nói khi đề cập đến hội nghị thượng đỉnh hòa bình do Liên Hợp Quốc đề xuất, theo hãng thông tấn TASS của Nga.
“Và một lần nữa, không có ‘kế hoạch hòa bình’ nào của Ukraine khả thi nếu nó không tính đến thực tế hiện đại; với lãnh thổ của Nga, với 4 khu vực mới gia nhập Nga”, ông Peskov nói. “Bất kỳ kế hoạch nào không tính đến những trường hợp này đều không thể coi là một kế hoạch hòa bình.”
Moscow tuyên bố đã sáp nhập Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia vào tháng 9. Các cuộc trưng cầu dân ý giả mạo đã được sử dụng để biện minh cho việc Nga tiếp quản, như trong vụ sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014.
Các cuộc bỏ phiếu phi pháp đã bị lên án rộng rãi. Vào tháng 10, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết, được 143 quốc gia thành viên ủng hộ, kêu gọi các quốc gia không công nhận những lá phiếu giả. Nga, Syria, Belarus, Bắc Triều Tiên và Nicaragua là những quốc gia duy nhất bỏ phiếu chống. Trung Quốc và Ấn Độ nằm trong số 35 quốc gia bỏ phiếu trắng.
Moscow và Kyiv có lập trường hoàn toàn trái ngược nhau về tình trạng của các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng này. Điện Kremlin tuyên bố đã sáp nhập các lãnh thổ này vào Liên bang Nga và không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy họ sẵn sàng trao trả lại cho Kyiv quyền kiểm soát.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Ukraine đã nói rằng các cuộc đàm phán hòa bình sẽ không thể bắt đầu cho đến khi quân đội Nga trở lại vị trí trước ngày 24/2, điều đó có nghĩa là giải phóng hoàn toàn Kherson và Zaporizhzhia, cũng như các phần của Luhansk và Donetsk.
Mục tiêu cuối cùng của Kyiv là giải phóng toàn bộ lãnh thổ Ukraine theo đường biên giới năm 1991 của nước này, điều đó có nghĩa là Nga rút quân khỏi tất cả các lãnh thổ bị chiếm đóng kể từ năm 2014, bao gồm cả Crimea và Donbass. Các nhà lãnh đạo Ukraine cũng đang yêu cầu bồi thường, xét xử tội ác chiến tranh đối với các nhà lãnh đạo Nga và tư cách thành viên NATO.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thừa nhận rằng có thể cần phải có một thỏa thuận hòa bình để chấm dứt giao tranh, mặc dù ông không có dấu hiệu hạ thấp các mục tiêu chiến tranh của Nga.
Hiện cũng có rất ít bằng chứng cho thấy các đối tác phương Tây của Ukraine đang thúc giục Kyiv nhượng bộ để theo đuổi hòa bình.
Một số nhà lãnh đạo châu Âu như Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thúc giục đối thoại và đưa ra kế hoạch đảm bảo an ninh cho Nga, nhưng những can thiệp như vậy dường như được thiết kế để giữ cho các đường dây liên lạc với Điện Kremlin luôn mở hơn là gây áp lực buộc Kyiv phải thỏa hiệp.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thảo luận về các yêu cầu của Kyiv với Tổng thống Joe Biden trong chuyến thăm của ông tới Washington, D.C. vào tuần trước. Tại một cuộc họp báo chung, ông Biden cho biết hai bên “có chung tầm nhìn và tầm nhìn là một Ukraine tự do, độc lập, thịnh vượng và an toàn.”
Lê Vy
Từ khóa Dòng sự kiện Nga sáp nhập lãnh thổ Ukraine đàm phán hòa bình ở Ukraine